13/06/2018 14:38 GMT+7

Thông điệp từ sự nhượng bộ của ông Trump trước ông Kim Jong Un

TS TRẦN VIỆT THÁI  (phó viện trưởng  Viện nghiên cứu chiến lược, Học viện Ngoại giao) - QUỲNH TRUNG ghi
TS TRẦN VIỆT THÁI (phó viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược, Học viện Ngoại giao) - QUỲNH TRUNG ghi

TTO - Không ai nghĩ hai nước từng là cựu thù của nhau kể từ chiến tranh Triều Tiên có thể hòa giải nhanh đến vậy thông qua những cái bắt tay nồng ấm, dù trước đây hai bên liên tục công khai chỉ trích và đe dọa lẫn nhau.

Thông điệp từ sự nhượng bộ của ông Trump trước ông Kim Jong Un - Ảnh 1.

Học sinh của một trường tiểu học ở Nam Seoul, Hàn Quốc, theo dõi truyền hình trực tiếp thượng đỉnh Mỹ - Triều - Ảnh: Yonhap

Theo tôi, ý nghĩa lớn nhất của cuộc gặp thượng đỉnh lần này chính là thông điệp hòa giải. 

Về nội dung hội đàm, đây là lần đầu tiên ông Donald Trump và ông Kim Jong Un gặp nhau, do đó ra được một tuyên bố chung bằng văn bản được xem là bước đi đột phá, tạo ra hướng đi mới cho quan hệ hai nước trong tương lai. 

Điểm quan trọng nhất của tuyên bố chung chính là Bình Nhưỡng tiếp tục tái cam kết phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Tuy nhiên, bản tuyên bố chung này có quá ít chi tiết cũng như không nêu rõ lộ trình cụ thể. Có vẻ như văn kiện này vẫn chưa cho thấy rõ những gì hai bên đã đạt được. 

Chẳng hạn, trong tuyên bố chung, ông Trump hứa bảo đảm an ninh cho Triều Tiên nhưng không nêu rõ các biện pháp bảo đảm an ninh này là gì.

Tuyên bố chung cũng không có dòng nào đề cập đến yêu cầu hàng đầu của Mỹ trong các cuộc đối thoại với Triều Tiên là phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược (CVID).

Trong khi đó, Bình Nhưỡng chỉ tái khẳng định những cam kết trước đó của mình chính là "phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên" - điều mà các thế hệ lãnh đạo nước này đã từng cam kết trước đây.

Thứ tự ưu tiên của 4 điểm chính trong tuyên bố chung cho thấy sự bất thường, đó là sự nhượng bộ của ông Donald Trump trước ông Kim Jong Un. 

Cái Mỹ ưu tiên nhất là phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên thì nằm ở vị trí thứ ba. Nội dung thiết lập mối quan hệ Mỹ - Triều mới thì nằm ở vị trí đầu tiên, đây cũng là ưu tiên cao nhất của Bình Nhưỡng. Nếu anh là một nhà đàm phán thực thụ, cái ưu tiên nhất của anh phải đưa lên đầu.

Dù vậy, trong tuyên bố chung cũng cho thấy khả năng hai nước sẽ tiếp tục đàm phán trong tương lai dưới sự dẫn dắt của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và các quan chức cấp cao Triều Tiên liên quan để thực thi các kết quả từ Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần này.

Tóm lại, cuộc gặp thượng đỉnh lần này tại Singapore đã làm tốt vai trò xây dựng lòng tin ban đầu giữa hai nhà lãnh đạo. Hi vọng trong những lần gặp sắp tới hai bên sẽ tiếp tục xây dựng lòng tin, cụ thể hóa những cam kết, để mang lại nền hòa bình thực sự trên bán đảo Triều Tiên.

Thế giới hoan nghênh

* Nga: Thứ trưởng ngoại giao Sergei Ryabkov cho biết Nga đánh giá cao thỏa thuận đạt được, đồng thời cho biết Matxcơva không chỉ hoan nghênh mà sẽ hỗ trợ thực hiện thỏa thuận này để tiến tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên.

* Nhật: Thủ tướng Shinzo Abe bày tỏ sự ủng hộ đối với tuyên bố chung, khẳng định Nhật Bản sẽ làm mọi điều có thể trong việc hợp tác với Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc để giải quyết vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.

* Hàn Quốc: Tổng thống Moon Jae In cho biết thỏa thuận đạt được sẽ kết thúc cuộc xung đột cuối cùng còn tồn tại từ thời Chiến tranh lạnh, tin tưởng hai miền Triều Tiên và Mỹ sẽ "viết nên một trang sử mới hòa bình và hợp tác".

* Trung Quốc: Ngoại trưởng Vương Nghị cho rằng cuộc gặp có ý nghĩa quan trọng và tích cực khi hai nhà lãnh đạo đã "tổ chức đối thoại trên cơ sở quan hệ bình đẳng", từ đó "mở ra một trang sử mới".

* Singapore: Thủ tướng Lý Hiển Long chiều 12-6 gửi thư chúc mừng tới ông Kim và ông Trump, đánh giá tuyên bố chung là "một bước tiến đột phá" và là "bước đầu tiên quan trọng trong hành trình dài đến với hòa bình vĩnh cửu và ổn định cho bán đảo Triều Tiên".

* Việt Nam: Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết: "Việt Nam hoan nghênh và đánh giá cao kết quả Hội đàm thượng đỉnh Triều Tiên - Hoa Kỳ ngày 12-6-2018. Lập trường nhất quán của Việt Nam là ủng hộ phi hạt nhân hóa và hòa bình, ổn định trên bán đảo Triều Tiên, giải quyết mọi vấn đề bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế. Chúng tôi mong rằng việc triển khai các thỏa thuận đã đạt được tại Hội đàm thượng đỉnh Triều Tiên - Hoa Kỳ lần này sẽ mang lại kết quả tích cực, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực Đông Bắc Á và trên thế giới".

TRƯỜNG SƠN

TS TRẦN VIỆT THÁI (phó viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược, Học viện Ngoại giao) - QUỲNH TRUNG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên