Sách Mĩ thuật lớp 6 dành cho giáo viên ở trang 98-99 có in bài báo được cho là có nhiều thông tin sai sự thật - Ảnh: CTV
Đó là sách Mĩ thuật lớp 6 thuộc bộ sách giáo khoa "Chân trời sáng tạo", bản dành cho giáo viên, của Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam.
Kinh hoàng lời văn bình luận, giới thiệu vô nghĩa, tối nghĩa. Không biết học sinh tiếp thu được cái gì và như thế nào?
Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân nói về bài báo được đưa vào sách Mĩ thuật lớp 6 dành cho giáo viên.
Họa sĩ "nổ" bị chỉ tên
Gần đây, giới mỹ thuật nổi lên một diễn đàn sôi nổi về chủ đề sự trung thực khi giới thiệu về mình, cụ thể là họa sĩ Phạm An Hải - một họa sĩ vẽ trừu tượng đương đại. Diễn đàn thu hút cả những người làm trong lĩnh vực mỹ thuật Việt Nam ở cả trong và ngoài nước.
Giám tuyển Ace Lê từ Singapore đã mở màn bằng bài viết chỉ ra sự "nổ", lạm dụng danh xưng to tát của một sàn giao dịch mỹ thuật mới và của họa sĩ Phạm An Hải - giám tuyến của sàn giao dịch này.
Bài viết với những thông tin cụ thể và bằng chứng xác thực đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm của đông đảo người trong giới ở cả Việt Nam và nước ngoài. Diễn đàn được mở rộng khi nghệ sĩ, giám tuyển Trần Lương từ trong nước cũng tham gia vào.
Hai giám tuyển Ace Lê và Trần Lương, với những bằng chứng cụ thể, rõ ràng và đáng tin cậy, đã chỉ ra thông tin trong hồ sơ lý lịch của họa sĩ Phạm An Hải và được truyền đi trong nhiều bài báo của các tờ báo lớn là "nổ".
Ông Ace Lê lấy ví dụ thành tích nổi bật nhất mà họa sĩ Phạm An Hải kể, và được rất nhiều báo đưa, là ông được "giải nhì tranh đương đại thế giới tại Mỹ năm 2015", nhưng khi đào sâu thêm và truy cập website cuộc thi, ông Ace Lê phát hiện ra đây chỉ là một cuộc thi nghiệp dư trực tuyến dành cho người mới học vẽ, không có cả thông tin ban tổ chức. Người thắng giải nhất năm đó, Rikardo Druskic, là một sinh viên tốt nghiệp ngành thiết kế đồ họa muốn chuyển sang làm họa sĩ.
Về thông tin Phạm An Hải trả lời phỏng vấn rằng mình "được Sotheby’s tôn vinh là một trong 20 họa sĩ trừu tượng của Đông Nam Á trong vòng 100 năm", ông Ace Lê nói thực chất Sotheby’s chỉ chọn Phạm An Hải vào triển lãm trước phiên đấu giá năm 2015 và triển lãm của sàn đấu giá cũng chỉ mang tính thương mại chứ không có tính học thuật.
"Tôi có nghiên cứu về những cuốn sách "quốc tế" và giải thưởng "quốc tế" mà Phạm An Hải giới thiệu về mình, tôi đảm bảo 100% là các sách và giải không uy tín, đại trà và thương mại, bỏ tiền ra là có" - giám tuyển Ace Lê, hiện đang làm công việc giám tuyển tại Singapore, cho biết.
Về thông tin họa sĩ Phạm An Hải có tranh trong bộ sưu tập của bảo tàng Singapore và Nhật Bản thì cả Ace Lê và Trần Lương đều có văn bản phúc đáp của các bảo tàng khẳng định họ không sưu tập tranh của Phạm An Hải.
"100% trong đó là thông tin bậy bạ. Không một thông tin nào mà Phạm An Hải phát tán trong đó là đúng, không thổi phồng thì cũng là thông tin ảo" - ông Trần Lương nói. Ông khẳng định cần lên tiếng về việc này để điều chỉnh đạo đức chung cho giới văn nghệ sĩ vì hơn hết giới tinh hoa này rất cần phải có sự trung thực và đạo đức.
Ông Lương cũng cho hay từ những lên tiếng của ông và Ace Lê thì rất nhiều họa sĩ khác đã ngấm ngầm điều chỉnh hồ sơ lý lịch của mình, xóa đi những thông tin ảo và thổi phồng, nhưng họa sĩ Phạm An Hải thì vẫn... im lặng và không đưa ra được một lời giải thích nào trước những chứng cứ rõ ràng được đưa ra.
Điềm nhiên vào sách
Câu chuyện trở nên nóng hơn khi mọi người phát hiện một trong số những bài báo với nhiều thông tin được các giám tuyển Ace Lê, Trần Lương cùng nhiều người trong giới cho là không chính xác lại được đưa vào sách Mĩ thuật lớp 6, dành cho giáo viên, của nhóm tác giả giả gồm 11 người của Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam.
Theo ông Trần Lương, dù không phải là đưa vào sách giáo khoa cho học sinh học nhưng ở trong sách hướng dẫn giảng dạy cho giáo viên nghĩa là các thầy cô giáo sẽ dựa trên đó truyền tải cho các em học sinh, nguy hiểm không kém chuyện đưa vào sách giáo khoa cho học sinh học. Ông đặt câu hỏi "Làm sao để giáo dục sự trung thực cho thế hệ trẻ?" bằng sách đưa thông tin không trung thực.
Ngoài ra, ông Trần Lương cho biết trong sách giáo khoa Mĩ thuật lớp 6 cho học sinh lại đưa tranh của họa sĩ trừu tượng nổi tiếng người Mỹ Jackson Pollock đặt cùng tranh của Phạm An Hải cũng là một sự lựa chọn phiến diện và không có chuyên môn.
"Phạm An Hải không thể nào mà đại diện cho dòng tranh trừu tượng Việt Nam để đối sánh cùng với đại diện của thế giới như Jackson Pollock. Việt Nam còn nhiều họa sĩ trừu tượng khác được quốc tế và khu vực công nhận, có hồ sơ nghệ sĩ và có cách thực hành nghệ thuật hoàn chỉnh hơn" - ông Trần Lương nói.
Ảnh hưởng lâu dài
Theo dõi sát "diễn đàn" về Phạm An Hải, giám tuyển Nguyễn Anh Tuấn - giám đốc Heritage Space - rất bức xúc khi biết những thông tin bị nghi ngờ về sự trung thực lại được đưa vào sách dạy học sinh.
Theo ông Tuấn, việc những thông tin sai do truyền thông thiếu kiểm chứng khi đưa tin từ nghệ sĩ rồi tiếp tục đi vào giáo dục trong các cuốn sách giáo khoa sẽ ảnh hưởng lâu dài tới tương lai. Bởi trẻ em vốn chưa có đủ năng lực phòng vệ về tiếp nhận thông tin lại phải hấp thu "những giá trị thẩm mỹ, văn hóa nhầm lẫn, mù mờ, rỗng tuếch".
Đang yêu cầu nhóm tác giả có ý kiến
Bìa sách Mĩ thuật lớp 6 dành cho giáo viên - Ảnh: CTV
Trao đổi với Tuổi Trẻ về vấn đề đang gây tranh cãi ở sách Mĩ thuật lớp 6, đại diện Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam cho biết thông tin được đề cập nằm trong sách giáo viên (dành cho giáo viên). Nhà xuất bản đã nắm được thông tin về việc này và đã đề nghị nhóm tác giả sách giáo khoa có ý kiến. Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam sẽ chờ phản hồi của nhóm tác giả để xem xét sự việc.
Một nguồn tin khác từ Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam cho biết quan điểm của một số nhóm tác giả sách giáo khoa là khi lựa chọn chất liệu đưa vào sách giáo khoa sẽ không chỉ chọn những nhân vật đã khuất, có tên tuổi mà lựa chọn cả những nhân vật đương đại và hiện vẫn còn đang hoạt động ở các lĩnh vực.
Tuy nhiên, một số chuyên gia khi nhìn nhận câu chuyện này cho rằng khi lựa chọn chất liệu là các nhân vật hoặc nội dung liên quan đến cuộc sống đương đại thì rất cần khâu kiểm chứng thông tin từ các kênh khác nhau, trong đó có tham vấn ý kiến các nhà chuyên môn, để tránh trường hợp đưa vào sách giáo khoa nội dung gây tranh cãi hoặc không chính xác.
Sách giáo khoa Mĩ thuật lớp 6 được biên soạn theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Năm nay là năm đầu tiên triển khai chương trình mới ở lớp 6.
VĨNH HÀ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận