15/12/2018 09:13 GMT+7

Thiếu kinh phí và cơ chế mạnh để chống ngập

QUANG KHẢI - LÊ PHAN
QUANG KHẢI - LÊ PHAN

TTO - Ngập nước đô thị là chuyện dài vài chục năm rồi. Giải pháp chống ngập không phải không có và cũng không khó. Cái khó nhất là chuyện thiếu kinh phí và chuyện phải có cơ chế đủ mạnh để chống ngập hiệu quả nhanh.

Thiếu kinh phí và cơ chế mạnh để chống ngập - Ảnh 1.

Công nhân thuộc Công ty TNHH một thành viên Thoát nước đô thị TP.HCM vớt rác trong lòng cống ở đường Nguyễn Thái Học, Q.1 - Ảnh: H.ĐÔNG

Ngập do ý thức, hành vi con người, giải pháp cho vấn đề này cũng là con người. Đó là ý kiến nêu ra tại tọa đàm "TP.HCM ngập: tại trời hay tại người?" do báo Tuổi Trẻ cùng Tập đoàn SenGroup tổ chức ngày 14-12.

Chống hoài vẫn ngập: do thiếu tiền

TS Hồ Long Phi - nguyên giám đốc Trung tâm nước và biến đổi khí hậu Đại học Quốc gia TP.HCM - khẳng định: bốn nguyên nhân chính gây ngập tại TP.HCM - mưa lớn, triều cường cao, xả lũ và lún - thì cả bốn đều do tác động lớn của con người.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Minh Giám - nguyên phó giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ - đưa ra kết quả nghiên cứu cho thấy: "Trong 40 năm qua, nhiệt độ tại TP tăng 1,8 độ C. 

Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất công nghiệp, giao thông làm gia tăng các hạt nhân ngưng kết... khi hơi ẩm từ biển vào gặp các yếu tố này làm gia tăng những trận mưa cực lớn".

Ông Hồ Long Phi nêu vấn đề: "Ai cũng có thể đặt câu hỏi: chúng ta bỏ ra hàng chục ngàn tỉ đồng cho việc chống ngập nhưng vì sao vẫn ngập, số tiền đã đầu tư có hiệu quả không?". 

Ông Phi dẫn chứng: nếu làm đầy đủ các công trình chống ngập theo các quy hoạch, TP cần khoảng 6 tỉ USD nhưng thời gian qua mới chỉ đầu tư được 1,5 tỉ USD (khoảng 30.000 tỉ đồng). Số tiền đã đầu tư đạt hiệu quả gì? 

"Nếu như giai đoạn 2005 - 2007 những trận mưa hơn 30mm, TP ngập 100 điểm. Mưa trên 50mm ngập đến 150 điểm. Còn hiện nay mưa 70-80mm trở lên, thậm chí cả trăm milimet mới ngập" - ông Phi khẳng định.

Ông Đỗ Tấn Long - trưởng phòng quản lý hệ thống thoát nước Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP - cho biết: hiện nay mới chỉ đầu tư 40% cống nước so với quy hoạch. 

Thiếu cống thoát nước, hệ thống kênh rạch thoát nước cũng bị lấn chiếm, xả rác... góp phần ngập nặng thêm.

Ở góc độ quản lý chống ngập, ông Long cho biết có nhiều việc lực bất tòng tâm. "Đơn vị chúng tôi không đủ thẩm quyền xử lý các trường hợp lấn chiếm. Nếu hệ thống rạch thoát nước giữa đô thị được cải tạo mở rộng sẽ giúp giảm ngập rất lớn... 

Điều này ai cũng thấy, cũng biết, nhưng nhiều năm nay chưa triển khai dự án được vì vướng công tác giải tỏa đền bù. Đây là chuyện ngoài tầm tay của đơn vị chống ngập" - ông Long cho hay.

Theo ông Long, khó khăn lớn nhất trong công tác chống ngập hiện nay là kinh phí. TP đã chi hàng chục ngàn tỉ đồng chống ngập nhưng thực tế so với kế hoạch, yêu cầu thì chỉ là số khiêm tốn. 

Cụ thể trong giai đoạn chống ngập 2011 - 2015 cần 90.000 tỉ đồng, nhưng kinh phí thực tế chỉ đáp ứng 30%. 

Giai đoạn 2016 - 2020 cần 97.000 tỉ cho chống ngập nhưng có 60% hạng mục, công trình vẫn chưa xác định được nguồn vốn.

Thiếu kinh phí và cơ chế mạnh để chống ngập - Ảnh 2.

Đoạn rạch Ông Đội, nằm bên dưới chân cầu Kênh Tẻ phía Q.7, trở thành nơi chứa rác - Ảnh: HOÀNG ĐÔNG

Cống thoát nước chứa... rác

Ông Nguyễn Văn Thanh - chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn SenGroup - đặt vấn đề phải sớm xóa bỏ tình trạng này. 

"Vì sao người vi phạm luật giao thông bị xử phạt, còn xả rác, đổ rác bít miệng cống gây ngập ảnh hưởng rất nhiều người lại không được xử lý dù pháp lý chúng ta đã có đầy đủ?". 

Ông Thanh đề nghị cần sớm xác lập lại cơ chế "nhạc trưởng", người có toàn quyền giải quyết và chịu trách nhiệm về công tác chống ngập của TP.

Theo ông Thanh, nhiều doanh nghiệp sẵn sàng chung tay đóng góp cùng TP chống ngập và mong mỏi các cơ quan ban ngành, doanh nghiệp cùng xắn tay vào làm ngay bằng những công việc cụ thể. Nếu không hành động thì có thể 10 năm sau TP vẫn bì bõm ngập.

Theo tính toán của ông Nguyễn Ngọc Minh Phú - phó trưởng phòng quản lý cấp thoát nước Sở Giao thông vận tải TP.HCM: với lượng rác phát sinh trên địa bàn TP (9.000 tấn/ngày) có tới 2.500 tấn thải bừa bãi ra môi trường. 

"Theo con số này, áp vào thực tế hệ thống cống trên địa bàn TP là 4.500km thì mỗi kilômet cống thoát nước hiện nay có tới 0,5 tấn rác. Mưa xuống thì rác này dồn lại, nhiều khả năng gây ngập" - ông Phú nói.

Nói về chuyện xả rác gây tắc nghẽn cống, ông Lê Văn Thành - nguyên trưởng phòng văn hóa xã hội Viện Nghiên cứu phát triển TP - có ý kiến: để công tác này hiệu quả, ngoài chuyện xử lý nghiêm hành vi vi phạm còn phải xây dựng trách nhiệm cộng đồng. 

"Vấn đề là làm sao chúng ta tạo ra được môi trường để cộng đồng có thể góp ý ngay hành vi xả rác, bảo vệ những người góp ý với thói xấu đó" - ông Thành kiến nghị. 

Đối với tình trạng lấn chiếm kênh rạch, ông Thành cho rằng phải kiên quyết tạo ra "lằn ranh" đảm bảo khả năng thoát nước, nhà nào xây dựng vi phạm buộc phải tháo dỡ ngay, có như vậy mới làm thông thoáng kênh rạch được.

Cùng quan điểm, ông Bùi Văn Trường - trưởng phòng quản lý hệ thống thoát nước mưa Công ty TNHH một thành viên Thoát nước đô thị TP - chia sẻ: "Tôi từng có thời gian sống ở Hà Nội. 

Khác với TP.HCM, người dân ở Hà Nội để rác trên lề đường dù là trước cửa nhà là bị hàng xóm nhắc nhở ngay. 

Người dân phải lưu giữ rác trong nhà đợi tới giờ lực lượng gom rác tới, còn không phải mang tới các trạm trung chuyển".

Bạn đọc Trần Văn Tường đề nghị để giảm bớt vất vả cho công nhân thoát nước, giảm ngập đô thị, mỗi người đều có thể tham gia vớt rác tại các hố ga, miệng thu nước ít nhất tại trước cửa nhà, gần nơi mình ở cũng sẽ góp phần đáng kể để hệ thống thoát nước hoạt động hiệu quả hơn.

Thu phí chống ngập

Để tạo thêm nhiều không gian cho nước, khu thấm nước, ông Hồ Long Phi cho rằng: với tình trạng tấc đất tấc vàng như hiện nay khó đầu tư thành những hồ điều tiết nổi với quy mô vài hecta. 

Thay vào đó cần làm những hồ điều tiết phân tán, đó là các hồ điều tiết ngầm ở các công viên, thậm chí sử dụng chất liệu bêtông thấm nước để cải tạo vỉa hè, làm những con hẻm. 

Một hai vỉa hè, con hẻm thì ít, nhưng hàng trăm, hàng ngàn tuyến đường, vỉa hè áp dụng biện pháp này sẽ tạo thành hồ điều tiết khổng lồ.

Ông Phi cũng nhận định công tác chống ngập hiện nay đi đúng hướng nhưng quá trình triển khai quá chậm và vướng lớn nhất, theo ông Phi, là cơ chế. 

Nếu TP có cơ chế đủ mạnh thì không chỉ tạo ra được nguồn lực tài chính cho công tác chống ngập mà còn khiến mỗi người ứng xử hợp lý, phòng ngập hiệu quả.

"Ngay từ đầu khi quy hoạch sử dụng đất lại khuyến khích phát triển đô thị về những vùng khó khăn, nhạy cảm với ngập mà không có biện pháp ngăn chặn. 

Các nhà đầu tư triển khai dự án lại không phải trả phí cho công tác chống ngập nào cả dù dự án họ có thể góp phần gây ngập" - ông Phi phân tích và cho rằng các cơ quan chức năng phải tính toán và đưa chi phí chống ngập cho các dự án với mức 100.000 - 200.000 USD/ha để phục vụ công tác chống ngập.

Cũng theo ông Phi, chính vì chống ngập là dịch vụ "bao cấp", người xả rác vào cống, lấn chiếm kênh rạch... vẫn vô tư vì có "người khác lo", còn nhà đầu tư không mặn mà. 

Việc chống ngập không thu hút được xã hội hóa đầu tư như lĩnh vực giao thông, y tế, giáo dục vì không có nguồn thu. Trong khi nguồn ngân sách có hạn, tập trung nhiều vấn đề khác.

Ở nhiều nước, với một mái nhà diện tích cụ thể có thể tạo ra một lượng nước nhất định chảy xuống cống phải bị tính phí chống ngập, trường hợp bêtông hóa nhiều hạn chế khả năng thấm nước cũng bị tính phí chống ngập. 

"Đây cũng là chuyện công bằng, bởi phí thu được dùng để giải quyết hậu quả gây ngập từ các công trình trên gây ra. Khi chúng ta tạo ra được cơ chế đủ mạnh thì giải quyết bài toán chống ngập là không khó" - ông Phi nhấn mạnh.

Mong người dân để rác đúng nơi

phong

Anh Vũ Thanh Phong - công nhân Công ty TNHH một thành viên Thoát nước đô thị TP.HCM - chia sẻ mong ước như vậy tại buổi tọa đàm. Anh Phong gắn bó với nghề đã 21 năm.

Làm việc trong môi trường ô nhiễm, không ít lần anh Phong và các đồng nghiệp đối mặt với những hiểm nguy khi nhiều kim tiêm, miểng chai, vật sắc nhọn hiện diện trong các cống thoát nước.

Anh Phong chân thành bày tỏ: "Chỉ mong mọi người để rác đúng chỗ, đừng vứt rác bừa bãi ra đường, bởi cuối cùng rác sẽ dồn xuống cống gây tắc nghẽn cống, gây ngập khắp nơi".

Đẩy nhanh tiến độ các dự án chống ngập

tranvantuong


Anh Trần Văn Tường (kỹ sư xây dựng) nêu thực tế: bêtông hóa đến mất kiểm soát là sai lầm trong phát triển đô thị.

Thành phố đã phát triển đô thị về hướng nam, đông nam, những vùng thấp làm thu hẹp khả năng chứa nước.

Chống ngập hiện nay không nhất thiết phải nâng đường, mà phải có nhiều khu trữ nước.

Nhiều dự án chống ngập chậm do vướng giải tỏa, anh Tường cho rằng: ngay từ khi dự án được chấp thuận về mặt chủ trương cần phải tách làm riêng các dự án giải tỏa đền bù, trong đó phải tính tới các phương án tái định cư cho những trường hợp bị giải tỏa trắng...

Có như vậy dự án mới triển khai nhanh được. Thành phố cần tạo mọi điều kiện để dự án chống ngập do triều với số vốn 10.000 tỉ đồng tiếp tục được triển khai vì đã tạm dừng nhiều tháng nay.

Dự án chậm ngày nào thiệt hại ngày đó, chính quyền, nhà đầu tư, người dân cũng bị thiệt.

TP.HCM ngập: Trách người trước khi trách trời! TP.HCM ngập: Trách người trước khi trách trời!

TTO - Ngập nước đô thị là hậu quả tổng hợp của nhiều nguyên nhân, trong đó yếu tố con người trong việc quy hoạch, tuân thủ quy hoạch và cả thói quen xả rác hàng ngày... khiến bài toán ngập của TP.HCM loay hoay chưa thấy lối ra.

QUANG KHẢI - LÊ PHAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên