23/07/2015 14:42 GMT+7

Thỏa thuận hạt nhân Iran làm Mỹ rạn nứt đồng minh Israel

HẢI YẾN
HẢI YẾN

TTO - Tuy được xem là một trong những thắng lợi ngoại giao lớn nhất của Tổng thống Obama, thỏa thuận hạt nhân Iran lại vô hình trung làm rạn nứt mối quan hệ của Mỹ cùng đồng minh trong khu vực.

Thủ tướng Israel Netanyahu tuyên bố sẽ kiên quyết chống lại thỏa thuận hạt nhân Iran - Ảnh: Reuters

Theo nguồn tin từ Chính phủ Israel, thoả thuận hạt nhân sẽ mang lại cho Iran mối lợi kinh tế khổng lồ lên đến 700 tỉ USD.

Cựu đại sứ Israel Michael Oren khẳng định các biện pháp trừng phạt sẽ không thể lập tức được áp đặt trở lại nếu Iran vi phạm các thỏa thuận, mà sẽ chỉ có hiệu lực sau quá trình kiểm định lâu dài từ quốc tế.

Do đó, trong tương lai hữu và trung hạn, việc dỡ bỏ cấm vận sẽ mang lại cho Iran cơ hội thu hút đầu tư từ các công ty nước ngoài, đồng nghĩa với dòng ngoại tệ khổng lồ sẽ chảy vào Iran.

Tuy vậy, ông lại cho rằng thỏa thuận này đạt được là nhờ đường lối ngoại giao đi dây của Tổng thống Obama - điều sẽ mang lại nguy hiểm tiềm tàng cho đồng minh của Mỹ trong khu vực.

Đồng minh rạn nứt

Là một trong những quốc gia hiếm hoi phản đối kịch liệt thỏa thuận Iran, Israel cho rằng thỏa thuận này không hề làm thay đổi động cơ phát triển vũ khí hạt nhân của Iran, mà ngược lại sẽ củng cố hoạt động khủng bố của nước này trong khu vực, đe dọa hủy diệt đất nước Israel còn đang trên đà phát triển.

Israel không phải là quốc gia duy nhất thể hiện mối quan ngại này. Ngay sau khi thỏa thuận đạt được, giới cầm quyền Saudi Aabia đã khẳng định thỏa thuận sẽ tiếp tay cho Iran gia tăng các hoạt động quân sự hiếu chiến của mình.

Trước tình thế trên, chính quyền Obama phát động một chiến dịch ngoại giao nhằm thuyết phục các đồng minh ở Trung Đông về tính khả thi của thỏa thuận. Mỹ nỗ lực ngăn Saudi Arabia chạy đua hạt nhân với Iran và thuyết phục Israel không đơn phương tấn công các cơ sở hạt nhân của Tehran.

Tờ The Wall Street Journal cho hay Chính phủ Mỹ đưa ra đề nghị gia tăng gói viện trợ quân sự cho Israel - hiện đang ở mức 3 tỉ USD. Ngoài ra, Washington đang tìm cách đẩy nhanh việc chuyển giao vũ khí cho các nước Ả Rập cũng như đưa ra kế hoạch giúp họ phát triển khả năng phòng thủ tên lửa đạn đạo nói chung.

Song song với nỗ lực ngăn chặn một cuộc chiến tranh Trung Đông tái diễn, Nhà Trắng cũng đang chạy đua trên mặt trận đối ngoại tại lưỡng viện để đối phó với âm mưu phá hoại thỏa thuận từ Israel.

Chứng kiến cảnh người Do Thái ở Mỹ tung hàng chục triệu đôla để vận động hành lang kêu gọi nghị sĩ Mỹ bỏ phiếu bác bỏ thỏa thuận, Tổng thống Obama cảnh báo sẽ dùng quyền phủ quyết đối với quyết định trên.

Tuy nhiên, quyền phủ quyết này sẽ bị vô hiệu hóa nếu 2/3 nhà lập pháp của lưỡng viện đồng lòng bỏ phiếu chống. Trước nguy cơ đó, hiện Tổng thống Obama đang tranh thủ tìm kiếm sự ủng hộ của các nghị sĩ Dân chủ để bù đắp sự phản đối mạnh mẽ từ phe Cộng hòa.

Ở các nước châu Âu, tình hình lại tương đối khả quan khi bộ trưởng ngoại giao các nước thành viên Liên hiệp châu Âu (EU) đã nhanh chóng thông qua thỏa thuận này vào ngày 20-7.

Cùng ngày, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cũng nhất trí thông qua thỏa thuận trên, tuy nhiên cho biết thêm các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc vẫn có thể bị tái áp đặt trong 10 năm tới nếu Iran vi phạm thỏa thuận.

Có thể thấy đối với Mỹ, thành quả của thỏa thuận hạt nhân Iran chính là một con dao hai lưỡi, một mặt góp phần giải trừ vũ khí hạt nhân ở Trung Đông và cải thiện mối quan hệ song phương giữa Iran và Mỹ, mặt khác lại làm rạn nứt mối quan hệ của Mỹ cùng đồng minh trong khu vực.

 

 

 

 

 

HẢI YẾN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên