Thông tin được ông Sugano Yuichi - trưởng đại diện JICA Việt Nam - đưa ra tại buổi họp báo diễn ra sáng nay (18-10).
Cụ thể theo ông Sugano Yuichi, năm tài khóa 2023, một kết quả nổi bật cần kể đến là thỏa thuận vay ODA được ký kết vào tháng 7-2023 cho ba dự án, có tổng trị giá lên đến hơn 60 tỉ yen (tương đương với 10.672 tỉ đồng).
Vốn được giải ngân vào ba lĩnh vực: Cải tạo hạ tầng giao thông công cộng đô thị; Tăng cường chuỗi cung ứng nông sản; Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội hậu đại dịch COVID-19.
"Đây là lần ký nhiều thỏa thuận vay ODA cùng một lúc nhất sau 6 năm, kể từ năm 2017", vị trưởng đại diện JICA Việt Nam nhận xét.
3 yếu tố thúc tăng trưởng Việt Nam thời gian tới
Ông Sugano Yuichi nói thêm khoản vay ODA ký với Chính phủ Việt Nam vào tháng 7 này, với mục đích hỗ trợ tài chính cho các chính sách nhằm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau COVID-19 có thể được coi là "một dự án tiên phong của chương trình ODA thế hệ mới".
"Chúng tôi đang tiếp tục thảo luận với các quan chức Chính phủ Việt Nam về ODA thế hệ mới, nhằm cung cấp vốn ODA một cách linh hoạt, đáp ứng nhu cầu của Chính phủ Việt Nam", ông Sugano Yuichi thông tin.
Dẫn dự báo IMF, ông Sugano Yuichi cho biết tốc độ tăng trưởng GDP thực tế của Việt Nam dự kiến sẽ tăng 4,7% cho cả năm 2023 và 5,8% năm 2024. Mức tăng trưởng này là chậm hơn so với tỉ lệ 8% của năm 2022.
Mặc dù nguyên nhân chính được cho là do tác động suy thoái kinh tế toàn cầu, đại diện JICA Việt Nam vẫn kỳ vọng sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam nhờ sự tăng trưởng của ba yếu tố.
Bao gồm tiêu dùng nội địa, sự tăng cường dòng vốn đầu tư FDI và sự phục hồi của ngành du lịch.
Đồng thời với khoản vay lớn mới được ký kết, ông Sugano Yuichi hy vọng rằng chương trình hỗ trợ này sẽ góp phần phục hồi nền kinh tế Việt Nam.
Việt Nam cần cải thiện quy trình, thủ tục phê duyệt
Mục đích của nguồn vốn ODA là hợp tác để góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Tuy nhiên phía đại diện JICA Việt Nam khẳng định để việc triển khai các dự án ODA được thuận lợi thì điều quan trọng là nước nhận viện trợ ODA/khoản vay ODA phải có những quy định rõ ràng, dễ hiểu và thủ tục nhanh chóng.
"Sự chậm trễ trong quy trình, thủ tục phê duyệt nội bộ của Chính phủ Việt Nam có thể khiến tổng chi phí dự án tăng do lạm phát, biến động tỉ giá, giá vật tư, thiết bị tăng cao trong thời gian dự án bị kéo dài", đại diện JICA Việt Nam cho hay.
Do vậy phía JICA cùng với các nhà tài trợ khác như Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hiện đang đề nghị Việt Nam có các biện pháp cải thiện.
Họ hy vọng Việt Nam sẽ cải thiện các thủ tục phê duyệt phức tạp và chồng chéo, giảm tải số lượng các tài liệu cần trình nộp liên quan đến dự án, cũng như thay đổi các quy định về cho vay lại.
Đại diện JICA Việt Nam cho biết trong tài khóa 2022, tính từ tháng 4-2022 đến hết tháng 3-2023, tổng giá trị cam kết vốn vay ODA là 18,9 tỉ yen (tương đương gần 31.000 tỉ đồng) (chưa bao gồm "Tài trợ đầu tư cho khu vực tư nhân").
Còn giá trị vốn ODA cho các dự án hợp tác kỹ thuật là 4,7 tỉ yen (tương đương 768 tỉ đồng) và cho các dự án viện trợ không hoàn lại là 700 triệu yen (tương đương 114 tỉ đồng)...
Thị trường chứng khoán Việt Nam cần tăng minh bạch và hiệu quả, Nhật muốn hỗ trợ
Với dự án "Nâng cao năng lực về cải thiện tính công bằng và minh bạch của thị trường cổ phiếu Việt Nam" được triển khai từ năm 2019 đến tháng 3-2023, trưởng đại diện JICA Việt Nam thông tin: Đối tác của dự án là các cơ quan giám sát giao dịch chứng khoán trên thị trường chứng khoán Việt Nam, bao gồm: Ủy ban Chứng khoán, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM.
Dự án nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực giám sát các giao dịch bất thường như thao túng, nội gián... năng lực giám sát đối với hoạt động của các công ty chứng khoán, năng lực quản lý niêm yết...
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang phát triển tương đối mạnh mẽ, song cũng bộc lộ nhiều hạn chế về tính minh bạch và hiệu quả, vì vậy, JICA cho biết hiện đang cân nhắc một số hỗ trợ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận