
Ngoại trưởng Iran Abbas Araqchi trước đó từng nhấn mạnh rằng để đạt được thỏa thuận hạt nhân, Tehran cần có sự đảm bảo sẽ không có thêm cuộc tấn công nào vào lãnh thổ nước này - Ảnh: REUTERS
Theo Hãng tin Reuters ngày 16-7, trong tuyên bố mới công bố, các nghị sĩ Iran cáo buộc Mỹ lợi dụng tiến trình đàm phán để đánh lừa Tehran và "che đậy" một cuộc tấn công bất ngờ do Israel thực hiện.
“Khi Mỹ biến đàm phán thành công cụ đánh lừa và bao che cho đòn tấn công chớp nhoáng của Israel, chúng tôi không thể tiếp tục như trước. Chỉ khi các điều kiện tiên quyết được đáp ứng đầy đủ, đàm phán mới có thể diễn ra”, tuyên bố nhấn mạnh.
Dù không nêu rõ các điều kiện đó là gì, nhưng trước đó, Ngoại trưởng Iran Abbas Araqchi từng khẳng định Tehran cần được bảo đảm sẽ không có thêm các cuộc tấn công nhằm vào lãnh thổ nước này.
Tháng trước, Mỹ và Israel đã không kích ba cơ sở hạt nhân của Iran, với cáo buộc Tehran phát triển vũ khí hạt nhân - điều Iran nhiều lần phủ nhận, khẳng định chương trình hạt nhân chỉ nhằm mục đích dân sự.
Trước khi các vụ tấn công làm rung chuyển Trung Đông, Iran và Mỹ đã tiến hành năm vòng đàm phán gián tiếp thông qua vai trò trung gian của Oman.
Tuy nhiên quá trình trao đổi rơi vào bế tắc khi Mỹ yêu cầu Tehran chấm dứt hoàn toàn hoạt động làm giàu uranium trong nước - điều phía Iran kiên quyết bác bỏ.
Ngoại trưởng Abbas Araqchi tuyên bố Iran sẽ không chấp nhận bất kỳ thỏa thuận nào giới hạn năng lực làm giàu uranium của mình, đồng thời loại trừ khả năng đàm phán về các vấn đề ngoài hạt nhân, như chương trình tên lửa đạn đạo.
Về phía Mỹ, Tổng thống Donald Trump ngày 15-7 khẳng định ông “không vội” nối lại đàm phán, cho rằng các cơ sở hạt nhân của Iran “đã bị xóa sổ”.
Dù vậy Mỹ cùng ba nước châu Âu gồm Pháp, Anh và Đức đã thống nhất đặt thời hạn chót đến cuối tháng 8 để đạt được một thỏa thuận hạt nhân với Tehran.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Pháp Jean-Noel Barrot cảnh báo nếu tiến trình đàm phán không đạt được bước tiến đáng kể trước thời hạn này, ba nước châu Âu sẽ khôi phục toàn bộ các lệnh trừng phạt của Liên hiệp quốc đối với Iran, một động thái được gọi là "cơ chế tái trừng phạt".
Các biện pháp trừng phạt này từng được dỡ bỏ sau khi Iran ký kết thỏa thuận hạt nhân năm 2015 (JCPOA) với nhóm P5+1, gồm Mỹ, Trung Quốc, Nga, Pháp, Đức và Anh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận