Hàng loạt phòng khám với dịch vụ chủ yếu là xét nghiệm máu, phòng khám nha khoa, thậm chí nhiều khách sạn... trên địa bàn TP.HCM sẽ phải đóng cửa nếu áp theo quy định mới về phòng cháy chữa cháy, trong đó có những yêu cầu không thể đáp ứng được.
Đóng cửa phòng khám vì phòng cháy chữa cháy
Đầu năm 2023, ông Bùi T.C., chủ một tòa nhà cho thuê làm phòng khám (gồm 7 tầng lầu và 1 tầng hầm) tại quận 3, TP.HCM (được đưa vào hoạt động từ năm 2009 và đáp ứng đầy đủ các quy định về phòng cháy chữa cháy), bất ngờ được phía thuê tòa nhà thông báo là sẽ thanh lý hợp đồng trước hạn, đóng cửa phòng khám với lý do tòa nhà này không thỏa điều kiện về phòng cháy chữa cháy theo quy định mới.
"Nhiều đối tác muốn thuê nhưng bị vướng phòng cháy chữa cháy nên tôi vẫn để trống đó", ông C. nói và cho hay ngoài hệ thống thang máy, tòa nhà có thêm thang bộ và được lắp đặt hệ thống phòng cháy chữa cháy hiện đại. Tuy nhiên, theo quy định mới, tòa nhà phải được xây thêm một cầu thang riêng biệt dùng để thoát hiểm khi sự cố cháy xảy ra, với các điều kiện về khoảng cách, vật liệu chống cháy rất phức tạp.
"Điều đáng nói là sau khi xem xong bản vẽ tòa nhà, cơ quan phòng cháy chữa cháy cũng thừa nhận không còn chỗ để xây thêm một cầu thang nữa. Nếu xây thêm cầu thang thoát hiểm ở cửa chính, sẽ cản trở việc ra vào, đồng thời ảnh hưởng mỹ quan đô thị", ông C. nói.
Trao đổi với chúng tôi, ông H., chủ của một chuỗi phòng khám tại TP.HCM (cũng là người thuê tòa nhà của ông Bùi T.C.), cho biết hệ thống phòng khám đã phải thanh lý trước hạn, đóng cửa tới ba phòng khám với lý do tương tự. Theo ông H., nhiều quy định phòng cháy chữa cháy chưa phù hợp với đặc trưng của các đô thị lớn, cũng không phù hợp với nhiều lĩnh vực dịch vụ có rất ít nguy cơ về cháy nổ.
Chẳng hạn, việc thuê nhà để mở phòng khám, chủ yếu xét nghiệm máu và siêu âm, chứ không phải khám chữa bệnh, cũng không có giường bệnh để bệnh nhân ở lại điều trị lâu ngày. Tại các phòng khám cũng không sử dụng bếp lửa và các đồ nấu ăn, cũng không dùng xốp cách âm dễ bắt lửa như các quán karaoke.
"Các quy định về phòng cháy chữa cháy cần sát thực tế, phù hợp với từng ngành nghề, ngành nghề nào ít có nguy cơ gây ra hỏa hoạn thì không nhất thiết phải làm thêm cầu thang thoát hiểm, trong khi họ đã có cầu thang bộ, có ban công, có lắp hệ thống phòng cháy chữa cháy hiện đại. Không thể rập khuôn, làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, gây thất thu ngân sách", ông H. nói.
Cào bằng quy mô, loại hình hoạt động
Đang xây dựng một khách sạn 3 tầng, ông L.H.H. (quận Bình Thạnh) cho hay đang đau đầu để bố trí hệ thống phòng cháy chữa cháy theo quy định mới, với chi phí rất cao. Theo quy định mới về phòng cháy chữa cháy, công trình phải có bồn chứa nước 100 - 400m3, có một không gian thoát hiểm khi xảy ra hỏa hoạn. Vật liệu được quy định là chống cháy 48 tiếng...
Ngoài ra, phải lắp một quạt hút không khí vào khu vực thoát hiểm. "Quy định này có thể phù hợp với các tòa nhà cao từ 10 - 20 tầng, chứ khách sạn 3 tầng mà cũng phải đáp ứng là không phù hợp, bởi khi xảy ra cháy, chỉ 1 - 2 phút là ra khỏi khách sạn nếu làm tốt hệ thống báo động", ông nói.
Ông Nguyễn Ngô Long, chủ tịch hội đồng quản trị Công ty TNHH cơ khí N.L. (TP Thủ Đức), cũng cho biết việc đáp ứng được quy định phòng cháy chữa cháy rất khó, thậm chí doanh nghiệp không đủ tiền đầu tư. Bởi với cơ sở nằm ở trong khu đô thị với diện tích nhỏ hẹp, làm theo yêu cầu của phòng cháy chữa cháy chỉ có thể đóng cửa.
Theo ông Nguyễn Lê Quốc Tuấn - giám đốc Công ty Sông Hương Foods (TP.HCM), nếu áp dụng quy định mới về phòng cháy chữa cháy, doanh nghiệp gần như sẽ bỏ đi cái cũ và phải đầu tư thêm số tiền rất lớn để làm lại công trình.
"Những năm qua, cơ quan phòng cháy chữa cháy luôn đi kiểm tra và đều đánh giá hệ thống phòng cháy chữa cháy của chúng tôi đủ điều kiện. Nếu bây giờ phải đầu tư hệ thống phòng cháy chữa cháy mới, doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là trong bối cảnh doanh nghiệp đang kiệt quệ như hiện nay", ông Tuấn khẳng định.
Một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ tại TP.HCM cho rằng quy định phòng cháy chữa cháy mới hiện nay khá giống các nước châu Âu, thay đổi gần như hoàn toàn, trong khi nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khi doanh thu chạm đáy. Vị này kỳ vọng trong bối cảnh khó khăn hiện nay, nên tránh những quy định thêm khó cho doanh nghiệp.
Cần hoãn thực hiện quy định mới về phòng cháy chữa cháy
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Kiều Huỳnh Sơn, phó chủ tịch thường trực Hội Cơ khí - Điện TP.HCM, cho biết cần phải hoãn áp dụng những quy định phòng cháy chữa cháy mới hoặc sớm xem xét điều chỉnh, phân loại phạm vi áp dụng cho phù hợp.
Theo ông Sơn, mỗi lĩnh vực, khu vực đều có đặc thù riêng. Chẳng hạn, những kho chứa vật liệu xây dựng, nông sản... không đến mức bức thiết phải làm hệ thống thông gió, khí khắt khe như quy định mới.
"Những lĩnh vực mang tính cấp thiết, dễ gặp rủi ro về cháy nổ như xăng dầu, karaoke, kho chứa vật liệu dễ cháy nổ... có thể xem xét áp dụng, còn lại những lĩnh vực khác, rủi ro về cháy nổ không cao... thì phải tính toán, sửa đổi quy định cho phù hợp", ông Sơn đề nghị.
Doanh nghiệp bức xúc, mệt mỏi
Theo đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp TP Thủ Đức, việc gặp khó với quy định phòng cháy chữa cháy mới khiến các doanh nghiệp không có giấy chứng nhận phòng cháy chữa cháy nên không đủ cơ sở pháp lý, hồ sơ để xây dựng.
Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cũng cho biết nhiều doanh nghiệp trên địa bàn đang rất bức xúc, mệt mỏi vì vướng các quy định phòng cháy chữa cháy, trong đó phổ biến nhất quy định về diện tích, xây dựng cầu thang thoát hiểm, vật liệu xây dựng và sơn chống cháy...
"Chúng tôi sẽ sớm tổng hợp các ý kiến của doanh nghiệp để kiến nghị lên Nhà nước nhằm tìm giải pháp tháo gỡ. Nếu để quy định phòng cháy chữa cháy gây ảnh hưởng lớn đến cộng đồng doanh nghiệp như hiện nay sẽ gây hại cho cả nền kinh tế", vị này nói.
Công trình dân dụng cũng gặp khó
Không chỉ lo thủ tục cấp phép kéo dài, chi phí tăng gấp đôi mà nhiều doanh nghiệp cảnh báo không ít công trình có thể phải đập đi xây lại.
Ông D.Th., chủ đầu tư một dự án khách sạn 5 sao tại TP Lào Cai, cho biết đã trình hồ sơ đề nghị thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy chữa cháy cho tòa nhà khách sạn từ năm 2019. Đến nay việc xây dựng khách sạn đã cơ bản hoàn thành nhưng thủ tục về phòng cháy chữa cháy của dự án vẫn chưa xong.
"Hoa mắt" với các quy định mới
Theo ông D.Th., thủ tục phê duyệt an toàn phòng cháy chữa cháy của dự án từ chuyện nhỏ, đơn giản đến chuyện lớn đều kẹt cả. Điều đáng nói là có những tiêu chuẩn, điều kiện doanh nghiệp không thể khắc phục.
Trước đó, doanh nghiệp này được Phòng cảnh sát phòng cháy chữa cháy & cứu nạn cứu hộ tỉnh Lào Cai đưa ra một danh sách quy định mới về phòng cháy chữa cháy phải tuân thủ.
Trong đó, vật liệu xây dựng phải đáp ứng các tiêu chí về chống cháy nhưng việc giải thích các tiêu chí và làm thế nào để đạt tiêu chí lại không có hướng dẫn chi tiết, thậm chí không làm được trên thực tế.
"Chẳng hạn, chủ công trình phải sử dụng vật liệu có độ chống cháy là 45 phút hay 60 phút. Nhưng để đi thử nghiệm và khẳng định được vật liệu đạt quy định này có quá nhiều bất cập, tốn kém. Nếu chủ đầu tư không may xây dựng bằng vật liệu không đạt tiêu chuẩn chống cháy, chỉ có cách đập đi làm lại", ông D.Th. nêu.
Đốt cửa chống cháy để kiểm định?
Ông Nguyễn Duy Mạnh, một chủ thầu xây dựng tại Hà Nội, cho rằng ngay cả trong trường hợp chủ công trình biết là mình sử dụng vật liệu bảo đảm quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy thì lúc làm thủ tục nghiệm thu phòng cháy chữa cháy công trình vẫn phải đi thí nghiệm lại để khẳng định đạt tiêu chuẩn.
Ví dụ như cửa chống cháy, Công ty T.H. (Hà Nội) chuyên sản xuất cửa chống cháy, đã được Nhà nước cấp phép đạt chuẩn, muốn kiểm định đáng lẽ phải kiểm định tại công ty này.
"Tuy nhiên, quy định mới yêu cầu kiểm tra tại công trình, nên cửa chống cháy đó khi gắn ở công trình A, B, C chỉ có thể được chứng minh bằng cách đem đi đốt rồi ra kết quả kiểm định?
Như vậy 1.000 công trình sử dụng cửa chống cháy hiện nay phải được lấy 1.000 mẫu đi thí nghiệm để ra 1.000 tờ giấy chứng nhận cửa của công trình đạt chuẩn? Quá nhiều bất cập, quá nhiều tốn kém và quá lâu", ông Mạnh nói.
Cũng theo ông Mạnh, hầu hết các nhà sản xuất cửa chống cháy đều đưa ra giấy chứng nhận xuất xứ và chất lượng hàng hóa khẳng định luôn cửa chống cháy chịu lửa bao nhiêu phút.
Nhưng các tiêu chuẩn, hướng dẫn về phòng cháy chữa cháy công trình yêu cầu cửa chống cháy đặt cho công trình nào, gắn ở vị trí nào, theo từng kích cỡ phải được kiểm định riêng.
"Điều này sẽ phát sinh rắc rối là nếu công trình khách sạn đặt 100 cửa chống cháy cùng kích cỡ tốn 200 triệu đồng chi phí kiểm định một mẫu cửa, nhưng vì lý do nào đó chủ dự án đặt thiếu 1 cái cửa chống cháy của công trình, họ sẽ phải đặt nhà sản xuất cung cấp thêm 2 cái, rồi đem đi đốt 1 cái để lấy mẫu kiểm định và tốn thêm khoảng 200 triệu đồng, trong khi giá mua một cái cửa chống cháy từ nhà sản xuất chỉ khoảng 20 triệu đồng", ông Mạnh nói.
BẢO NGỌC
Không khéo phải đập đi xây lại
Theo ông D.Th., với công trình khách sạn 5 sao đang xây dựng của ông tại TP Lào Cai, có diện tích sàn khoảng 20.000m2 thì chi phí phòng cháy chữa cháy dự toán ban đầu khoảng 20 tỉ đồng, nhưng nay để tuân thủ quy định mới thì chi phí tăng lên khoảng 40 tỉ đồng. Nhiều hạng mục công trình phải đập đi làm lại hoặc bổ sung thêm.
Cũng theo ông D.Th., không chỉ công trình khách sạn mà ngay cả các công trình trường học nếu áp dụng quy định mới về phòng cháy chữa cháy thì chi phí riêng cho phòng cháy chữa cháy có thể lên tới 30% tổng vốn đầu tư, xây 100 tỉ đồng có thể cần 30 tỉ đồng cho phòng cháy chữa cháy. Đây là nỗi lo của nhiều chủ dự án vì vừa tốn kém, vừa vướng mắc thủ tục.
Thủ tướng Phạm Minh Chính:
Phòng cháy chữa cháy phải phù hợp với thực tế
Tại buổi làm việc của Thường trực Chính phủ với Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM sáng 16-4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề nghị đại diện Bộ Công an nói rõ vấn đề về quy chuẩn, tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy nổi lên vừa qua.
Trung tướng Lê Quốc Hùng, thứ trưởng Bộ Công an, cho biết việc đưa ra quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy là cần thiết. Khi đưa ra, các cơ quan cũng so sánh quy chuẩn, tiêu chuẩn của các nước. Từ đó tính toán lựa chọn quy định phù hợp với điều kiện Việt Nam, cũng như phù hợp tốc độ, trình độ phát triển kinh tế thị trường hiện nay.
"Bộ Công an chỉ triển khai thực hiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn chuyên ngành, còn các quy chuẩn, tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy liên ngành do các bộ khác. Chúng tôi thường xuyên rà soát và kiến nghị các bộ có sự điều chỉnh, thay đổi các tiêu chuẩn, quy chuẩn quá cũ, lạc hậu.
Ví dụ hai tiêu chuẩn TCVN 2622:1995 và TCVN 4513:1988 của Bộ Khoa học và Công nghệ, qua rất nhiều lần kiến nghị nhưng chưa được sửa. Nếu áp các tiêu chuẩn này vào giống như trên trời rơi xuống, doanh nghiệp kêu là phải", ông Hùng nói.
Thời gian tới, ông Hùng cho biết sẽ tiếp tục rà soát để các quy chuẩn, tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy phù hợp nhất với điều kiện kinh tế, không trở thành vật cản cho phát triển.
Tuy nhiên, ông cũng khẳng định: "Không phải vì phát triển kinh tế mà hạ thấp các tiêu chuẩn liên quan đến an toàn tính mạng và tài sản của người dân. Phải đặt tính mạng và tài sản người dân lên trước hết...".
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo có biện pháp tháo gỡ khó khăn về phòng cháy chữa cháy, cũng như việc tổ chức thực hiện phòng cháy chữa cháy sao cho phù hợp với tình hình thực tế.
TIẾN LONG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận