14/01/2018 12:04 GMT+7

Thời tiết 'đỏng đảnh', lo cho hoa tết

MẬU TRƯỜNG - THÀNH NHƠN
MẬU TRƯỜNG - THÀNH NHƠN

TTO - Những tháng cuối năm 2017, thời tiết các tỉnh miền Tây diễn biến thất thường, nhiều loại hoa, cây cảnh, trái cây... phục vụ Tết Mậu Tuất 2018 giảm mạnh sản lượng.

Thời tiết đỏng đảnh, lo cho hoa tết - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Bích (làng hoa Mỹ Phong, Tiền Giang) bị thiệt hại khoảng 500 chậu hoa cúc Hà Lan do triều cường và mưa, phải chuyển sang trồng các loại hoa ngắn ngày khác - Ảnh: M.TRƯỜNG

Chỉ còn khoảng một tháng nữa là thị trường hoa tết đi vào mùa cao điểm, nhưng nông dân tại các làng hoa ở miền Tây - nguồn cung hoa chủ lực cho thị trường TP.HCM - vẫn còn đang hồi hộp chưa biết có lấy lại được vốn cho vụ hoa tết năm nay hay không. 

Nhiều diện tích hoa đã bị thiệt hại nặng, chưa kể thời tiết từ nay đến thời điểm bán hoa tết được dự báo tiếp tục có nhiều cơn mưa trái mùa.

Thời tiết "đỏng đảnh", người trồng hoa lo

Ông Nguyễn Văn Phương (xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) cho biết gia đình ông trồng hơn 2.000 chậu cúc Hà Lan. Tại thời điểm có dự báo bão sẽ đổ bộ đất liền, gia đình ông đã hạ toàn bộ hoa xuống thấp dưới đất để tránh gió. Tuy nhiên, do mưa suốt ngày nên nhiều chậu hoa bị ngập nước. 

"Khi rễ hút nước quá nhiều, cây sinh trưởng nhanh và rất dễ ra hoa sớm so với dự kiến. Nếu hoa nở không đúng dịp tết thì coi như mất trắng", ông Phương lo lắng.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Lệ (xã Long Thới) đã rất vất vả chuyển 5.000 chậu hoa cúc mâm xôi lên giàn, sau khi hạ xuống tránh bão trước đó. "Nhưng bầu bao gốc cây bị ngập nước, dễ bị nhiễm các loại bệnh và sợ nở hoa sớm", bà Lệ nói. 

Ông Hồ Tiến Sĩ (làng hoa Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) cũng cho biết thời tiết mưa nhiều, sương mù dày như thời gian qua khiến cây dễ bị vàng lá, úng rễ. "Chúng tôi phải dùng thuốc để giữ nhịp sinh trưởng bình thường cho cây hoa", ông Sĩ chia sẻ.


Theo bà Đặng Thị Hoa (làng hoa Sa Đéc), mưa dầm kết hợp với không khí lạnh kéo dài có thể khiến các giống hoa ôn đới được thuần dưỡng trồng tại vùng khí hậu nhiệt đới nở muộn bởi nhà vườn đã canh thời gian cây sinh trưởng trong điều kiện khí hậu nhiệt đới. 

"Không khí lạnh, cây không có đủ nhiệt để có thể nở đúng tết. Hoa kiểng ôn đới đòi hỏi nhà vườn phải canh chỉnh thời gian rất khắt khe từ khi mới xuống giống", bà Hoa nói.

Trước đó, làng hoa Mỹ Phong (Tiền Giang) cũng hứng chịu thiệt hại nặng nề do ảnh hưởng của các trận mưa kết hợp triều cường vào giữa tháng 10.

Người trồng hoa kiểng ở Nam Bộ đang sợ nhất là hiện tượng sương muối, mưa trái mùa nhiều. Trong giai đoạn từ nay đến Tết Nguyên đán hoàn toàn có thể xảy ra mưa trái mùa nhưng thời gian còn khá xa nên khó có thể nhận định được phạm vi và lưu lượng mưa.

Thời tiết đỏng đảnh, lo cho hoa tết - Ảnh 3.

Nhà vườn Làng hoa Cái Mơn (huyện Chợ Lách, Bến Tre) đưa hoa cúc mâm xôi lên giàn để tránh cho hoa bị ngâm nước - Ảnh: M.TR.

Nhiều loại hoa kiểng Tết sẽ khan hiếm?

Những ngày đầu tháng 1-2018, ông Nguyễn Văn Thìn, thương lái hoa tại Tiền Giang, cho biết đã đến Bến Tre để đặt mua trước một số loại hoa như cúc Hà Lan, cúc mâm xôi... nhưng rất khó thương lượng. 

"Phần lớn nhà vườn còn chờ thăm dò thị trường, bởi mặt hàng khó xử lý ra hoa đúng dịp tết sẽ có giá cao hơn", ông Thìn cho biết. Trước đó, ông Thìn đến các nhà vườn trồng cúc mâm xôi ở làng hoa Cái Mơn và trả giá 135.000 đồng/cặp nhưng không ai bán.

Bà Nguyễn Thị Bích, một nhà vườn tại làng hoa Mỹ Phong (Tiền Giang), cho biết gia đình bà sản xuất trên 500 giỏ hoa cúc Hà Lan để phục vụ thị trường tết. Khi hoa lên chậu được vài tháng tuổi đã bị ngập nước do đợt triều cường kết hợp mưa lớn trước đó nên bị mất trắng. 

"Loại cúc Hà Lan có giá trị cao nhưng trồng dài ngày nên nếu trồng lại sẽ không kịp nở vào dịp tết. Do đó, gia đình tôi chuyển qua trồng các loại hoa ngắn ngày khác có giá trị thấp hơn để gỡ vốn", bà Bích nói.

Đây cũng là tình cảnh chung của nhiều nhà vườn tại làng hoa Mỹ Phong. Theo ông Trương Quang Nhung (tổ trưởng tổ hợp tác hoa tươi Mỹ Phong), vào đầu vụ làng hoa Mỹ Tho năm nay xuống giống khoảng 800.000 giỏ hoa các loại, trong đó có 35.000 giỏ cúc mâm xôi, 300.000 giỏ cúc Hà Lan, 250.000 giỏ cúc vàng hòe. 

Tuy nhiên, hơn 30% số giỏ hoa này đã bị thiệt hại do ngập nước. Do cây giống cũng chết vì bị ngập nên hầu hết các nhà vườn chuyển qua trồng các loại cây ngắn ngày khác như mào gà, vạn thọ...

Ông Trần Văn Tiếp, người có hơn 40 năm gắn bó với nghề trồng hoa, nhận định thị trường hoa kiểng tết năm nay có khả năng giá cả sẽ cao hơn các năm trước. Ngoài lý do các nhà vườn giảm lượng hoa để trồng cây công trình, không chỉ tại miền Tây mà các làng hoa truyền thống ở nhiều địa phương như Bình Định, Phú Yên... cũng bị lũ lụt tàn phá nặng nề khiến nguồn cung hoa tết năm nay giảm mạnh.

Ông Bùi Thanh Liêm (trưởng Phòng NN&PTNT huyện Chợ Lách, Bến Tre) nhận định độ ẩm cao, thiếu nắng có thể làm hoa cúc nở sớm và bông nhỏ hơn bình thường.

Ông Nguyễn Thanh Hùng (phó giám đốc Trung tâm ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Đồng Tháp) cũng cho biết do thời tiết mưa nhiều khiến nhiều loại hoa bị ảnh hưởng, chất lượng hoa không tốt và nở không đúng thời điểm tết.

hoa tet (1)

Bưởi hồ lô tạo hình năm nay có tỉ lệ đậu trái thấp do năm nhuần, nhà vườn gặp khó trong việc xử lý ra hoa - Ảnh: C.QUỐC

Bưởi "độc" có tỉ lệ đậu trái thấp vì... năm nhuần

Ông Võ Trung Thành, chủ nhiệm CLB khuyến nông Phú Trí A (xã Phú Tân, huyện Châu Thành, Hậu Giang), cho biết dự kiến sản phẩm bưởi hồ lô "độc" phục vụ Tết Mậu Tuất 2018 của CLB này chỉ khoảng 6.000 trái, tới nay lượng trái mới chỉ đạt khoảng 70%. Đó là bưởi hồ lô "tài - lộc", hồ lô "thỏi vàng đồng tiền", hồ lô "thư pháp".

Theo ông Thành, mưa nhiều giúp bưởi có nhiều nước nhưng do năm nhuần (có hai tháng 6 âm lịch) nên nhà vườn gặp khó khăn trong việc xử lý ra hoa.

Vào tháng 4 âm lịch, những năm trước, nhà vườn bắt đầu xử lý cho cây bưởi ra hoa nhưng năm nay phải chờ đến tháng 6 mới xử lý nên không đạt yêu cầu.

CHÍ QUỐC

MẬU TRƯỜNG - THÀNH NHƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên