27/07/2012 09:22 GMT+7

Thông điệp của người ngã xuống

LÊ ĐỨC DỤC
LÊ ĐỨC DỤC

TT - Hơn hai mươi năm trước, trong một căn phòng nhỏ của trụ sở tạp chí Cửa Việt đóng ở thành cổ Quảng Trị, trước khi viết những dòng kết thúc thiên bút ký Đêm chong đèn nhớ lại, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã trầm tư về những người lính trẻ nằm lại nơi đây và ông nghĩ phía sau sự hi sinh ấy phải có một thông điệp:

“Từ đáy lòng quằn quại, tôi cố gắng giải mã bức thông điệp câm lặng của các anh chị để lại. Rằng những người chết đi không hề mong ước được phong anh hùng và được thấy hoa tươi dâng trước mộ! Không, không, không! Họ chết cho một lẽ duy nhất là khát vọng sống, là đằng sau họ cuộc sống sẽ được thiết kế trở lại trên ấm no, công bằng và nhân phẩm”.

Khát vọng về “cuộc sống ấm no, công bằng và nhân phẩm” ấy giờ đây vẫn thao thức từng ngày trong tâm thức mỗi người dân Việt. Thao thức không chỉ từ khát vọng tự thân của mỗi người mà còn bởi máu xương của những người lính đã trải dọc dài theo con đường vệ quốc. Không chỉ có máu xương của những người lính hi sinh kể từ khi ngày 27-7 hằng năm được chọn là Ngày thương binh - liệt sĩ, mà sự hi sinh ấy đã khởi đi từ lịch sử 4.000 năm dựng nước và giữ nước bởi trang sử của đất nước này được viết nên từ máu những người đã ngã xuống. Những anh hùng liệt nữ từ ngàn xưa nay vẫn thao thức với chúng ta trong những đền thờ cổ kính, trong những âm vang địa danh, trong những biển tên đường tên phố mỗi ngày ta vẫn gặp.

Thế kỷ 20 của nước Việt dằng dặc nối tiếp những cuộc chiến vệ quốc khốc liệt và bi tráng, có miền quê nào trên đất nước này không in bóng những nghĩa trang? Từ miền biên giới Hà Giang, Lạng Sơn... đến các đảo như Côn Đảo, Phú Quốc... từ những nghĩa trang quốc gia bề thế như Trường Sơn, Đường 9 hay những nghĩa trang không mộ bia như đáy sông Thạch Hãn...

Ở bất cứ nghĩa trang nào ta cũng gặp nấm mồ những người lính lặng im, tề chỉnh trong đội hình, cảm giác dường như họ vẫn sẵn sàng ra trận thêm lần nữa nếu Tổ quốc lâm nguy. Và cho dù người lính ngã xuống không phải để được phong anh hùng hay có hoa tươi trên mộ thì vào những ngày này, lòng biết ơn với người đã khuất sẽ hiển linh trên những đóa hoa dâng cúng cùng khói nhang tưởng tiếc. Hơn cả lòng biết ơn, sự tưởng niệm ấy còn là lời nhắc nhở cần thiết về khát vọng của những liệt sĩ đã tin cậy trao lại cho chúng ta - những người đang sống!

Đêm nay, 27-7, trên dòng sông Thạch Hãn cũng có một chương trình truyền hình trực tiếp của VTV mang tên “Sáng mãi niềm tin chiến thắng”, nhân 65 năm Ngày thương binh - liệt sĩ và 40 năm sự kiện bảo vệ thành cổ Quảng Trị (mùa hè 1972-2012). Niềm tin ấy được gieo ươm từ chính những máu xương tuổi trẻ của người lính “mãi mãi tuổi 20”, những người mà cùng với độ lùi của thời gian, cùng với những trang nhật ký được kể lại, những hồi ức được chắp nối cho ta biết rằng nhiệt huyết, ước mơ, khát vọng tuổi trẻ của họ chỉ gói gọn trong một từ: dâng hiến!

Đất nước của những ngày này vẫn chưa thật bình yên, vẫn còn đó những âm mưu của ngoại bang toan tính rình rập và như thế, một cuộc sống “được thiết kế trở lại trên ấm no, công bằng và nhân phẩm” như thông điệp của những người lính năm xưa khi ngã xuống sẽ được tiếp nối trong dòng máu của những con dân nước Việt hôm nay, như từng trao truyền qua bao thế kỷ: Có biết bao nhiêu người con gái, con trai/Trong bốn nghìn lớp người giống ta lứa tuổi/Họ đã sống và chết/Giản dị và bình tâm/Không ai biết mặt đặt tên/Nhưng họ đã làm ra đất nước...(*)

(*) Thơ Nguyễn Khoa Điềm.

LÊ ĐỨC DỤC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên