Công nhân thoát nước vét rác cống ven kênh Nhiêu Lộc, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG
Vào mùa, lại điệp khúc cứ mưa to đường sá bị ngập nhiều nơi. Nhưng các điểm ngập cục bộ không giảm, nhiều nơi trước không ngập, nay ngập sâu.
Nguyên nhân việc tăng thêm các điểm ngập cục bộ hẳn nhiều người cũng có biết là do kính thưa các loại rác bị dồn đẩy đến miệng cống, thậm chí nhiều người cố đổ xuống cống. Giảm bớt chuyện này được không? Được. Nhưng vẫn còn thiếu sự chung tay và cộng đồng trách nhiệm từ nhiều phía.
Đi ngang qua đường Đỗ Xuân Hợp, TP Thủ Đức, TP.HCM một tối mưa đầu mùa. Mưa nặng hạt chừng 20 phút, một đoạn đường khoảng 200m gần UBND phường Phước Bình đã ngập gần hết bánh xe máy. Nước chảy cuồn cuộn trên đường, rác lềnh khênh.
Các anh dân quân lội vào dòng nước, nơi các anh đến là miệng cống thoát nước trên đường. Từ đó, đủ thứ rác được lôi lên, áo mưa tiện lợi, quần áo cũ..., quá nhiều thứ rác trôi ngang, vướng vào các thanh sắt miệng cống và nằm luôn đó, nước không thoát được. Rác lớn vướng lại nhưng rác nhỏ hơn hẳn đã trôi hết vô lòng cống.
Nếu ai đã từng nhìn thấy hình ảnh 1.001 thứ rác các anh công nhân vệ sinh môi trường vẫn thường phải hốt từ lòng cống lên mới thấy kinh hoàng về sự xả rác bừa bãi của những người sống quanh ta. Thú bông, rác nhựa, miểng chai, quần áo, đồ gia dụng cũ đến xà bần rác xây dựng đều có đủ hết. Cái này do người nào phải do trời!
Bao nhiêu người mang túi rác, ly trà sữa, hộp xốp, thức ăn thừa ra đặt ngay miệng cống, thậm chí cố quét cố đẩy rác vô lòng cống.
Rất dễ bắt gặp nhiều nắp hố ga bằng kim loại trên mặt đường thiết kế theo chức năng thoát nước mưa. Tuy nhiên, ban ngày rác và lá cây bít kín gần hết các khe hở, miệng cống thành nơi ngăn nước mưa khi con người vô ý xả rác. Trên lẫn dưới ống cống đều bị bịt đến "nghẹt thở", không ngập khi mưa mới lạ! Cống nào chịu nổi! Bao nhiêu tiền của mới chi đủ để đi giải quyết hậu quả này?
Địa hình Khu công nghệ cao TP.HCM ở nơi khá trũng. Vậy nhưng, rất hiếm khi xảy ra ngập nước làm xe hai bánh khó di chuyển, dù trời mưa to và tỉ lệ "bêtông hóa" ở đây cũng khá cao. Điều đó có nguyên nhân từ việc biết tận dụng tối đa hệ thống kênh rạch.
Ngay từ khi xây dựng hạ tầng, vấn đề tiêu thoát nước mưa đã được chú trọng bằng mạng lưới cống ngầm "siêu lớn", mật độ các miệng hố ga, cống thoát dày đặc. Quan trọng nhất nằm ở khâu giữ cho đường sá luôn sạch. Mặt đường hầu như không có rác đe dọa ngăn nước mưa chảy xuống cống rãnh.
Hình ảnh trên cũng thường thấy tại những khu dân cư có diện tích rộng nằm gần đại lộ Mai Chí Thọ, xa lộ Hà Nội. Dù không có địa thế cao ráo, song do được đầu tư bài bản, khoa học, quan tâm đến việc chống ngập và chấp hành tốt quy định cấm xả rác nên dù lúc mưa to, nhiều tuyến đường bên ngoài ngập khá sâu nhưng giao thông nội bộ của các khu dân cư vẫn "bình yên vô sự".
Không "xâm hại" cống thoát nước sẽ giảm thiểu đáng kể nỗi khổ đường ngập cục bộ. Trong lúc chờ các "đại công trình" ngăn triều cường, thoát nước đô thị hoàn thiện, mỗi người đều có thể giảm ngập bằng việc rất đơn giản là không xả rác ra cống, cần làm ngay và luôn thay vì chịu khổ vì ngập.
Những ngày mưa ngập, đây đó trên đường có những người lui cui moi rác từ miệng cống để mở đường nước thoát. Một người làm, trăm người đi qua nhìn thấy rồi quên và hàng ngàn người vẫn tấp rác vào cống.
Giảm bớt gánh nặng cho công nhân vệ sinh, nhiều người nhắc nhau dọn sạch từng cái lá gần miệng cống gần nhà. Có những "câu lạc bộ" tập thể dục ngoài đường kiêm luôn nhiệm vụ nhặt rác, vỏ lon bia, chai nước lăn lóc trên đường gom vào một nơi an toàn, không "uy hiếp" miệng cống.
Rác ở khắp nơi, chỉ cần một cơn gió, rác sẽ nhanh chóng "tập họp" lại, gặp mưa trút xuống sẽ "rủ nhau" kéo về miệng cống. Tôi nhắc lại chuyện này hẳn nhiều người sẽ thấy "tầm thường thôi" nhưng đây chính là một nguyên nhân gây ngập, hậu quả tức thì.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận