11/12/2018 10:41 GMT+7

Cứ mưa là ngập, các đô thị lớn phải xem lại quy hoạch

NHÓM PV
NHÓM PV

TTO - Tình trạng ngập úng do mưa lớn ở TP.HCM, Đà Nẵng, Nha Trang... gần đây có phần do thiên tai khắc nghiệt. Rõ ràng biến đổi khí hậu là một trong những nguyên nhân gây mưa lớn, ngập nặng.

Cứ mưa là ngập, các đô thị lớn phải xem lại quy hoạch - Ảnh 1.

Nhiều tuyến phố Đà Nẵng ngập trong biển nước sau cơn mưa lớn - Ảnh: TẤN LỰC

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng thiên tai chỉ là một phần nguyên nhân, còn lại là xuất phát từ con người khi công tác xây dựng, quản lý phát triển đô thị không tốt. Vậy trong tương lai các đô thị lớn phải đối phó thế nào trước tình trạng ngập úng như những ngày qua, giải pháp nào giúp dân ứng phó với bất thường của thời tiết?

Tại ông trời, nhưng...

GS.TS Nguyễn Trọng Hòa - Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM - cho rằng Đà Nẵng cả trăm năm nay mới bị ngập, TP.HCM mấy chục năm nay mới có một trận mưa lớn như vậy, rõ ràng biến đổi khí hậu là một trong những nguyên nhân ngập nặng. Tuy nhiên, bên cạnh thiên tai thì "nhân tai" cũng là một nguyên nhân.

Tình trạng san lấp kênh rạch, chặn dòng chảy nhiều năm qua đã bịt kênh thoát nước tự nhiên. Hệ thống kênh rạch trước đây có vai trò chủ lực để thoát nước, bên cạnh đó là việc thấm nước bề mặt tự nhiên. Giờ tốc độ bêtông hóa cao nên không thấm được, khả năng thấm tự nhiên đã giảm đi.

Trong quy trình phát triển đô thị, thông thường người ta làm cống hở trước, khi dân cư văn minh nên mới làm cống hộp để chỉnh trang đô thị. Nhưng tại TP.HCM và nhiều đô thị hiện nay, chính quyền lại ngầm hóa hệ thống cống trong lúc chất lượng xây dựng hệ thống cống ngầm kém.

Hơn nữa, hầu hết nước mặt tại TP.HCM được tiêu thoát về khu nam nhưng khu nam hiện nay cũng bị tắc nghẽn do quản lý kém, phát triển đô thị không kiểm soát được, để cho dân lấn chiếm, rồi nhà đầu tư san lấp kênh rạch tạo ra "đê" ngăn thoát nước, chặn dòng chảy.

Tại TP.HCM, theo ông Hòa, việc chậm triển khai dự án chống ngập cũng góp phần làm tình trạng ngập úng do mưa lớn nặng hơn. Nếu làm hệ thống ngăn triều tốt, mưa to có thể ngập cục bộ nhưng vẫn thoát nhanh. 

Đồng thời cần đẩy mạnh việc xây dựng hệ thống bể ngầm để thu gom nước tại chỗ và trữ nước để tưới cây xanh. Cần bổ sung quy chuẩn với các công trình chiếm dụng bề mặt lớn như siêu thị, xí nghiệp phải xây dựng bể ngầm chứa nước vì hiện nay bề mặt đô thị đang được bêtông hóa quá cao.

Ngập nghiêm trọng hơn do lấp hồ, lấn sông

Kiến trúc sư Phạm Phú Bình - Hội Kiến trúc sư TP Đà Nẵng, tổng giám đốc Công ty tư vấn thiết kế và xây dựng Đà Nẵng - đánh giá nguyên nhân chính gây ra tình trạng ngập úng ở Đà Nẵng xảy ra ngày 9-12 là do lượng mưa quá lớn.

"Với lượng mưa trên 500mm, trong thời gian dài như vừa qua thì hiện không có hệ thống thoát nước ở đô thị nào có thể đáp ứng tiêu nước ngay được. Có thể nhận thấy rằng các điểm ngập úng ở Đà Nẵng vừa xảy ra chủ yếu nằm ở các khu vực sâu trong đô thị, các vùng nằm xa sông, biển" - ông Bình nói.

Ông Bình cảnh báo một số khu vực đô thị mới Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ), Hòa Quý ( quận Ngũ Hành Sơn) có vị trí gần sông nhưng xảy ra tình trạng ngập úng là có sự bất cập trong thiết kế.

Ông Bình lý giải: khu vực Hòa Xuân, Hòa Quý trước đây là ruộng đồng, ao hồ, được xem là "túi" chứa nước tự nhiên cho cả khu vực phía tây Đà Nẵng khi có mưa. Trong quá trình xây dựng đô thị, chúng ta đã đổ đất nâng nền cao lên 3-5m, vì vậy "túi" chứa nước tự nhiên bị mất đi. 

Điều đáng nói hơn là khi quy hoạch xây dựng, chúng ta đã tận dụng quá mức việc khai thác quỹ đất bằng cách lấp hết ao hồ, thu hẹp lưu vực sông. Vì vậy, khi mưa lớn đổ xuống thì không còn chỗ để thoát nước và hậu quả là tình trạng ngập úng cục bộ.

Cứ mưa là ngập, các đô thị lớn phải xem lại quy hoạch - Ảnh 2.

Người dân trong xóm trọ ở Thảo Điền, quận 2, TP.HCM chịu trận với nạn ngập sâu sau cơn bão số 9 vừa qua - Ảnh: TIẾN LONG

TP.HCM: cống thiếu, còn bị lấn chiếm

Trận ngập lịch sử tại TP.HCM ngày 25-11 là do mưa to kéo dài, kết hợp triều cường cao. Lượng mưa lớn nhất đo được là 401mm (trạm Tân Sơn Hòa), đỉnh triều đo tại trạm Phú An là +1,29m. Trận mưa trên được xem là lịch sử về cường độ, thời gian. 

Theo Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP, hiện nay cống thoát nước cấp 1 (cống lớn nhất) tại TP.HCM chỉ chịu được những trận mưa gần 96mm trong ba giờ. Tuy nhiên, trong trận mưa ngày 25-11, hơn một nửa số trạm đo được đạt lượng mưa trên 300mm kết hợp với triều cường lên cao. Đây là hai yếu tố bất lợi xuất hiện cùng lúc khiến tình hình ngập tại TP.HCM thời điểm đó thêm nặng, kéo dài.

Theo thống kê, trận mưa trên đã gây tình trạng ngập úng tại 102 tuyến đường chính, chưa kể các con hẻm chiều sâu ngập 10-70cm. Ngay trong đêm, hàng ngàn nhân sự, thiết bị được huy động để ứng cứu tình trạng ngập nước trên địa bàn TP. Tuy nhiên, do mưa kéo dài, trùng đợt triều cường nên đến sáng hôm sau (26-11), hơn 31 tuyến đường vẫn còn bị ngập với chiều sâu ngập 10-40cm.

Điểm đặc biệt của đô thị TP.HCM và một số tỉnh thành khu vực miền Tây Nam Bộ là ngoài đối mặt với ngập do mưa lớn còn bị ảnh hưởng bởi chế độ bán nhật triều. Thông thường khoảng từ tháng 9 trở đi (có thể kéo dài đến đầu năm sau) triều cường trên sông Sài Gòn, Cửu Long ở mức cao, thường đạt đỉnh khoảng đầu và giữa tháng. Tháng 9, tháng 10 lại là cao điểm mùa mưa, thời gian này thường xuất hiện những cơn mưa lớn trùng với thời gian đỉnh triều cường.

Điều đáng nói là theo quy hoạch tại TP.HCM, đến năm 2020 phải xây dựng 104 hồ điều tiết - đây chính là không gian xanh trữ nước, điều hòa bên cạnh phát triển 6.000km cống (nhưng hiện mới đạt hơn 60%). Đến nay, chưa có hồ điều tiết nào hoàn thành. Trong khi đó, có hơn 50 kênh, rạch trên địa bàn TP.HCM hiện nay đang bị lấn chiếm thu hẹp dòng chảy, có nơi xây nhà trên kênh rạch.

Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM vừa đề xuất UBND TP được làm 5 hồ điều tiết ngầm tại các công viên như công viên làng hoa Gò Vấp, dải cây xanh phân cách đường Phan Xích Long... Các hồ điều tiết ngầm này có dung tích chứa 1.500 - 20.000m3, được xây dựng trong giai đoạn năm 2019 - 2020 với tổng vốn đầu tư 475 tỉ đồng.

Một người mất tích

Sáng 10-12, chính quyền phường An Mỹ, TP Tam Kỳ (Quảng Nam) cho hay đang triển khai lực lượng tìm kiếm tung tích một người dân ở địa phương bị nước lũ cuốn trôi mất tích đêm 9-12. Nạn nhân được xác định là ông Ngô B. (54 tuổi, trú khối phố 7, phường An Mỹ).

Sáng cùng ngày, nước lũ tràn vào nhà làm bình khí nén bị xì khiến 4 người trong gia đình chị Huỳnh Thị Chín (32 tuổi, trú thôn Đàn Hạ, xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh, Quảng Nam) bị ngạt khí gas. Lực lượng CSGT Công an tỉnh dùng canô đưa chị Chín đi bệnh viện cấp cứu, đến nay đã an toàn.

LÊ TRUNG

Cấp 2.400 tấn gạo cứu đói tại Thanh Hóa

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính xuất cấp không thu tiền 2.399,2 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho tỉnh Thanh Hóa để cứu đói cho nhân dân bị ảnh hưởng do mưa, lũ gây ra năm 2018.

Trước đó, từ ngày 28 đến 31-8, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp, nhiều huyện khu vực thượng nguồn sông Mã, tỉnh Thanh Hóa có mưa lớn như Mường Lát, Bá Thước, Thạch Thành, Quan Hóa.

Mưa lũ đã làm 3 người mất tích, 123 ngôi nhà bị lũ cuốn trôi và 4.584 ngôi nhà bị ngập. Hàng ngàn hecta lúa, hoa màu bị hư hại và 1.300 con gia súc, gia cầm bị chết. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Thanh Hóa tiếp nhận và sử dụng số gạo được cấp, bảo đảm hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng theo quy định.

B.NGỌC

KTS Ngô Viết Nam Sơn:

Ngập nặng do coi nhẹ không gian chứa nước

ngovietnamson (2) 3(read-only)

Ở các đô thị trên thế giới, việc chống ngập cũng dựa vào số liệu các trận mưa, lượng mưa trung bình để thiết kế cống thoát nước. Không ai bỏ ra số tiền khổng lồ để thiết kế cống lớn nhằm đáp ứng cho những trận mưa cực lớn mà vài năm, thậm chí cả chục năm mới xảy ra một lần. Vì vậy, đổ lỗi cho cống nhỏ gây ngập tại các đô thị ở VN là chưa có cái nhìn toàn diện.

Tại nhiều quốc gia trên thế giới, muốn chống ngập bền vững người ta không chỉ dựa vào cống thoát nước, thay vào đó họ chú ý việc phát triển không gian xanh, không gian trữ nước bao gồm: công viên cây xanh, vườn hoa, hồ chứa nước (nổi hoặc ngầm), tận dụng hệ thống sông rạch... không chỉ là nơi chứa nước khi cống quá tải mà còn điều hòa giúp không khí mát mẻ hơn và là nơi bổ sung nguồn nước ngầm.

Tiếc rằng nhiều nơi ở Việt Nam, trong đó có TP.HCM, trong quá trình phát triển đô thị, quy hoạch lại xem nhẹ vấn đề này. Rất nhiều kênh rạch, mương thoát nước đã bị san lấp, bồi lắng, lấn chiếm; nhiều nơi tốc độ bêtông hóa bề mặt đến chóng mặt.

Điều này không chỉ làm giảm khả năng trữ nước, thấm nước mà còn gia tăng chảy tràn trên bề mặt. Nước không còn chỗ chảy, thấm thì ngập là chuyện đương nhiên.

Thêm vào đó, một số đô thị ven biển cho xây dựng hàng loạt tuyến nhà cao tầng dọc bờ biển vô tình tạo ra hệ thống như những con đê chắn nước đổ ra bên ngoài khi có mưa lớn. Nhà cao đào móng sâu cũng hạn chế nước thấm xuống đất, cát chảy ra biển. Từ đó lượng nước mưa không có đường thoát, không có không gian thấm thì dẫn đến ngập là điều tất yếu.

Tại TP.HCM, ngoài quyết liệt giải tỏa các trường hợp lấn chiếm, trả lại hiện trạng của hệ thống kênh rạch ngày xưa, cần phải hạn chế bêtông hóa. Thay vào đó là việc tăng cường mảng xanh, xây thêm các hồ điều tiết nước bên cạnh tiếp tục phủ kín hệ thống thoát nước trên các tuyến đường khu dân cư. QUANG KHẢI ghi

GS Vũ Trọng Hồng - Nguyên thứ trưởng Bộ NN&PTNT:

Tính phương án bơm nước ra sông, biển

Các trận mưa lớn vượt ngưỡng lịch sử ở các đô thị lớn Hà Nội, TP.HCM, Nha Trang, Đà Nẵng hay Quảng Ninh thời gian gần đây cho thấy sự khó lường về biến đổi khí hậu.

Sau mưa thì các đô thị lớn bị ngập, nguyên nhân một phần từ yếu tố thiên tai, nhưng cũng có nguyên nhân chủ quan từ thực tế năng lực thoát nước ở các thành phố lớn không còn đáp ứng được khi đối mặt với thiên tai. Thực tế này đòi hỏi từng địa phương phải chủ động các giải pháp ứng phó tình thế và giảm nhẹ trước thiên tai.

Ngay từ bây giờ, tất cả các quy hoạch, công trình xây dựng mới cần tính toán, lồng ghép yếu tố tác động của biến đổi khí hậu. Và với năng lực thoát nước hiện có, cần chủ động các giải pháp tự tiêu thoát.

Trước mắt, ngay trước mùa mưa, từng địa phương phải rà soát, kiểm tra tổng thể khả năng tự tiêu thoát của hệ thống thoát nước, đảm bảo hệ thống cống rãnh luôn được khơi thông dòng chảy.

Đặc biệt, cần có phương án đưa nước từ trong thành phố ra sông, ra biển, có thể thông qua các trạm bơm hay hình thức bơm cưỡng bức để giảm thời gian ngập cục bộ.

Ông Phạm Văn Chiến - Phó giám đốc Đài khí tượng thủy văn khu vực Trung Trung Bộ:

Thiết kế đô thị phù hợp với biến đổi khí hậu

ong pham van chien 3(read-only)

Quá trình quy hoạch phải xem xét kỹ đến tình hình thời tiết, tính chất mưa, lượng mưa để có thông số thiết kế cho phù hợp, đảm bảo khả năng tiêu thoát nước khi các trận mưa đặc biệt lớn xảy ra.

Nếu thiết kế, quy hoạch đô thị mới thì phải có cao trình phù hợp, tránh những trường hợp cao trình chênh lệch cao - thấp dẫn đến việc không đấu nối được hệ thống thoát nước. Đối với hệ thống thoát nước phải thường xuyên kiểm tra, nạo vét, khơi thông, tránh bị rác hoặc bồi lắng cản trở dòng chảy thoát nước.

Thường đô thị lớn thì khả năng thoát nước sẽ phức tạp hơn, dễ bị ngập úng cục bộ nhiều hơn. Với Đà Nẵng, nếu lưu lượng mưa khoảng 100mm kéo dài hơn một giờ thì chắc chắn tình trạng ngập úng cục bộ sẽ xảy ra.

X.LONG - H.KHÁ - Đ.CƯỜNG ghi

NHÓM PV
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên