Đây là một trong những vấn đề được đặt ra tại hội thảo "Nâng cao chất lượng phong trào Sinh viên 5 tốt" diễn ra chiều 4-1.
Hội thảo diễn ra trực tuyến tại 55 điểm cầu trong cả nước, do Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam, Hội Sinh viên TP Hà Nội phối hợp Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) tổ chức.
Hội thảo có hơn 2.900 đại biểu tham gia, riêng điểm cầu Hà Nội có hơn 300 đại biểu đạt các danh hiệu cấp trung ương, học sinh, sinh viên, cán bộ Hội tiêu biểu, chủ chốt của các đơn vị TP Hà Nội.
Sinh viên là nhà sư tích cực tham gia phong trào "Sinh viên 5 tốt"
Chị Nguyễn Khánh Bảo Thúy Vy - phó chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam Trường đại học Trà Vinh - cho hay Trường đại học Trà Vinh là trường duy nhất trong cả nước đào tạo ngôn ngữ Khmer Nam Bộ. Sinh viên theo học khoa này có các nhà sư.
Phong trào "Sinh viên 5 tốt" có 5 tiêu chí bao gồm: đạo đức tốt, học tập tốt, thể lực tốt, tình nguyện tốt và hội nhập tốt.
Tiêu chí "thể lực tốt" chấm điểm sinh viên tham gia các giải thể dục thể thao như chạy bộ, bơi lội, đạp xe, hay bóng chuyền, bóng đá… nhưng với nhà sư lại không tham gia giải thể thao.
"Chúng ta có thể lấy điểm trong các ứng dụng khác được Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam cho phép như chạy bộ, đi bộ… Tuy nhiên, các ứng dụng này rất ít và những nhà sư cũng ít sử dụng điện thoại thông minh. Ngoài ra, các bạn sinh viên yếu thế khác (khuyết tật - PV) thì làm thế nào? Làm sao để các bạn này đáp ứng được danh hiệu Sinh viên 5 tốt?" - Thúy Vy đặt câu hỏi.
Thúy Vy đề nghị cần sửa đổi để ban hành một bộ tiêu chí mới, trong đó có những tiêu chí riêng cho các sinh viên đặc thù như nhà sư hoặc sinh viên yếu thế.
"Sinh viên 5 tốt" thì được gì?
Đây là câu hỏi nhiều bạn sinh viên đặt ra đòi hỏi các cấp Hội Sinh viên Việt Nam cần giải quyết. Đó cũng là ý kiến đặt vấn đề của anh Nguyễn Minh Triết - bí thư Trung ương Đoàn, chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam - đưa ra tại hội thảo.
Anh Triết cho hay nhiều sinh viên chưa thấy được giá trị của danh hiệu "Sinh viên 5 tốt". Nhiều bạn đặt câu hỏi: "Tham gia phong trào 'Sinh viên 5 tốt' thì được gì?".
Theo anh Triết, một số đơn vị lúng túng trong giải pháp triển khai và tổ chức các hoạt động tạo môi trường để sinh viên rèn luyện, phấn đấu đạt danh hiệu.
Trong khi đó, chương trình đào tạo ở các trường học ngày càng rút ngắn, sinh viên chỉ tập trung cho việc hoàn thành tín chỉ, ít quan tâm đến phong trào. Bên cạnh đó là việc ít được tiếp cận với thông tin nên nhiều sinh viên chưa thấy được giá trị của phong trào mang lại.
Anh Triết đề nghị các cấp Hội Sinh viên Việt Nam cần giải quyết được hai vấn đề: thứ nhất là vừa tổ chức được phong trào rộng rãi, vừa tìm ra được nhân tố xuất sắc để từng bước nâng cao về chất, về tiêu chuẩn của phong trào.
Thứ hai là tìm ra các giải pháp để ghi nhận quá trình phấn đấu của sinh viên. Anh Triết lấy ví dụ những bạn sinh viên năm nhất mới thực hiện được 1, 2 tiêu chí nhưng có ý thức rèn luyện, phấn đấu phải đến năm thứ 4, thứ 5 mới đủ "5 tốt". Vì thế cần có tiêu chí ghi nhận những thành tích trong thời gian đang phấn đấu, rèn luyện của sinh viên.
Danh hiệu "Sinh viên 5 tốt" không phải một bài thi
Anh Nguyễn Tiến Hưng - phó chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam, chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam TP Hà Nội - cho hay các tiêu chí đặt ra của phong trào "Sinh viên 5 tốt" là để thay đổi nhận thức của sinh viên.
"Đạt được danh hiệu 'Sinh viên 5 tốt' không phải như vượt qua một bài thi, mà chúng ta phải hiểu rằng những tiêu chí ấy thiết kế ra để làm gì" - anh Hưng nói.
Theo anh Hưng, tiêu chí đạo đức tốt không phải đặt ra để "được giải nọ giải kia", mà để sinh viên có bản lĩnh chính trị vững vàng. Tiêu chí học tập tốt không phải đạt học sinh giỏi, học sinh xuất sắc, mà để sinh viên có nền tảng kiến thức, có phương pháp tư duy hiện đại, khoa học.
Tiêu chí về tình nguyện không phải để sinh viên cố gắng tham gia đầy đủ 5 ngày tình nguyện, mà để sinh viên có khát vọng cống hiến vì cộng đồng, vì xã hội.
Hay các hoạt động về thể lực tốt không phải để sinh viên tham gia giải chạy, giải thể thao, mà để rèn luyện lối sống lành mạnh.
Còn tiêu chí hòa nhập tốt để sinh viên giữ được bản sắc trong quá trình hội nhập.
Danh hiệu "Sinh viên 5 tốt" là danh hiệu cao quý của tổ chức Hội Sinh viên Việt Nam, là sản phẩm kết tinh của phong trào "Sinh viên 5 tốt" với 5 tiêu chí, bao gồm: Đạo đức tốt, Học tập tốt, Thể lực tốt, Tình nguyện tốt và Hội nhập tốt.
Từ năm 2018 đến năm 2023 đã có 2.046.593 sinh viên đăng ký tham gia đạt danh hiệu "Sinh viên 5 tốt". Trong đó 99.327 sinh viên đạt danh hiệu "Sinh viên 5 tốt" cấp trường, 9.908 sinh viên đạt danh hiệu "Sinh viên 5 tốt" cấp tỉnh và 1.094 sinh viên đạt danh hiệu "Sinh viên 5 tốt" cấp trung ương.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận