31/12/2023 16:27 GMT+7

Thiền sư Liễu Quán có vị trí đặc biệt trong lịch sử Phật giáo Việt Nam

Thiền sư Liễu Quán (1667-1742) có vị trí đặc biệt trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, với sức sống và ảnh hưởng sâu rộng đến Phật giáo nước nhà.

Đông đảo tăng ni tham dự lễ tảo tháp thiền sư Liễu Quán tại khu vực núi Thiên Thai, phường An Tây, TP Huế - Ảnh: ĐẠI NỘI

Đông đảo tăng ni tham dự lễ tảo tháp thiền sư Liễu Quán tại khu vực núi Thiên Thai, phường An Tây, TP Huế - Ảnh: ĐẠI NỘI

Đây là nhận định được Trưởng lão hòa thượng Thích Trí Quảng, pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam, viết trong bức thư gửi đến hội thảo khoa học "Thiền phái Liễu Quán: Lịch sử hình thành và phát triển".

Thiền sư Liễu Quán là vị sơ tổ của Thiền phái Liễu Quán - một dòng thiền thuần Việt ra đời vào đầu thế kỷ XVIII tại Đàng Trong. 

Sau khi thiền sư viên tịch, chúa Nguyễn Phúc Khoát đã ban chiếu sắc lập bia và ban thụy hiệu là "Chính Giác - Viên Ngộ Hòa Thượng".

Đạo phong và công hạnh của thiền sư không chỉ được hầu hết mọi tầng lớp xã hội đương thời, từ vương hầu khanh tướng đến tăng tín đồ quy ngưỡng, mà trong hơn 300 năm qua, nguồn mạch thiền phái này vẫn phát triển và có nhiều đóng góp quan trọng trong lịch sử Phật giáo Việt Nam.

Theo Trưởng lão hòa thượng Thích Trí Quảng, chính sự tu hành đắc đạo của Thiền sư Liễu Quán đã đem lại tầm nhìn sâu rộng, có ảnh hưởng với cả giới lãnh đạo cho đến mọi tầng lớp nhân dân.

Còn hòa thượng Thích Hải Ấn, viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế, cho rằng nếu Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử do Phật hoàng Trần Nhân Tông khai lập là dòng thiền thứ nhất của Việt Nam thì Thiền phái Liễu Quán là dòng thiền Việt thứ hai của dân tộc.

Điều đặc biệt, sự truyền thừa của dòng thiền này đã được liên tục tiếp nối và phát triển theo cùng bước chân Nam tiến, mở mang bờ cõi của đất nước.

Cũng từ dòng thiền này, các bậc tổ sư, cao tăng, cư sĩ phật tử đã dấn thân trong sự nghiệp phụng sự đạo pháp và dân tộc, nổi bật là phong trào chấn hưng Phật giáo, góp phần tạo nên sự phát triển của Phật giáo Việt Nam thời hiện đại.

Hòa thượng Thích Hải Ấn cho biết thêm Thiền phái Liễu Quán đến nay đã phát triển rộng khắp mọi miền đất nước, lan tỏa đến cả nhiều vùng đất ở nước ngoài, với hàng ngàn ngôi chùa và hàng triệu môn đồ tăng ni và phật tử.

Thế nhưng vì nhiều lý do, đây là lần đầu tiên hội thảo về Thiền phái Liễu Quán được tổ chức.

Hội thảo khoa học "Thiền phái Liễu Quán: Lịch sử hình thành và phát triển" diễn ra tại Học viện Phật giáo Việt Nam ở Huế (phường An Tây, TP Huế), do Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế phối hợp với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Viện Nghiên cứu tôn giáo và Đại học Huế tổ chức, nhân tưởng niệm 281 năm Thiền sư Liễu Quán viên tịch (1742-2023).

Hàng trăm quan khách, tăng ni, học giả nghiên cứu… đã có mặt tại hội thảo.

Triển lãm Bảo đạc trường minh kể chuyện thiền phái Liễu QuánTriển lãm Bảo đạc trường minh kể chuyện Thiền phái Liễu Quán

Hàng trăm tư liệu quý giá liên quan đến Thiền phái Liễu Quán được giới thiệu đến người yêu Phật giáo ở Huế trong triển lãm Bảo đạc trường minh.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên