16/03/2012 00:16 GMT+7

Thiếu máy gặt, lúa chín rục đồng

TS LÊ VĂN BẢNH(viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL)
TS LÊ VĂN BẢNH(viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL)

TT - Hiện nay các cánh đồng lúa đông xuân ở Tiền Giang, Đồng Tháp đang vào vụ thu hoạch rộ. Hàng ngàn hecta lúa chín quá ngày thu hoạch đã ngã bẹp dưới ruộng. Trong khi nông dân phải chạy ngược chạy xuôi thuê máy gặt nhưng không có.

J581hHH4.jpgPhóng to
Do thiếu máy gặt nên nông dân ở huyện Cai Lậy (Tiền Giang) phải gặt lúa thâu đêm (ảnh chụp tối 14-3) -Ảnh: Thành Bắc

Lúa chín rụng đầy ruộng

"Nếu tỉ lệ lúa thất thoát khi thu hoạch trên 10% thì nông dân ĐBSCL mất cả nghìn tỉ đồng. Đau lòng lắm!"

Ngày 14-3 gặp chúng tôi, ông Lê Văn Xương (xã Mỹ Thành Bắc, huyện Cai Lậy, Tiền Giang) bức xúc: “Lúa của tôi chín quá lứa hơn mười ngày mà chủ máy gặt vẫn chưa đưa máy tới gặt, cứ hứa ngày này rồi ngày kia trong khi lúa đã rụng đầy ruộng rồi”. Hiện nay ông Xương còn hơn 1,5ha lúa IR50404 đang chờ máy gặt.

Ông Nguyễn Văn Nuôi ở gần đó sốt ruột nên cứ lẽo đẽo đi theo máy gặt ở các ruộng khác để năn nỉ chủ máy. Chủ máy gặt vừa gặt xong đám ruộng này, ông cùng nhiều nông dân khác chặn lại to tiếng giành giật, đòi phải gặt cho mình trước. Cảnh giành máy gặt diễn ra như cái chợ. “Biết làm vậy không hay ho gì nhưng lúa tui bị trễ gần mười ngày rồi, không gặt thì rụng hết, nhịn đói luôn” - ông Nuôi buồn bã. Còn bà Dương Thị Tiếp (xã Tân Hòa Tây, huyện Tân Phước, Tiền Giang) cũng đang khốn khổ vì không có máy thu hoạch lúa. Hiện lúa của bà đã trễ tới mười ngày mà vẫn chưa thu hoạch. Bà Tiếp than thở: “Bây giờ tìm nhân công cắt lúa cũng không có. Mà hễ có thì cắt xong cũng không có máy tuốt. Làm ruộng đã cực khổ, bây giờ thu hoạch còn khổ hơn”.

Ông Đặng Hải Trân (chủ tịch UBND xã Hậu Mỹ Trinh, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) cho biết xã còn hơn 1.000ha lúa chưa gặt được do thiếu máy gặt. “Ruộng lúa nhà tôi cũng chưa tìm được công gặt. Nếu tình trạng này kéo dài vài ngày nữa thì lúa rụng hết” - ông Trân nói.

Buổi tối, ông Nguyễn Văn Sáu (xã Mỹ Thành Bắc) cũng kéo được máy gặt về và thức trắng đêm gặt lúa, vác lúa lên bờ ruộng. Chưa kịp mừng thì sáng ra ông thấy lúa rơi vãi đầy dưới ruộng. Ông Sáu cho biết: “6-7 ngày nay, ngày nào tui cũng đi theo năn nỉ chủ máy gặt thu hoạch giùm. Họ làm ban đêm, làm ẩu cho nhanh để qua ruộng khác nên lúa rơi vãi đầy đồng. Ước tính tui bị mất khoảng 30 giạ lúa vì kiểu thu hoạch chụp giật này”.

Theo Sở NN&PTNT Tiền Giang, toàn tỉnh hiện còn khoảng 7.000ha lúa đông xuân chưa thu hoạch, trong đó các huyện Cái Bè, Cai Lậy còn hơn 5.000ha. Nạn thiếu máy gặt đã ảnh hưởng rất nhiều đến tiến độ xuống giống vụ hè thu đồng loạt của các địa phương.

Còn tại huyện Tháp Mười (Đồng Tháp), ông Ngô Văn Nâu - chủ tịch UBND huyện - nói mấy ngày qua ở địa phương này cũng có tình trạng lúa chín chờ máy gặt khoảng mười ngày vì thiếu máy gặt đập liên hợp. Lúa chín quá ngày thu hoạch bị ngã rạp, rụng đầy ruộng gây thất thoát khá lớn. Đã vậy, đến khi thu hoạch thì chủ máy lấy giá cao hơn bình thường khoảng 1 triệu đồng/ha. Người dân phải chạy đi tìm máy ở các địa phương khác đưa về gặt cả ngày lẫn đêm. Hiện nay lúa đông xuân cơ bản đã thu hoạch xong.

F2y2NGUd.jpgPhóng to

Thu hoạch trễ khiến lúa rụng thế này - Ảnh: T.Bắc

60% diện tích lúa không có máy gặt

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, cho biết toàn vùng hiện có khoảng 7.000 máy gặt đập liên hợp. Do các tỉnh xuống giống đồng loạt, thu hoạch cùng lúc nên máy gặt chỉ đáp ứng 40% diện tích lúa ở ĐBSCL. Dự kiến đến năm 2015 số máy gặt cũng chỉ đáp ứng được khoảng 70-80% diện tích lúa trong vùng.

Theo ông Bảnh, việc thu hoạch lúa trễ khiến tỉ lệ lúa bị thất thoát tăng, làm giảm thu nhập của nông dân. Ước tính tỉ lệ hạt lúa rụng (thất thoát) khi thu hoạch trễ khoảng 5%. Điều này xảy ra khi lúa chín rục tự rơi và tiếp tục rơi khi máy thu hoạch. Theo tính toán của các nhà khoa học, nếu thu hoạch thủ công thì tỉ lệ hao hụt lên tới 12-15%, thu hoạch bằng máy thì thất thoát khoảng 10%. Như vậy nếu nơi nào thu hoạch trễ thì tỉ lệ thất thoát có thể lên tới 15%. Với năng suất trung bình vụ đông xuân khoảng 7 tấn/ha, tỉ lệ thất thoát của những hộ thu hoạch trễ không dưới 1 tấn/ha, tức khoảng 4 triệu đồng (giá lúa tươi 4.000 đồng/kg).

Ông Bảnh cho biết khi lúa chín đạt 80-90% thì phải thu hoạch. Việc thu hoạch trễ dẫn đến tình trạng lúa phơi nắng, sau đó phơi sương làm hạt gạo khi xay xát sẽ bị vỡ thành tấm. Chất lượng hạt gạo bị giảm, gây thiệt hại cho thương lái và doanh nghiệp. “Các tỉnh phải đầu tư máy gặt đập liên hợp cho dân đầy đủ để hạn chế tình trạng lúa thu hoạch trễ gây thiệt hại đáng tiếc như hiện nay. Ngay bây giờ cũng nên lo đầu tư máy sấy để vụ hè thu tới giảm bớt tình trạng lúa thu hoạch xong gặp mưa không phơi được” - ông Bảnh đề nghị.

Chủ máy gặt cũng than

Mấy hôm nay, ông Lê Thành Trung đưa máy gặt đập liên hợp từ Đồng Tháp sang huyện Cai Lậy (Tiền Giang) thu hoạch lúa cho bà con nông dân ở đây. Ông Trung nói: “Hai máy gặt của tui chạy hết công suất cả ngày lẫn đêm mà vẫn không giải quyết hết nhu cầu của nông dân. Họ cứ chạy theo tui hết năn nỉ rồi chuyển sang chửi. Thiệt khổ hết sức!”.

TS LÊ VĂN BẢNH(viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên