14/02/2023 13:09 GMT+7

Thông quan 1.000 xe xuất, nhập khẩu với Trung Quốc mỗi ngày qua các cửa khẩu Lạng Sơn

Trong tháng 1-2023, lượng xe thông quan xuất nhập khẩu với Trung Quốc qua Lạng Sơn đạt khoảng 1.000 xe/ngày, theo Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu.

Thông quan 1.000 xe xuất, nhập khẩu với Trung Quốc mỗi ngày qua các cửa khẩu Lạng Sơn - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu - Ảnh: HÀ QUÂN

Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu cho biết tại Hội nghị thúc đẩy giao thương nông sản, thủy sản Việt - Trung trong bối cảnh mới.

Kiến nghị đàm phán ký nghị định thư về kiểm dịch thực vật

Theo ông Hồ Tiến Thiệu, năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn đạt 3,1 tỉ USD, trong đó xuất khẩu nông sản đạt 1,7 triệu tấn, trị giá khoảng 705 triệu USD.

"Lượng xe thông quan xuất nhập khẩu trong tháng 1-2023 đạt khoảng 1.000 xe/ngày. Kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh trong tháng này cũng tăng 108,3% so với cùng kỳ năm trước", ông Hồ Tiến Thiệu nêu.

Ông Hồ Tiến Thiệu cho biết nông sản, trái cây xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm khoảng 80% tổng kim ngạch xuất khẩu qua Lạng Sơn, điển hình như thanh long, xoài, mít, vải, dưa hấu, chuối... Tuy vậy, ông chỉ rõ trái cây nhiệt đới của Việt Nam phong phú, đa dạng, chất lượng tốt, được ưa chuộng nhưng số xuất khẩu còn hạn chế so với tiềm năng sản xuất, chế biến nông sản.

Bên cạnh đó, các sản phẩm nông sản, thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc phải đáp ứng các yêu cầu chặt chẽ cả về chất lượng, truy xuất nguồn gốc cũng như về quy cách đóng gói và các chính sách mới của phía Trung Quốc như lệnh 248, 249. Một số loại nông thủy sản Việt Nam phải cạnh tranh chất lượng, giá cả, thương hiệu, hình thức đối với nguồn cung từ nước khác.

Lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn nêu rõ phương thức giao nhận hàng hóa trong dịch COVID-19 như cắt nối moóc và xét nghiệm PCR COVID-19 đối với lái xe Việt Nam xuất khẩu hàng sang Trung Quốc ảnh hưởng đến năng lực thông quan.

Dịp này, ông đề nghị Chính phủ quan tâm hơn đến hạ tầng vùng biên giới, ưu tiên một số cửa khẩu tiềm năng, phân bổ nguồn lực cho logistics như trung tâm phân phối, cảng cạn, kho ngoại... Đồng thời, người đứng đầu chính quyền Lạng Sơn đề nghị các bộ ngành tăng cường trao đổi, đàm phán với Tổng cục Hải quan Trung Quốc, sớm ký kết nghị định thư về kiểm dịch thực vật đối với các loại hoa quả.

"Việc này kỳ vọng giảm bớt các thủ tục kiểm tra, kiểm soát tại các cửa khẩu và mở rộng danh mục các mặt hàng hoa quả, nông sản của Việt Nam được phép xuất vào Trung Quốc", ông nói.

Thông quan 1.000 xe xuất, nhập khẩu với Trung Quốc mỗi ngày qua các cửa khẩu Lạng Sơn - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan (trái) và Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu chủ trì hội nghị - Ảnh: HÀ QUÂN

Giao thương với Quảng Tây chiếm 95% kim ngạch thương mại

Theo ông Tô Ngọc Sơn, phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á, châu Phi (Bộ Công Thương), năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam và Trung Quốc khoảng 175,5 tỉ USD. Riêng giao thương với Quảng Tây (Trung Quốc), kim ngạch thương mại chiếm khoảng 95% tổng số.

Vị này nhấn mạnh nhiều nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc như vải, thanh long, tinh bột sắn chiếm từ 50 - 90% lượng hàng. Tuy nhiên, đa phần nhập khẩu tiểu ngạch nên giá trị không cao nên nước này mong muốn tiếp nhận qua đường chính ngạch kèm theo yêu cầu chất lượng tốt hơn. Đánh giá với thị trường tiêu thụ 100 triệu dân, ông Sơn cho rằng thay vì đàm phán nhiều năm một loại nông sản tươi thì nghiên cứu, chủ động đánh chiếm thị trường trong nước.

Còn ông Lỗ Siêu, đại diện Tổng cục Hải quan Trung Quốc, khẳng định hai lệnh 248, 249 nhằm nâng cao chất lượng, tăng cường quản lý nông sản nhập khẩu từ nước ngoài vào nước này, không riêng Việt Nam. Theo đó, doanh nghiệp xuất nhập khẩu phải đăng ký nguồn gốc xuất xứ, điều kiện nhà xưởng, điều kiện nguồn nước, quy trình chế biến nông sản, trái cây...

Doanh nghiệp có mã xuất khẩu thì vẫn phải hậu kiểm trực tuyến qua video với sản phẩm xuất khẩu. Do vậy, doanh nghiệp nghiêm túc đóng gói, bảo quản, vận chuyển một số sản phẩm rủi ro cao.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nêu rõ các cơ hội hợp tác trong giao thương thương mại, chẳng hạn như nông thủy sản, sẽ làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước.

Ngoài chuyện buôn bán tiểu ngạch đến chính ngạch, ông Hoan cho rằng việc chuyển giao kỹ thuật, công nghệ canh tác nông nghiệp tới người nông dân Việt Nam. Doanh nghiệp Việt cần chú ý thích ứng với các lệnh 248, 249, sắp tới là 259, đồng thời chú trọng xây dựng thương hiệu lâu dài.

Theo ông Vương Chính Ba, chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Quảng Tây (Trung Quốc), những mặt hàng như cà phê, sầu riêng, mít, thanh long rất được yêu thích ở Trung Quốc. Để tăng lượng tiêu thụ, ông đề xuất đẩy mạnh giới thiệu sản phẩm qua các kênh thương mại điện tử (hiện chiếm 20% tổng số và dự báo đạt trên 30%) để giảm bớt chi phí trung gian.

Các doanh nghiệp Trung Quốc khác đề xuất tăng hợp tác liên vùng, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, quan tâm vận chuyển hàng đông lạnh, hoa quả tươi, mở rộng "con đường tơ lụa số" (liên thông dữ liệu)...

Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc: Tập trung chính ngạch, giảm xuất tiểu ngạchXuất khẩu nông sản sang Trung Quốc: Tập trung chính ngạch, giảm xuất tiểu ngạch

Tại Diễn đàn thúc đẩy giao thương nông sản, thực phẩm giữa Việt Nam - Vân Nam (Trung Quốc), do Bộ Nông nghiệp cùng tỉnh Lào Cai tổ chức vào sáng 10-2, nhiều doanh nghiệp bày tỏ mong muốn được đẩy nhanh việc cấp mã số vùng trồng, mã số đóng gói...

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên