Phóng to | |
"Việc quy định điều kiện đăng ký thường trú chặt hơn chỉ là giải pháp tình thế, chưa giải quyết được triệt để" Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) |
"Siết nhập cư cũng để đảm bảo công tác giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội" Đại biểu Nguyễn Đức Chung (Hà Nội) - Ảnh: Việt Dũng |
Nhiều đại biểu cho rằng dự thảo luật chưa phân biệt rõ được Hà Nội là một đô thị lớn và Hà Nội với tư cách là thủ đô, đặc biệt chưa thấy diện mạo chính quyền đô thị trong dự luật.
Siết nhập cư: vẫn còn ý kiến khác nhau
Ủng hộ mạnh mẽ việc Quốc hội thông qua dự án Luật thủ đô tại kỳ họp này, đại biểu Đào Trọng Thi (Hà Nội) nói: “Thủ đô là trung tâm chính trị, là bộ mặt của quốc gia. Vì vậy, việc ban hành chính sách đặc thù cho thủ đô là cần thiết bởi thủ đô chỉ có một”. Đối với quy định siết chặt điều kiện nhập cư Hà Nội, ông Thi đồng tình với dự thảo luật chỉ cho phép người có việc làm ổn định, có ba năm tạm trú tại một nơi, có nhà ở hoặc nhà thuê của tổ chức kinh doanh và tối thiểu diện tích mặt sàn phải đạt 5m2/người mới đủ điều kiện đăng ký hộ khẩu thường trú. Đại biểu Nguyễn Đức Chung (giám đốc Công an TP Hà Nội) khẳng định quy định như vậy là không trái với Luật cư trú, không ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.
“Số dân tạm trú trên địa bàn TP Hà Nội đã gần 1 triệu người. Việc tăng dân số quá nhanh sẽ gây khó khăn cho chính quyền trong đầu tư xây dựng bệnh viện, trường học, giao thông... và cũng gây quá tải cho người dân, làm giảm chất lượng cuộc sống của người dân. Siết nhập cư cũng để đảm bảo công tác giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội” - ông Chung nói.
Ủng hộ các đại biểu Hà Nội, trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM Huỳnh Thành Lập phân tích: “Tôi cho rằng Luật thủ đô không phải là đạo luật về một đơn vị hành chính, một đô thị đặc biệt, mà là đạo luật quy định về thủ đô của cả nước. Sự quá tải, sống chen chúc, ra đường chen chúc, đi học cũng chen chúc... nếu không có biện pháp cụ thể sẽ cản trở quy hoạch kinh tế - xã hội, ảnh hưởng xấu đến chất lượng cuộc sống của người dân. Tôi đồng tình với quy định về siết chặt điều kiện nhập khẩu vào nội thành”.
Hòa giải cơ sở có nhiều kết quả Chiều 5-11, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật hòa giải cơ sở. Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết quy định hiện hành về hòa giải cơ sở không có gì vướng mắc, tuy nhiên nếu nâng từ pháp lệnh lên thành luật sẽ có hiệu lực pháp lý cao hơn. Đại biểu Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ) ủng hộ ban hành luật này. “Tôi thấy việc hòa giải cơ sở đem lại rất nhiều kết quả. Những tranh chấp ở địa phương mà hòa giải tốt sẽ giảm áp lực cho chính quyền. Để hai bên phải đem nhau ra tòa thì mâu thuẫn có thể tăng, nhưng hòa giải thành công thì cả hai bên đều vui vẻ, giữ gìn được tình làng nghĩa xóm” - ông Tiếp nói. |
Còn kẹt xe, ô nhiễm thì đừng đòi thu phí cao
Cũng không đồng tình việc thu phí cao, đại biểu Vinh phân tích: “Dự thảo đưa ra các quy định về dân cư, đất đai, môi trường, giao thông... đều là những vấn đề chung của các đô thị lớn, chứ không phải của riêng thủ đô. Tại sao lại quy định thu phí cao hơn nơi khác? Bản chất của phí là người sử dụng dịch vụ nào thì trả tiền dịch vụ đó, anh phục vụ tốt tôi trả thêm tiền. Nhưng thực tế người tham gia giao thông ở Hà Nội đang phải đối mặt với nạn kẹt xe, lụt lội, môi trường ô nhiễm... Như vậy không có cơ sở để thu phí cao hơn”.
Trong khi đó, đại biểu Phạm Trọng Nhân nhận xét: “Dự thảo vẫn còn mang nặng bóng dáng của một nghị quyết mang tính mệnh lệnh, chung chung hơn là một đạo luật khả thi”. Ông cho rằng trong dự luật có nhiều điều khoản thiếu tính cụ thể như quy định di dời một số cơ sở giáo dục, bệnh viện, cơ sở kinh tế... ra ngoại thành. Ông cũng cho rằng việc thu phí, xử phạt cao hơn có thể là biện pháp chế tài cứng rắn, nhưng không phải là giải pháp tối ưu. Trong khi tiền lương, tiền công không tăng lên được mà quy định nộp phí cao hơn nơi khác là bất hợp lý.
“Vắng mặt” chính quyền đô thị
“Dự luật cần làm rõ bộ máy chính quyền của thủ đô, phân biệt bộ máy chính quyền thủ đô với địa phương khác. Có làm được như vậy mới rõ được đặc thù của Hà Nội với tư cách một thủ đô” - ông Trần Ngọc Vinh đề nghị. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cũng cho rằng cần làm rõ thủ đô đặt tại Hà Nội hay Hà Nội là thủ đô. “Làm rõ được phạm trù này sẽ dễ dàng trong việc thiết kế nội dung Luật thủ đô. Nếu Hà Nội là thủ đô thì nên nghiên cứu bộ máy hành chính phù hợp, ví dụ người đứng đầu chính quyền TP sẽ là thị trưởng hoặc đô trưởng” - ông Nghĩa nói.
Đồng tình quan điểm trên, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng chính quyền đô thị là yêu cầu rất lớn đối với Hà Nội và các TP lớn khác, ông sẽ thông qua nếu dự luật làm rõ được nội dung này. “Nhiệm kỳ trước tôi đã phát biểu chúng ta cần xây dựng trước Luật đô thị, trên nền tảng ấy chúng ta đặt Luật thủ đô vào” - ông Quốc nói. Theo ông Quốc, đọc cả dự thảo luật chỉ thấy quy định đối với nội thành là chính, trong khi Hà Nội hiện nay được mở ra rất rộng lớn. Ông đề nghị bên cạnh việc điều chỉnh cái lõi phải quy định theo hướng mở rộng ra, xây dựng cơ sở hạ tầng, chính sách tốt để người dân di dời ra các quận huyện ngoại thành. “Hà Nội bây giờ cũng không chỉ có không gian văn hóa Thăng Long xưa, mà còn cả một nền văn hóa có bề dày, rất đáng trân trọng là văn hóa xứ Đoài (Hà Tây cũ). Vì vậy, không chỉ cái lõi văn hóa Thăng Long trong nội thành được bảo vệ mà cả nền văn hóa xứ Đoài cũng phải được bảo vệ” - ông Quốc đề nghị.
Kết thúc phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu hứa sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp thu tối đa những ý kiến đại biểu và sẽ có giải trình thấu đáo trước khi Quốc hội thông qua ngày 21-11.
Ông Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng): Vẫn có giải pháp giảm tập trung dân cư Một số vấn đề dự thảo luật đưa ra có phải thật sự đặc thù của Hà Nội hay vẫn là cái chung của các TP lớn như vấn đề cư trú, ách tắc giao thông, đền bù giải phóng mặt bằng. Nếu cứ để bệnh viện, trường học, công sở, nhà cao tầng... trong nội thành như vậy làm sao giảm được dân cư? Nếu có các giải pháp đồng bộ và quyết liệt để đưa dần các cơ sở nói trên ra ngoại thành thì tự nhiên giảm được dân cư ngay. Khi người ta vì mưu sinh, vì mưu cầu hạnh phúc mà vào nội thành có thu nhập cao hơn thì bằng cách nào người ta vẫn phải vào. Hay nói cách khác ra ngoại thành mà làm việc, học tập, chữa bệnh... - những cái cơ bản của cuộc sống - tốt hơn thì người ta sẵn sàng ra ngoài mà không đợi ai nói cả. Vì vậy, riêng việc quy định điều kiện đăng ký thường trú chặt hơn chỉ là giải pháp tình thế, chưa giải quyết được triệt để. Chúng tôi mong muốn một đạo luật được Quốc hội ban hành phải giải quyết được triệt để hơn. Tính hạn chế thì biện pháp thế nào cho hợp lý, nếu không có thể sau này những biện pháp đề ra thiếu tính khả thi. Ví dụ những đối tượng như người giúp việc, người lao động phổ thông... vẫn sẽ vào sinh sống ở nội thành theo nhu cầu xã hội, dù họ có phải sống ở gầm cầu hay vỉa hè đi chăng nữa. Một vấn đề nữa nhiều đại biểu cũng lưu ý là quy định siết chặt nhập cư, liệu có siết chặt được không hay lại phát sinh tiêu cực trong xã hội? Nói chung, tôi ủng hộ việc thông qua dự án Luật thủ đô, tuy nhiên đề nghị ban soạn thảo cần cân nhắc kỹ hơn một số vấn đề nêu trên. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận