01/03/2013 08:12 GMT+7

Thời báo Hoàn Cầu: "Chủ nhà hàng gỡ tấm biển kỳ thị"

THANH TUẤN
THANH TUẤN

TT - Ông chủ nhà hàng Beijing snacks - Bách Niên Lỗ Chử đã gỡ tấm biển kỳ thị đối với người Nhật, Philippines và người Việt Nam, như xác nhận của cộng tác viên Tuổi Trẻ tại Bắc Kinh chiều 27-2.

Thời Báo Hoàn Cầu ngày 28-2 đã có bài viết với tiêu đề “Chủ nhà hàng gỡ tấm biển kỳ thị”.

6lOXfdFy.jpgPhóng to

Tấm ảnh chụp ngày 22-2 có tấm biển kỳ thị của bà Rose Tang gửi Tuổi Trẻ - Ảnh do một CTV Tuổi Trẻ tại Bắc Kinh chụp chiều 27-2

OiCfvd2V.jpgPhóng to
Nhà hàng Bách Niên Lỗ Chử đã tháo tấm biển kỳ thị từ ngày 27-2 - Ảnh do một CTV Tuổi Trẻ tại Bắc Kinh chụp chiều 27-2

Trả lời phỏng vấn Tuổi Trẻ, bà Rose Tang, người đã chụp các tấm ảnh gây sốc dư luận mấy ngày qua, chia sẻ việc tháo tấm biển khiến bà “hài lòng trọn vẹn nhất” hơn cả 12 năm làm việc tại CNN, ABC News, Asiaweek hay thời gian dạy học ở Princeton.

Người Trung Quốc dạy người Trung Quốc

"Đây là việc làm của những người có suy nghĩ thiển cận. Đây là một trò hề của những người kém hiểu biết! Tuy việc treo tấm biển không vi phạm pháp luật, nhưng với tư cách là một người Trung Quốc, tôi không tán đồng hành động này"

Ông Hoàng Chấn Trung (một người Trung Quốc thường xuyên đi công tác tại Hà Nội)

"Hành động của chủ quán Bách Niên Lỗ Chử chẳng thể hiện được cái mà ông ta gọi là “lòng yêu nước” mà còn có tác dụng ngược lại"

Cô Lâm Mẫn(28 tuổi, từng nhiều lần đến Việt Nam)

ĐÔNG PHƯƠNG ghi

“Những người như ông chủ nhà hàng này đã học được bài học rằng kỳ thị là xấu xa và thứ chủ nghĩa dân tộc cực đoan chỉ khiến chúng ta thêm chia rẽ” - nữ họa sĩ Mỹ gốc Hoa này nói. Theo bà, “chủ nghĩa dân tộc cực đoan ở bất cứ nước nào, kể cả ở Mỹ hay châu Âu, đều khiến người ta mù quáng và dễ dàng chuyển thành phân biệt chủng tộc”.

Bà Tang cho biết những ngày qua, bà đã thức rất khuya để trò chuyện với rất nhiều người về các tấm ảnh và những câu chuyện kỳ thị vì “tôi muốn lột mặt những tên kỳ thị khốn nạn như vậy”. Bà không quên nhắc đến một chuyện vui: “Có một sinh viên nói đã chia sẻ bức hình của tôi trong bài thuyết trình ở lớp và đó là một trong những khoảnh khắc đáng nhớ nhất của tôi”. Tuy vậy, bà kể mỗi khi quay lại Trung Quốc bà đều gặp nhiều người kỳ thị, ngay cả trong giới học giả, bạn bè, nghệ sĩ...

Có lẽ vì vậy bà không thể bỏ qua việc “chộp” lấy bằng chứng rõ ràng của tư tưởng kỳ thị. Bà hào hứng kể: “Chỉ bốn ngày sau khi tôi đăng tải tấm ảnh, đã có hàng ngàn người chia sẻ, thích, bình luận, tranh luận. Các cơ quan thông tấn lớn như BBC, AFP, VOA, RFA, Sky News, Yahoo! News, báo Tuổi Trẻ, The Australian, Sydney Morning Herald... đều đưa tin, viết bài”.

“Chuyện này cho thấy mỗi chúng ta, dù là một cá nhân nhỏ bé đến đâu... cũng có thể tạo nên được sự khác biệt” - bà Tang viết trên Facebook sau khi biết tin tấm biển ở nhà hàng tại Bắc Kinh được gỡ xuống. Ý muốn của bà Tang, như bà chia sẻ với Tuổi Trẻ, chỉ là mong người Trung Quốc “thêm cởi mở” trong cuộc sống.

Bài viết trên tờ Thời Báo Hoàn Cầu cũng thừa nhận hầu hết các bình luận trên Facebook và Sina đều chống lại tấm hình đầy kỳ thị này. Bài báo cho biết ông chủ nhà hàng đã gắn tấm biển kỳ thị đó ở cửa từ tháng 9-2012 khi ở Trung Quốc có phong trào chống người Nhật liên quan vụ tranh chấp đảo. Ông chủ nhà hàng, trong bài báo, giải thích: “Tôi chỉ không muốn phục vụ người Nhật. Bộ tôi không được phép làm việc đó à?”. Nhưng khi phóng viên Yin Yeping hỏi lại rằng tại sao ông ta lại viết thêm “người Philippines và người Việt Nam” vào tấm biển đó thì ông ta không trả lời được.

Bài báo cũng trích dẫn một bạn đọc tên Yinghuafenfei trên mạng Sina viết: “Dù các nước đó có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, mọi người không nên cực đoan như vậy. Bắc Kinh là thành phố quốc tế, tôi không hiểu người nước ngoài sẽ nhìn chúng ta thế nào”.

Tờ báo này cũng cố trích lời một khách hàng họ Liu nói rằng “mọi người có quyền thể hiện cảm xúc của mình về vấn đề tranh chấp lãnh thổ” dù thừa nhận “nhà hàng nên cẩn thận khi bày tỏ quan điểm đó”.

Tờ báo cũng cho biết những tấm ảnh của bà Tang đã xuất hiện trên báo Tuổi Trẻ TP.HCM.

“Cả ngày tôi phải tiếp hàng chục cuộc gọi đến...!”

Trả lời Tuổi Trẻ việc gỡ tấm biển có phải do áp lực của chính quyền không, chủ quán họ Vương nói: “Việc này chẳng liên quan gì đến chính quyền địa phương. Tôi gỡ tấm biển chỉ vì cả ngày tôi phải tiếp hàng chục cuộc điện thoại của nhà báo gọi đến, gây trở ngại đến việc buôn bán. Ngoài điều đó ra, chẳng có lý do gì khiến tôi gỡ tấm biển đó xuống cả”.

Trả lời câu hỏi liệu ông gắn tấm biển chỉ vì muốn hút khách, ông chủ họ Vương nói: “Tiệm tôi chỉ chừng 50m2, thông thường khách đến tôi còn không phục vụ hết, tôi quảng cáo làm gì?”.

ĐÔNG PHƯƠNG

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

"Người Việt Nam văn minh hơn nhiều"Philippines lên tiếng vụ nhà hàng Trung Quốc kỳ thị dân tộc (27/02)Tổng lãnh sự Trung Quốc Trác Lôi Minh: “Việc làm sai trái”Nhà hàng Bắc Kinh tháo biển kỳ thị nhưng "không muốn xin lỗi"

THANH TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên