Chiều 17-4, Phòng cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PC07) Công an TP.HCM tổ chức hội nghị hướng dẫn các giải pháp tháo gỡ, khắc phục những tồn tại, vướng mắc về phòng cháy chữa cháy (PCCC) trong hoạt động đầu tư xây dựng.
Tham dự hội nghị có hơn 300 đại diện các đơn vị tư vấn, thiết kế xây dựng trong lĩnh vực PCCC.
2/3 số cơ sở kinh doanh phòng cháy chữa cháy không đạt điều kiện
Tại hội nghị, đại tá Huỳnh Quang Tâm - trưởng Phòng PC07 - cho biết hiện tại trên địa bàn TP.HCM có khoảng 981 doanh nghiệp đang hoạt động tư vấn, thiết kế, thi công, kinh doanh trong lĩnh vực PCCC.
Tuy nhiên, qua kiểm tra của Phòng PC07 thì số cơ sở đảm bảo điều kiện kinh doanh PCCC hiện chỉ có 267 cơ sở (tỉ lệ 27,22%), số cơ sở không hoạt động tại địa chỉ đăng ký (không liên lạc được) là 51 (tỉ lệ 5,2%), số cơ sở không đảm bảo điều kiện là 663 (tỉ lệ 67,58%).
Theo đại tá Huỳnh Quang Tâm, trên cơ sở thống kê 329 hồ sơ thẩm duyệt thiết kế, 67 hồ sơ nghiệm thu về PCCC nộp qua cổng dịch vụ công Bộ Công an, Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ (C07) phát hiện khoảng 40% hồ sơ nộp lần đầu thiết kế không đạt yêu cầu của tiêu chuẩn quy định cơ quan cảnh sát PCCC, phải hướng dẫn chủ đầu tư khắc phục và phải nộp nhiều lần tiếp theo.
Những lần tiếp theo đó khoảng 30% hồ sơ đã khắc phục các kiến nghị của cơ quan công an, cấp giấy chứng nhận thẩm duyệt.
70% hồ sơ còn lại đã khắc phục một phần hoặc đầy đủ các kiến nghị của cơ quan công an nhưng phát sinh các lỗi khác, chưa đủ điều kiện để cấp giấy chứng nhận thẩm duyệt. Hoặc hồ sơ phát sinh lỗi mới do chủ đầu tư thay đổi phương án thiết kế, không có hồ sơ phát sinh lỗi do công an chưa kiến nghị đầy đủ tại lần thẩm duyệt trước.
"Quy định về phòng cháy chữa cháy thay đổi liên tục, theo không kịp"
Qua phân tích cho thấy nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc hồ sơ phải nộp lại nhiều lần có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan.
Cụ thể như năng lực thiết kế của chủ đầu tư và đơn vị tư vấn, thiết kế còn hạn chế, chưa kịp thời cập nhật các quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC, cách hiểu và vận dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn chưa đúng.
Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân chủ đầu tư phó mặc trách nhiệm, ủy quyền, thậm chí "khoán trắng" cho các đơn vị tư vấn thiết kế.
Chủ đầu tư thiếu kiểm tra, đôn đốc quá trình thực hiện dẫn đến không kịp thời nắm bắt và chỉ đạo khắc phục các hạn chế, thiếu sót trong thiết kế dự án, công trình đã được công an chỉ ra.
Cá biệt còn tình trạng chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, thiết kế vẫn mang tư tưởng xin - cho phép áp dụng một số giải pháp thay thế nhằm mục đích giảm chi phí khi thi công, thẩm mỹ cho công trình hoặc một số lý do khác nhưng không bảo đảm theo quy định của quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành.
Từ đó dẫn đến một số tồn tại chủ yếu như: chưa cập nhật quy chuẩn, tiêu chuẩn mới mà vẫn áp dụng các tiêu chuẩn cũ đã hết hiệu lực thi hành, đối với công trình có sử dụng tiêu chuẩn nước ngoài để thiết kế về PCCC; không thực hiện việc chấp thuận áp dụng tiêu chuẩn nước ngoài trước khi thẩm duyệt…
Tại hội nghị, PC07 đề nghị các đơn vị, doanh nghiệp tư vấn, thiết kế, thi công, kinh doanh trong lĩnh vực PCCC nghiên cứu, khắc phục những tồn tại, nguyên nhân mà Cục C07 đã chỉ ra để cùng thực hiện tốt trong thời gian tới.
Bà Lê Bích Trang - giám đốc Công ty Hoàng Quân Phát (chuyên tư vấn, thiết kế xây dựng về lĩnh vực PCCC), cho biết các quy định về PCCC thay đổi liên tục khiến đơn vị tư vấn, thiết kế không theo kịp.
Theo bà, các đơn vị kinh doanh phải được tập huấn, hướng dẫn chi tiết bằng các văn bản mới có thể nắm được và tư vấn lại cho chủ đầu tư.
Khi các quy chuẩn, tiêu chuẩn mới được áp dụng, các đơn vị tư vấn cần có lộ trình để hiểu rõ mà áp dụng, không lúng túng trong việc thực hiện.
"Quy định thay đổi gấp gáp làm cho doanh nghiệp trở tay không kịp, không biết áp dụng như thế nào, làm sao cho đúng, tư vấn cho chủ đầu tư ra sao cho đúng quy định.
Ví dụ công trình mới áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn như thế nào? Công trình cũ, hiện hữu áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn gì? Những công trình hiện hữu phải phân định rõ từ năm nào, những phần nào phải làm mới, những phần nào phải xây dựng lại", bà Trang nêu ý kiến.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận