Phóng to |
Ngày 21-12, ba tàu tuần tra Trung Quốc đã áp sát quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Đây là lần xâm nhập đầu tiên sau khi Đảng Dân chủ tự do Nhật (LDP) thắng cử ngày 16-12, đưa ông Abe trở lại ghế thủ tướng - Ảnh: JCG |
Cuộc bầu cử tại Nhật và Hàn Quốc đã đưa hai nhà lãnh đạo mới lên nắm quyền sau cuộc chuyển giao quyền lực ở Trung Quốc một tháng trước. Quan hệ ngoại giao giữa ba nước những tháng gần đây đã diễn ra căng thẳng từ vấn đề quyền đánh cá, tranh chấp biển đảo đến gây trở ngại kinh tế thương mại.
Cục diện Đông Bắc Á
Trên biển Hoa Đông, Trung Quốc đang tiến hành cuộc xung đột nhằm gây tiêu hao sinh lực cho Nhật. Từ hai thập niên qua, Nhật chìm trong nợ nần, suy thoái, giảm phát, đồng yen tăng giá. Đất nước một thời là đầu đàn của “đàn nhạn bay” Đông Á như đã mệt mỏi.
Vì vậy, không phải lập trường cứng rắn chống Trung Quốc mà chính là cương lĩnh kinh tế đã giúp Đảng Dân chủ tự do (LDP) giành được thắng lợi. Sau khi thắng cử, ông Shinzo Abe đã cam kết phục hồi sự cường thịnh của Nhật, khắc phục thảm họa thiên nhiên và nền kinh tế đang sa sút.
Ông Abe cũng đưa ra những lời lẽ cứng rắn trong quan hệ với Trung Quốc về vấn đề biển đảo. Thế nhưng, thâm hụt thương mại của Nhật diễn ra liên tiếp năm tháng, xuất khẩu sang Trung Quốc tháng 11 giảm 14,5% so với cùng kỳ năm ngoái buộc chính phủ LDP phải có đối sách thận trọng với Trung Quốc để cải thiện quan hệ kinh tế.
Vả lại, tâm thế chủ đạo của người Nhật trong cuộc bầu cử vừa rồi không phải là gây sự với Trung Quốc mà là muốn hòa bình. Giới lãnh đạo doanh nghiệp Nhật hi vọng thắng lợi của LDP sẽ kết thúc tình trạng bế tắc chính trị kéo dài và khai thông bế tắc ngoại giao với Trung Quốc.
Đảng Công Minh (NKP), liên minh của LDP, chủ trương “một giải pháp hòa bình thông qua đối thoại bình tĩnh” với Trung Quốc. Bởi lẽ để chống lại Trung Quốc, Nhật phải mạnh, trước hết là mạnh về kinh tế. Cho nên giọng điệu cứng rắn của ông Abe phần nào cũng nhằm chuẩn bị dư luận cho các cuộc thương lượng nay mai để hai bên cùng xuống thang xung đột. Nhưng con đường đến Bắc Kinh lần này sẽ đi qua Washington và có thể cả những thủ đô khác, với lối hẹp khó đi.
Ở Hàn Quốc, bà Park Geun Hye đã bước vào Nhà Xanh để giải quyết những vấn đề hóc búa của đất nước này. Từ năm 1948, quan hệ với CHDCND Triều Tiên luôn là vấn đề “nóng” của các tổng thống Hàn Quốc.
Bà Park thắng cử nhờ tập hợp một liên minh rộng rãi “những lực lượng bảo thủ”, nhưng cam kết theo đuổi một lập trường có phần cân bằng và linh hoạt hơn Tổng thống Lee Myung Bak.
Đó là “chính sách xây dựng tin cậy”, gắn viện trợ và giao tiếp nhằm tạo không khí có đi có lại để Bình Nhưỡng thực hiện các thỏa thuận song phương và đa phương. Mục tiêu là nhằm hiện thực hóa ý tưởng xây dựng liên kết kinh tế liên Triều.
Các nhà quan sát cho rằng căng thẳng hai miền có thể xuống thang dưới thời bà Park. Trong tình hình chính trường Nhật thiếu ổn định, Triều Tiên hành động khó lường, bà Park khẳng định ưu tiên của mình là củng cố an ninh quốc gia, sẵn sàng đáp trả một cách quyết liệt mọi hành động gây hấn.
“Tôi sẽ thực hiện lời hứa mở ra một kỷ nguyên mới trên bán đảo Triều Tiên trên cơ sở một nền an ninh mạnh và nền ngoại giao dựa trên sự tin cậy” - bà Park nhấn mạnh.
Bà cũng đặt viên gạch đầu tiên cho một tầm nhìn Đông Bắc Á khi nói: “Tôi sẽ nỗ lực tạo ra một sự hòa giải, hợp tác và hòa bình tại khu vực, với sự tin cậy và ổn định được xác lập dựa trên cơ sở nhận thức lịch sử đúng đắn”. Một ngày sau khi thắng cử, bà Park đã gặp các đại sứ Mỹ, Trung Quốc, Nhật và Nga. Đó là cái tứ giác nước lớn để Hàn Quốc neo đậu con thuyền an ninh và phát triển của mình.
Thế cân bằng động
Cục diện ở Đông Bắc Á sẽ diễn biến theo hướng nào? Thủ tướng tương lai của Nhật Abe đã chìa cành ôliu ra với tổng thống đắc cử Hàn Quốc khi tuyên bố sẽ tìm kiếm các mối liên hệ mật thiết giữa hai nước vốn cùng chia sẻ nhiều giá trị và lợi ích chiến lược.
Trung Quốc vẫn là động lực của tiến trình chuyển dịch chính trị, kinh tế sâu rộng ở khu vực này cũng như châu Á - Thái Bình Dương khi chủ trương tinh thần dân tộc nước lớn, kêu gọi đại chấn hưng Trung Hoa và xây dựng xã hội khá giả.
Hai nhà lãnh đạo thuộc thế hệ lãnh đạo thứ năm - ông Tập Cận Bình và ông Lý Khắc Cường - đang tích cực chuẩn bị cho một cuộc cải tổ kinh tế sâu rộng và đầy tham vọng qua việc thay đổi tác phong lãnh đạo, rốt ráo chống tham nhũng nhằm thổi một luồng gió mới vào đất nước 1,3 tỉ dân này. Nhưng điều dân chúng chờ đợi không phải là những lời hứa.
Ban lãnh đạo mới ở Bắc Kinh cũng kêu gọi tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội, hiện đại hóa hải quân và lực lượng tên lửa chiến lược, tích cực bảo vệ quyền lợi biển đảo của Trung Quốc. Thủ tướng tương lai của Nhật Abe cũng nhấn mạnh: “Chủ quyền là không thể thương lượng... và sẽ bảo vệ từng milimet chủ quyền lãnh thổ của Nhật”. Còn Hàn Quốc khẳng định chủ quyền quần đảo Dokdo trong sách trắng quốc phòng...
Cục diện chính trị, kinh tế, an ninh tại khu vực Đông Bắc Á sẽ biến đổi trong một thế cân bằng động xung quanh trục Mỹ - Trung cạnh tranh chiến lược, Trung - Nhật kiềm chế lẫn nhau, Mỹ - Nhật - Hàn tìm kiếm một kiểu hợp tác tay ba không mấy dễ dàng do các di sản lịch sử, trong khi các bên tìm kiếm việc mở rộng hợp tác kinh tế. Trung Quốc chưa từ bỏ mục tiêu xây dựng khu vực thương mại tự do Trung - Nhật - Hàn nhằm làm suy yếu ảnh hưởng của Mỹ và làm suy yếu liên kết tam giác Mỹ - Nhật - Hàn.
Trung Quốc cũng bày tỏ quan ngại về chủ nghĩa quân phiệt Nhật có thể trỗi dậy mà mầm mống đã được gieo từ cuộc bầu cử vừa rồi. Trước mắt việc Nhật tái vũ trang sẽ tác động sâu sắc đến viễn cảnh chiến lược ở Đông Bắc Á và cả khu vực Đông Á rộng lớn. Tuy vậy, việc đổi mới lãnh đạo tại ba nước cũng đem lại một thời cơ hiếm có để thúc đẩy hòa hoãn quan hệ và tìm kiếm giải pháp cho các cuộc xung đột công khai hoặc tiềm ẩn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận