02/10/2015 15:15 GMT+7

Thiền và tĩnh ở "Thích khách Nhiếp Ẩn Nương"

BÙI DŨNG
BÙI DŨNG

TTO - Cách đón nhận trái chiều Thích khách Nhiếp Ẩn Nương - bộ phim thiền tĩnh, đậm đà phong vị phương Đông - phần nào bộc lộ thị hiếu và tâm thế xã hội hôm nay.

Cảnh trong Thích khách Nhiếp Ẩn Nương 

Thích khách Nhiếp Ẩn Nương (The Assassin) được đề cử Cảnh cọ vàng và mang về giải Đạo diễn xuất sắc nhất tại LHP Cannes 2015 cho Hầu Hiếu Hiền - một trong những đại diện tiêu biểu của trào lưu điện ảnh làn sóng mới ở Đài Loan bắt đầu từ những năm 1980.

Tác phẩm này cũng vừa được công bố trở thành đại diện cho điện ảnh Đài Loan dự tranh Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất ở Oscar 2016. 

Hầu Hiếu Hiền làm gần 20 phim nhưng nếu để nói một điều đơn giản về phim của ông thì đó là những tác phẩm như những cuộc chơi đầy tính thách đố với khán giả, kể cả đối tượng là “cinephile” (người yêu điện ảnh). Với The Assassin, bộ phim đầu tiên của Hầu Hiếu Hiền có mặt tại rạp chiếu Việt Nam, nhiều khán giả bộc lộ sự “bất lực” khi xem không phải chuyện khó hiểu.

Khi đưa một bộ phim nghệ thuật, nặng dấu ấn cá nhân thế này ra rạp, nhà phát hành đứng nhiều khả năng phim sẽ “ế khách”. Nhưng nếu rạp chiếu chỉ có một vài kiểu phim thì đó là điều thiệt thòi cho nhu cầu thưởng thức nghệ thuật đa dạng của công chúng, đồng thời là sự thiếu hụt, mất cân bằng với một nền điện ảnh.

Trong khi ở đây The Assassin là một tác phẩm điện ảnh sáng tạo.

Nhà làm phim Đài Loan không mang lối kể chuyện theo cách thông dụng, chiều chuộng người xem, khác Ngọa hổ tàng long của Lý An, Anh hùng hay Thập diện mai phục của Trương Nghệ Mưu… "dễ xem hơn".

Thích khách Nhiếp Ẩn Nương có yếu tố “kiếm hiệp”, thậm chí có cả “kỳ tình” nhưng cả hai điều này không được thể hiện đậm đặc và đều được Hầu Hiếu Hiền “thi triển” bằng ngôn ngữ giản lược, ước lệ kiểu kịch Noh.

Cảnh pha nước tắm, cài trâm, vấn tóc, chơi đùa… hay một góc quay rộng khung cảnh thiên nhiên được miêu tả chậm chạp, “dừng hình” với thời lượng lâu hơn nhiều so với cảnh hành động vốn đã ngắn lại hay “bị” ngắt đột ngột.

Yếu tố gây chú ý đầu tiên của The Assassin là sự tái hợp sau mười năm của Hầu Hiếu Hiền với hai diễn viên ruột là Thư Kỳ và Trương Chấn. Mười năm trước, Tối hảo đích thì quang (Three times) mang đến thành công vang dội cho bộ ba này, riêng Thư Kỳ được trao giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất tại LHP Kim Mã, tạo bàn đạp đưa cô lên hàng ngôi sao thế giới. 

Đến The Assassin, đây trước hết cũng là câu chuyện tình yêu, có nhiều góc quay, lối thể hiện mang phong cách riêng của tác giả. Hình ảnh trong phim giàu ý tứ, ví dụ cảnh quay cuộc nói chuyện qua tấm rèm phất phơ, cảnh đạo cô đứng trên đỉnh núi chạm vào mây trắng… Lời thoại trong phim thưa thớt nhưng dồn nén.

Việc tập trung “giải mã” cho mỗi khuôn hình, tình tiết, các đoạn nhạc, vật dụng biểu trưng, chuyển động của các nhân vật sẽ giúp nhìn ra logic phim, phát hiện cái hay, cái lạ.

Từ đó, người xem có thể “đọc” được tình yêu, tâm hồn và cả tâm địa của các nhân vật từ tiếng đàn nguyệt, từ điệu múa, hay từ câu chuyện về con chim thanh loan quên hót, một ngày được thả thấy mình trong gương liền nhảy múa điên dại, rồi đâm đầu vào gương mà chết bi thảm…

Hầu hết những tác phẩm điện ảnh của Hầu Hiếu Hiền đều đạt đến cấp độ thẩm mỹ cao. Ở The Assassin, mỗi khuôn hình là một bức tranh đẹp từ màu sắc, bố cục đến ánh sáng. Âm nhạc cũng rất tinh tuyển. 

The Assassin mang nhiều hàm ý về mối quan hệ giữa các vùng lãnh thổ và đại lục (trong phim là vùng Ngụy Bác ở phía Bắc và triều đại cuối đời nhà Đường thế kỷ thứ 9). Phần nổi của bộ phim là câu chuyện về tình yêu, nỗi cô đơn và cuộc sống giản dị, yên bình vẫn lặng lẽ nảy nụ, đơm chồi bên ngoài chốn vương quyền.

BÙI DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên