18/05/2020 08:56 GMT+7

Thiếu chỗ ở, người dân dù biết nhà trái phép nhưng vẫn phải mua

D.N.HÀ - T.LONG
D.N.HÀ - T.LONG

TTO - Giá nhà thương mại tăng cao, nhà ở xã hội hiếm và điều kiện mua 'ngặt nghèo' nên người nghèo, người nhập cư đã chọn nhà xây trái phép để có chỗ ở.

Thiếu chỗ ở, người dân dù biết nhà trái phép nhưng vẫn phải mua - Ảnh 1.

Nhiều người vẫn không dễ tiếp cận nhà ở xã hội. Trong ảnh: một khu nhà ở xã hội ở huyện Bình Chánh, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Người dân nghĩ gì khi mua đất và xây nhà trái phép?

Chuyện của người mua nhà xây trái phép

Tháng 5-2020, căn nhà của ông Phan Thành Công ở ấp 4A, xã Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh, TP.HCM) vẫn phải bao tôn phía bên ngoài các bức tường. Vợ chồng ông Công vào TP.HCM lập nghiệp cách đây hơn 10 năm. 

Sau một cơn bạo bệnh, người vợ ở nhà nhận hàng về may gia công và đưa đón con cái đi học hằng ngày. Hai vợ chồng ông Công thuê nhà trọ mỗi tháng 4 triệu đồng nhưng nhà cửa chật chội. Năm 2018, họ về bán miếng đất cha mẹ cho ở quê, cộng với tiền để dành và đến Vĩnh Lộc A mua căn nhà gần 700 triệu đồng.

Ông Công cũng nghe thông tin về nhà trái phép ở khu Vĩnh Lộc bị tháo dỡ, mua bán giấy tay sẽ không được Nhà nước công nhận... Nhưng người bán thì nói khu vực này xây dựng lâu rồi, cả xã Vĩnh Lộc A này đều xây dựng trái phép, có mấy nhà bị dỡ đâu...

Hỏi kỹ, ông Công bật ra một bài tính rất thực tế: "Tôi mua nhà này, nếu ở được vài năm, tích lũy thêm tiền rồi tôi sẽ bán đi lấy tiền mua nhà khác. Nhà nước tháo dỡ tôi cũng còn miếng đất. Nếu để dành tiền thì đến bao giờ vợ chồng tôi mới mua được nhà hợp pháp trong khi nhà, đất đang tăng giá chóng mặt. Vợ chồng tôi không có thu nhập ổn định nên không vay ngân hàng được".

Cạnh nhà ông Công là nhà bà Mến, ông Thái, ông Minh... đều nghèo. Giá nhà, đất hợp pháp quá cao nên họ không còn lựa chọn nào khác trước những lời rao có cánh của đầu nậu. Có người bán tín bán nghi nhưng cũng "nhắm mắt đưa chân" mong gia đình có một chỗ ở ổn định.

Nhà hợp pháp: chờ đề án

Theo danh sách các dự án nhà ở xã hội được Sở Xây dựng báo cáo sẽ hoàn thành trong năm 2020, người viết liên hệ để tìm. Câu trả lời quen thuộc là: dự án hiện chưa triển khai được vì vướng thủ tục. Một vài doanh nghiệp cho biết đã nhận đặt chỗ hết dù dự án... chưa triển khai.

Chuyện 1 triệu chỗ ở cho dân số tăng thêm trong 5 năm đã được lãnh đạo TP.HCM bàn và đưa ra các giải pháp. Sở Xây dựng cũng đặt mục tiêu 20.000 căn hộ nhà ở xã hội đến năm 2020... Nhưng thực tế hiện người thu nhập thấp vẫn khó có một chỗ ở ổn định.

Sở Xây dựng cho biết trong năm 2020 sẽ đôn đốc, hỗ trợ các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân hoàn thành đầu tư dự án. Bên cạnh đó, sở sẽ rà soát quỹ đất 20% diện tích đất dành cho nhà ở xã hội tại các dự án thương mại, khu đô thị mới trên địa bàn TP để tăng nguồn quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội. 

Trong năm 2020, sở sẽ hoàn thành đề án "Giải pháp phát triển nhà ở đáp ứng gia tăng dân số 1 triệu người sau 5 năm tại TP.HCM giai đoạn 2020 - 2025". Đề án này sẽ có những giải pháp và đề xuất những chính sách cụ thể để xây dựng nhà ở cho người dân...

Quá nhiều ràng buộc, dân khó đáp ứng

Một chuyên gia về chính sách cho rằng điều kiện mua nhà ở xã hội có quá nhiều ràng buộc: buộc người mua nhà ở xã hội phải chứng minh thu nhập mới được vay vốn nhưng phần lớn người thu nhập thấp có công việc tự do, không chứng minh được nguồn thu nhập ổn định. Yêu cầu phải có đăng ký thường trú, hoặc cư trú trên 1 năm tại địa phương cũng là một cản trở cho người thu nhập thấp.

Bên cạnh đó, nguồn đất dành cho nhà ở xã hội hiện nay rất khó tiếp cận. Doanh nghiệp thỏa thuận mua được đất rất khó nên đa số để làm nhà ở thương mại chứ ít mặn mà làm nhà ở xã hội do lợi nhuận thấp, điều kiện bán khó khăn. Bên cạnh đó, giá nhà, đất những năm gần đây tăng quá nhanh nên cơ hội mua nhà ngày càng khó. "Không có nhà ở giá rẻ hợp pháp thì người dân tìm đến nhà xây dựng trái phép" - vị chuyên gia này phân tích.

Quận Thủ Đức chưa xử lý dứt điểm 364 công trình xây dựng trái phép Quận Thủ Đức chưa xử lý dứt điểm 364 công trình xây dựng trái phép

TTO - Trên địa bàn quận Thủ Đức hiện còn tồn 364 trường hợp xây dựng trái phép chưa được xử lý dứt điểm, trong đó có 141 nhà ở riêng lẻ xây dựng không phép.

D.N.HÀ - T.LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên