14/12/2018 12:36 GMT+7

TP.HCM ngập: Trách người trước khi trách trời!

Q.KHẢI  - L.PHAN
Q.KHẢI - L.PHAN

TTO - Ngập nước đô thị là hậu quả tổng hợp của nhiều nguyên nhân, trong đó yếu tố con người trong việc quy hoạch, tuân thủ quy hoạch và cả thói quen xả rác hàng ngày... khiến bài toán ngập của TP.HCM loay hoay chưa thấy lối ra.

TP.HCM ngập: Trách người trước khi trách trời! - Ảnh 1.

Ôtô nằm la liệt do ngập nước tại đường Phan Huy Ích, quận Gò Vấp sau trận mưa ngày 25-11 - Ảnh: NGỌC KHẢI

Sáng 14-12, Tuổi Trẻ phối hợp với Tập đoàn Sengroup tổ chức tọa đàm "TP.HCM ngập: Tại trời hay tại người?". Đã có nhiều giải pháp của các chuyên gia đưa ra để 'cứu vãn' tình trạng ngập nước tại TP.HCM.

Các cử tọa tham dự cùng nhìn nhận câu chuyện ngập ở TP.HCM không mới nhưng mức độ "trầm kha" thì hầu như chưa giảm, nếu không nói ngày một chuyển biến xấu hơn.

Mưa nhiều, ngập lâu do trời?

Để chống ngập cho thành phố, năm 2001 thủ tướng chính phủ đã có Quyết định 752 phê duyệt quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TP.HCM đến năm 2020. Theo đó, sẽ có 6.000km cống và mương thoát nước, 104 hồ điều tiết, 8 cống kiểm soát triều được xây dựng để chống ngập.

Năm 2008 ,thủ tướng tiếp tục phê duyệt quyết định 1547 về quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TP.HCM chia làm hai giai đoạn trước 2012 và sau 2012.

Ngập do trời hay do người? - Video: TUỔI TRẺ

Tuy nhiên hiện nay tình trạng ngập do mưa và triều cường vẫn đang là vấn nạn của TP, sau những cơn mưa lớn nhiều khu vực bị ngập sâu gây ảnh hưởng đến đời sống người dân. Đặc biệt cơn mưa do ảnh hưởng bão số 9 vừa qua khiến giao thông thành phố gần như tê liệt, nhiều khu vực ngập sâu nhiều ngày mới rút.

Ông Nguyễn Minh Giám - nguyên phó giám đốc Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ - cho biết có 7 nguyên nhân khách quan, 12 nguyên nhân chủ quan gây ngập tại TP.HCM.

Theo ông Giám, điều kiện gây mưa là các hạt hơi nước phải bám vào các hạt nhân liên kết. Ở TP.HCM hiện nay chất thải khí từ nhiều nguồn tạo thành vô số hạt nhân liên kết kết lơ lửng trong không khí. 

Cách đây 30 năm mưa ít, hiện nay do hơi nước có nguồn liên kết dồi dào sinh ra lượng mưa ngày càng nhiều với vũ lượng lớn. Số liệu cho thấy trong 40 năm qua lượng mưa tai TP.HCM tăng lên 220mm trong khi số ngày mưa giảm đi, nhiệt độ tăng khoảng 1,8 độ C.

Trong khi đó thủy triều ngày càng cao do khả năng tiêu động năng của các con sông ngày càng giảm. Từ năm 1999 đến nay tại các trạm đo mực nước tăng lên rất nhiều, các công trình ven sông thay vì làm tiêu năng lượng của sông lại làm tăng thêm khiến thủy triều vào TP.HCM ngày càng mạnh hơn.

"Ngoài bớt xả rác thì thành phố phải giảm các hạt nhân liên kết thải vào khí quyển, đây là một vấn đề thách thức của thành phố", ông Giám nói.

Ở góc độ địa phương, bà Nguyễn Hồng Vân - Phòng Quản lý đô thị quận Gò Vấp - cho biết quận Gò Vấp có hai khu vực trũng ngay công viên Làng Hoa và đường Phan Huy Ích.

"Trong quá trình phát triển đô thị việc quy hoạch hạ tầng chưa đồng bộ, hệ thống thoát nước các khu dân cư thấp hơn đường chính nên khi mưa triều cường gây ngập ngược lai.

Địa phương cũng chỉ có thể tuyên truyền, tổ chức ra quân nạo vét còn đầu tư khắc phục ở diện rộng thì phải xin kinh phí từ thành phố theo kế hoạch mỗi năm", bà Vân nói.

TP.HCM ngập: Trách người trước khi trách trời! - Ảnh 3.

Anh Vũ Thanh Phong - công nhân thoát nước - Ảnh: HOÀNG ĐÔNG

Là người trực tiếp dọn dẹp, thu gom rác tại các ống cống mỗi ngày, anh Vũ Thanh Phong - công nhân thoát nước - bày tỏ: "Cứ 30m đường có một miệng thu, người dân mình có thói quen để rác lên miệng cống, tôi mong người dân không bỏ rác tại các miệng thu để rác không rơi xuống cống cho anh em công nhân thu gom rác đỡ khổ.

Người dân thử cùng đi dọn cống một ngày hoặc đặt mình vào hoàn cảnh, công việc của chúng tôi để thấu hiểu và không xả rác nữa".

Làm sao để hết ngập?

Ông Bùi Văn Trường - trưởng phòng Thoát nước mưa, Công ty Thoát nước đô thị TP.HCM - cho biết hiện nay mưa ngập dẫn đến bồi lắng nhiều, chi phí duy tu nạo vét tăng lên rất nhiều qua mỗi năm.

TP.HCM ngập: Trách người trước khi trách trời! - Ảnh 4.

Ông Bùi Văn Trường - trưởng phòng Thoát nước mưa, Công ty Thoát nước đô thị TP.HCM - Ảnh HOÀNG ĐÔNG

Hai khó khăn chính là sông rạch bị lấn chiếm và miệng thu bị xâm lấn trong khi các biện pháp chế tài vẫn chưa rõ ràng, chưa có cơ chế xử phạt nghiêm khiến người dân còn xem nhẹ. Công ty chỉ có thể phát hiện, tuyên truyền và báo cáo còn việc chế tài hiện vẫn bỏ ngỏ.

TP.HCM ngập: Trách người trước khi trách trời! - Ảnh 5.

Ông Nguyễn Văn Thanh - chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sengroup - Ảnh: HOÀNG ĐÔNG

Chung ý kiến cần phải chú trọng vấn đề chế tài người xả rác, ông Nguyễn Văn Thanh - chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sengroup - chia sẻ tất cả người dân tại TP.HCM đều là nạn nhân của ngập, cần có một nhạc trưởng để chỉ huy và giải quyết được vấn nạn ngập, nhất là vấn đề xả rác.

"Hiện nay việc xử phạt giao thông diễn ra hằng ngày nhưng việc xử phạt xả rác vẫn còn bỏ ngỏ, thành phố cần có chế tài rõ ràng, cụ thể hơn" - ông Thanh đề xuất.

Trong khi đó, ông Đỗ Tấn Long - trưởng phòng Quản lý thoát nước, Trung tâm điều hành Chương trình chống ngập nước TP.HCM - nhận định muốn thoát nước điều kiện tiên quyết là phải có cống sau đó là kênh rạch, tuy nhiên cống hiện nay chưa đáp ứng được khả năng thoát nước còn kênh rạch thì ngày càng bị xâm lấn.

TP.HCM ngập: Trách người trước khi trách trời! - Ảnh 6.

Ông Đỗ Tấn Long - trưởng phòng Quản lý thoát nước, Trung tâm điều hành Chương trình chống ngập nước TP.HCM - Ảnh: HOÀNG ĐÔNG

"Các sở ngành đã ngồi lại họp bàn hơn 3 tháng trời để xác định các khu vực cần xử lý, và nguồn vốn. Chung quy lại là chưa có tiền để đầu tư, hạ tầng giao thông còn có thể làm theo hình thức đối tác công tư còn cải tạo kênh, rạch, cống thì không thể.

Công tác quản lý xây dựng trước đây còn lỏng lẻo, xây dựng vi phạm rồi đóng phạt sau đó cấp giấy tờ nhà, cứ vậy nhà cửa mọc lên không theo quy hoạch, không có hệ thống thoát nước, hậu quả là gây ngập.

Việc tuyên truyền hiệu quả vẫn chưa cao, người xả rác không chịu đến nghe tuyên truyền mà công tác tuyên truyền lại đi tuyên truyền cho người không xả rác", ông Long chia sẻ.

6 lưu vực thoát nước của TP.HCM

Vùng trung tâm gồm các quận 1, 3, 4, 5, 7, 10, 11, Phú Nhuận và một phần các quận Gò Vấp, Bình Chánh, Bình Thạnh, Tân Bình, kênh rạch chính là Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm, Tàu Hủ Bến Nghé.

Vùng Bắc gồm một phần của các quận 12, Gò Vấp, Bình Thạnh, Tân Bình, Bình Chánh và huyện Hóc Môn, kênh rạch chính có Tham Lương - Bến Cát, Bến Đá - Rạch Bà Hồng.

Vùng Tây gồm một phần quận 6, 8, Tân Bình, Bình Chánh. Kênh rạch chính có Rạch Chùa, rạch Nước Lên

Vùng Nam gồm một phần các quận 7, 8, Bình Chánh, Nhà Bè, kênh rạch chính có Kênh Đôi - Kênh Tẻ.

Vùng Đông Bắc gồm một phần quận 9, Thủ Đức.

Vùng Đông Nam gồm một phần quận 2, 9, Thủ Đức.

Q.KHẢI - L.PHAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên