01/01/2022 09:40 GMT+7

'Thời thế' từ những cú click chuột

NGỌC AN - NHƯ BÌNH
NGỌC AN - NHƯ BÌNH

TTO - Những khó khăn của một năm dịch bệnh hoành hành vừa qua rõ ràng ai cũng thấy và có thể liệt kê đến dài vô tận. Nhưng kết quả của xuất khẩu lại vượt xa mục tiêu ban đầu, nhờ đâu?

Thời thế từ những cú click chuột - Ảnh 1.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2021, tăng 123 tỉ USD so với năm 2020 - Ảnh: TỰ TRUNG

Có thể thấy nét mới và nổi bật ngay: trong "thời" khó, những cú click chuột kịp thời đã tạo ra "thế" mới.

Chúng tôi tiếp tục mở rộng đầu tư của mình vào Việt Nam để hợp tác với các đối tác địa phương và hơn thế. Trong thế giới thương mại điện tử, không có người chiến thắng tuyệt đối và không có thời điểm tốt nhất để tham gia. Chúng ta chỉ có thể thành công khi thực sự bắt tay vào làm.

Ông ROGER LOU

Chuyện trái vải Bắc Giang đi châu Âu

Bắc Giang là một trong số các địa phương đầu tiên ảnh hưởng nặng nề của đợt dịch COVID-19 lần 4 (tháng 5-2021) khi loại nông sản chủ lực của tỉnh này là trái vải đến mùa chín rộ. 

Thời gian thu hoạch của loại quả này chỉ trong vòng hơn 1 tháng, đứng trước nguy cơ thành quả cả năm có thể "đổ sông đổ bể".

"Trong tình thế cấp bách đó, thương mại điện tử không thể đứng ngoài cuộc" - ông Đặng Hoàng Hải, cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công thương), chia sẻ cùng Tuổi Trẻ. Không chỉ là tìm cách để tiêu thụ nội địa qua kênh bán hàng online, bài toán đặt ra là phải làm sao để kênh bán hàng này có thể tạo thêm kênh phân phối, trở thành cánh tay nối dài đưa hàng Việt xuất khẩu ra nước ngoài hiệu quả nhất.

Nghĩ là làm, ông Hải cho biết đã huy động những cán bộ dày dặn kinh nghiệm nhất, huy động các sàn thương mại điện tử trong nước để tổ chức các chương trình kết nối thương mại điện tử cho sản phẩm hàng hóa, đặc sản địa phương thông qua "Gian hàng Việt trực tuyến quốc gia". 

Trong đó, lần đầu tiên cục đã phối hợp với Tổng công ty bưu chính Viettel (Viettel Post) xuất khẩu thí điểm vải thiều Bắc Giang sang châu Âu trên nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới là sàn Vỏ Sò (Voso Global).

Là đơn vị trực tiếp thực hiện và vận hành sàn Vỏ Sò, ông Trần Trung Kiên - phó giám đốc Công ty TNHH MTV thương mại điện tử bưu chính Viettel - cho hay bước đầu Voso phải tính đến việc chọn trái vải đạt chuẩn GlobalGAP của Lục Ngạn (Bắc Giang), vừa phải đáp ứng yêu cầu kiểm dịch thực vật và kiểm định chất lượng tại Việt Nam và cả châu Âu, được dán tem truy xuất nguồn gốc tới tận vườn trồng qua ứng dụng riêng. 

Tiếp theo, Voso tận dụng hệ thống logistics của Viettel Post để đưa ra phương án tối ưu về thủ tục, thời gian di chuyển và chi phí. 

Nhờ vậy, cuối tháng 6-2021, hơn 3 tấn vải thiều Bắc Giang đạt tiêu chuẩn xuất khẩu GlobalGAP đã được sàn thương mại điện tử Voso xuất khẩu và thông quan thuận lợi tại cảng sân bay Frankfurt (CHLB Đức).

Ông Kiên chia sẻ: khó khăn lớn nhất trong bán hàng xuyên biên giới là việc vận chuyển, đảm bảo chất lượng hàng hóa nhưng với sự hỗ trợ từ nhiều phía, sản phẩm đáp ứng đầy đủ các yêu cầu khắt khe của nước sở tại.

Thời thế từ những cú click chuột - Ảnh 4.

Vải thiều xuất khẩu online được tuyển chọn kỹ lưỡng, đáp ứng tiêu chuẩn GlobalGAP - Ảnh: HOA TRANG

Chen nhau lên sàn

Cho đến thời điểm này, trên nền tảng bán hàng xuyên biên giới Amazon và Alibaba, nhiều thương hiệu Việt vốn đã thiết lập được thành công con đường xuất khẩu truyền thống đã có mặt. Trong đó, đây là kênh bán hàng sống còn của rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Ông Roger Lou, giám đốc quốc gia Alibaba.com Việt Nam (hiện Alibaba.com là thị trường bán buôn trực tuyến tích hợp quốc tế lớn nhất Trung Quốc, tính về doanh thu), cho biết tại Việt Nam rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đã gặt hái thành công trên sàn này và thuộc những lĩnh vực chủ chốt như nông nghiệp, thực phẩm, nhà và làm vườn, may mặc... 

Năm qua, nền tảng đã ghi nhận doanh thu 5 triệu USD (114 tỉ đồng) đến từ ngành hàng nhà và làm vườn thông qua xuất khẩu trên thương mại điện tử, hay một công ty thuộc lĩnh vực đóng gói đã mở rộng thị trường xuất khẩu tới hơn 10 quốc gia chỉ nhờ việc áp dụng thương mại điện tử vào kinh doanh.

Ông Roger Lou cũng tiết lộ kế hoạch của Alibaba.com Việt Nam là hướng tới mục tiêu cung cấp các giải pháp kỹ thuật số cho 10.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam, xuất khẩu thành công thông qua nền tảng vào năm 2025.

Trong khi đó, báo cáo của Amazon Global Selling cũng cho biết trong một năm qua, từ ngày 1-9-2020 đến 31-8-2021, tổng giá trị xuất khẩu của doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) Việt Nam qua sàn thương mại điện tử quốc tế Amazon đã tăng 48% so với cùng kỳ 2020, với 7,2 triệu sản phẩm được bán cho khách hàng của Amazon trên khắp thế giới (bình quân 14 sản phẩm/phút). 

Số lượng sản phẩm của doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tiêu thụ trên Amazon tăng 34% so với cùng kỳ 2020 và những ngành hàng như sản phẩm về gia đình, bếp, các dụng cụ hay liên quan tới trang trí nội thất, mây tre đan được người tiêu dùng quốc tế đánh giá cao.

Thống kê của sàn này cũng ghi nhận số lượng các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam bán hàng qua các cửa hàng Amazon trên toàn thế giới vượt mốc doanh số 100.000 USD, 500.000 USD và 1 triệu USD cũng đã tăng lần lượt hơn 18%, 53% và 40% chỉ sau một năm. 

Gijae Seong, CEO của Amazon Global Selling Việt Nam, cho biết các doanh nghiệp vừa và nhỏ, người bán hàng cá nhân đang chiếm đa số trên sàn này.

Tuy vậy, việc hàng chục ngàn doanh nghiệp Việt Nam tham gia trên những sàn quốc tế đến nay vẫn chỉ là bước khởi đầu, còn rất nhiều mặt hàng, ngành hàng sản xuất ở Việt Nam nhận được sự quan tâm của người tiêu dùng quốc tế. Tiềm năng của Việt Nam ở thương mại điện tử xuyên biên giới còn rất lớn trong những năm tới.

Thời thế từ những cú click chuột - Ảnh 5.

Hàng hóa Việt Nam bán tại một siêu thị nước ngoài - Ảnh: THANH MINH

Quảng bá trực tuyến thu nhiều đơn hàng

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, ông Vũ Bá Phú - cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) - cho biết dịch COVID-19 khiến doanh nghiệp không được tiếp xúc trực tiếp với khách hàng, không thể đi chào hàng tại các hội chợ triển lãm quốc tế quan trọng trên thế giới, nhưng vẫn có thể kết nối với nhiều khách hàng tiềm năng ở nước ngoài, chốt được hợp đồng xuất khẩu.

Kể lại câu chuyện kết nối tiêu thụ vải thiều Thanh Hà cho nông dân ở Hải Dương, ông Phú cho biết sau khi tổ chức giao thương trực tuyến, Công ty TNHH Thanh Hà đã xuất thành công container vải thiều Thanh Hà sang Malaysia.

Đặc biệt, trong bối cảnh vận chuyển hàng không đắt đỏ thì việc kết nối được với đối tác Malaysia đồng ý nhận hàng bằng đường biển đã giúp doanh nghiệp giảm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh về giá bán.

"Ngay sau đó, đã có trên 1.000 hội nghị kết nối cung cầu, tiêu thụ và xuất khẩu hàng hóa trực tuyến hoặc kết hợp trực tiếp và trực tuyến trên cả nước.

Chúng tôi xây dựng những chương trình mà cả doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã, hộ kinh doanh đều được tham gia, có cơ hội giới thiệu, quảng bá sản phẩm ra thị trường nước ngoài.

Các hội chợ triển lãm trên nền tảng số ở trong nước và nước ngoài được tổ chức liên tục, gắn với các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng và phát triển thương hiệu; trang bị kỹ năng tiếp cận thị trường xuất khẩu, khai thác tối đa cơ hội thị trường" - ông Phú chia sẻ.

Bán hàng qua mạng, càng phải chăm chút

Ông Bùi Huy Hoàng, phó giám đốc Trung tâm tin học và công nghệ số (Cục Thương mại điện tử và kinh tế số), nhận định xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới có nhiều quy trình phức tạp, với nhiều mô hình khác nhau và còn khá mới mẻ với doanh nghiệp Việt Nam, vì thế cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ban ngành liên quan.

Ông Bùi Huy Hoàng nhớ lại: khi khách hàng từ Đức đặt hàng trái vải trên Voso, để đáp ứng yêu cầu khắt khe về chất lượng, việc thu hoạch phải diễn ra vào buổi sáng có nắng, trái vải được lựa chọn kỹ lưỡng khi đưa đi đóng gói.

Sau đó, hệ thống vận chuyển của Viettel Post sẽ hướng dẫn đóng gói theo tiêu chuẩn xuất khẩu và thực hiện các thủ tục để đáp ứng đầy đủ giấy phép của hải quan Đức.

"Có những chi tiết rất nhỏ đều phải được chú trọng, như việc quả vải phải được bọc trong hộp xốp có lỗ thông khí, lót thêm nhiều lớp lá và đá để giữ nhiệt độ ổn định trong quá trình vận chuyển.

Thùng vải sẽ được làm lạnh nhanh ở nhiệt độ 12-15oC, kết hợp chiếu xạ nhằm loại bỏ tối đa vi khuẩn, sâu bệnh theo đúng quy trình xuất khẩu. Khi đáp ứng đủ nhu cầu, hàng sẽ được đại lý của doanh nghiệp bên Đức thực hiện vận chuyển theo quy cách chuẩn, đưa đến tận nhà cho khách hàng" - ông Hoàng cho hay.

Như vậy, để quả vải sang Đức qua cái click chuột đòi hỏi phải cẩn thận, tỉ mỉ trong từng khâu.

Điểm lợi thế là khách hàng từ bên Tây chỉ cần ngồi nhà click chuột, không phải đi siêu thị, mà lại mua được sản phẩm có giá thấp hơn do nhà cung cấp tiết giảm được chi phí trưng bày, lưu kho.

Thời gian nhận hàng cũng rất ngắn, chỉ 4-5 ngày sau khi thu hoạch, nên chất lượng được đảm bảo tối đa.

"Đây chính là những vấn đề mà các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới cần phải lưu ý. Các doanh nghiệp cần phải tìm hiểu và nắm rõ về thương mại điện tử, để có đủ năng lực và kỹ năng vận hành thương mại điện tử, nắm bắt được nhu cầu thị trường và các quy định, tiêu chuẩn của quốc gia nhập khẩu cũng như logistics trong thương mại quốc tế" - ông Hải nói.

Với việc xúc tiến, tìm kiếm cơ hội, ông Vũ Bá Phú - cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) - lưu ý đến năng lực thích ứng, nguồn lực và sự cam kết của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa còn hạn chế ảnh hưởng đến hiệu quả thực hiện chuyển đổi số, tham gia xúc tiến thương mại trên môi trường số.

Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa còn khá lúng túng khi chưa biết bắt đầu từ đâu, hay còn tâm lý "ngại thay đổi" vì chưa thực sự hiểu rõ về bản chất của hoạt động chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin để xúc tiến xuất khẩu thành công.

Do đó, ông cho hay trong năm tới đây sẽ tăng cường hoạt động nâng cao nhận thức và xây dựng năng lực cho các doanh nghiệp xuất khẩu, tư vấn, hỗ trợ xây dựng lộ trình cho doanh nghiệp về chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại để các doanh nghiệp nắm bắt xu hướng thị trường toàn cầu, sẵn sàng thích nghi.

Hình thành, phát triển hệ sinh thái số về xúc tiến thương mại cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, nâng cao nhận thức và năng lực về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, đào tạo về kỹ năng xúc tiến, thông tin thị trường, tư vấn phát triển thiết kế, phát triển sản phẩm...

NGỌC AN

Vượt Vượt 'bão' COVID-19, xuất khẩu nông sản đạt kỷ lục 48,6 tỉ USD

TTO - Bất chấp dịch COVID-19 "hoành hành" khiến đứt gãy chuỗi sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản năm nay vẫn đạt 48,6 tỉ USD, vượt hơn 6 tỉ USD so với Chính phủ giao.

NGỌC AN - NHƯ BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên