20/05/2022 08:45 GMT+7

Ra mắt sách Ân tình kể về hành trình tu học cùng thiền sư Thích Nhất Hạnh

TRẦN MẶC
TRẦN MẶC

TTO - Trong Ân tình, ngoài lòng biết ơn Mẹ của một người con, lòng thương kính Thầy của người học đạo, tác giả Thích Chân Pháp Nguyện còn dành nhiều trang viết cho người trẻ với một cái nhìn trực diện, thấu hiểu và thương yêu.

Ra mắt sách Ân tình kể về hành trình tu học cùng thiền sư Thích Nhất Hạnh - Ảnh 1.

Tác giả Thích Chân Pháp Nguyện ký tặng sách cho độc giả - Ảnh: TRẦN MẶC

Cuốn sách Ân tình - Tu học theo con đường của thiền sư Thích Nhất Hạnh - Hành trang nuôi lớn chúng ta trong mạch pháp vừa ra mắt độc giả vào tối 19-5 tại khu du lịch Văn Thánh (quận Bình Thạnh, TP.HCM).

Trở về tiếp xúc với nội tâm

Buổi lễ đặt tại một không gian mang đậm văn hóa Việt với kiến trúc hình nón lá. Cũng tại nơi này, cách đây 15 năm, thiền sư Thích Nhất Hạnh đã từng có buổi trò chuyện trước hàng trăm doanh nhân. Vì vậy mà người học trò thân cận, có 6 năm làm thị giả gần gũi thiền sư đã chọn nơi này để ra mắt cuốn sách đầu tay.

Ra mắt sách Ân tình kể về hành trình tu học cùng thiền sư Thích Nhất Hạnh - Ảnh 2.

Chân dung của thiền sư Thích Nhất Hạnh tại buổi ra mắt sách Ân tình - Ảnh: TÂM AN VUI

Ở giữa sảnh đường là bức chân dung của thiền sư Thích Nhất Hạnh được đặt cạnh những đóa sen. Bởi lẽ "Ân tình" - nhan đề của tập sách - cũng là để bày tỏ lòng biết ơn với sư ông Làng Mai, người đã giúp tác giả tìm ra được lý tưởng của đời mình: lý tưởng thương yêu.

Ân tình không chỉ là những câu chuyện biểu lộ lòng yêu kính của một người học trò dành cho người thầy, những kỷ niệm trong các chuyến hoằng pháp từ Đông sang Tây cùng thiền sư Thích Nhất Hạnh, mà còn là những ghi chép về hành trình tìm kiếm đường hướng tâm linh, những kinh nghiệm tu học; qua đó, người đọc hiểu hơn về sinh hoạt và tu tập của tăng thân Làng Mai, và hơn nữa, được tiếp cận chân dung thiền sư Thích Nhất Hạnh ở một góc nhìn gần gũi.

Tâm linh ở đây, theo tác giả, không phải là tôn giáo, mà là biết cách trở về tiếp xúc với nội tâm của mình, biết cách làm lắng dịu những cảm xúc bất an, biết ôm ấp và chuyển hóa những niềm đau, nỗi khổ.

Ra mắt sách Ân tình kể về hành trình tu học cùng thiền sư Thích Nhất Hạnh - Ảnh 3.

Quyển sách Ân tình là những câu chuyện về hành trình tu học của thầy Thích Chân Pháp Nguyện trong suốt 14 năm - Ảnh: TRẦN MẶC

Mong người trẻ sống quân bình

Trả lời câu hỏi của doanh nhân Lê Bá Thông - diễn giả của chương trình, tác giả Thích Chân Pháp Nguyện cho biết ông dành nhiều chú ý cho người trẻ cũng vì muốn tiếp nối lý tưởng của thầy mình, bởi sinh thời, thiền sư Thích Nhất Hạnh rất quan tâm tới người trẻ - những người sẽ là chủ nhân tương lai của đất nước.

"Tôi thường liên tưởng người trẻ với hai hình ảnh: Thác nước và Mặt trăng. Mặt trăng tượng trưng cho sự tươi mát, hồn nhiên. Thác nước tượng trưng cho sự vội vàng. Tôi đã sống như một thác nước cho đến khi gặp được sư ông Làng Mai. Lúc đó, thác nước mới biết đi chậm lại, đi như một dòng sông" - tác giả chia sẻ.

Ra mắt sách Ân tình kể về hành trình tu học cùng thiền sư Thích Nhất Hạnh - Ảnh 4.

Sư thầy Thích Chân Pháp Nguyện trò chuyện trong buổi ra mắt sách Ân tình - Ảnh: TRẦN MẶC

Trong quyển sách của mình, Thích Chân Pháp Nguyện không né tránh hay bỏ mặc những vấn đề nhạy cảm mà giới trẻ gặp phải, từ tình yêu, xu hướng tính dục, cho đến tình dục, bệnh tật và cái chết,… mỗi vấn đề đều được tác giả tiếp cận và đưa ra giải pháp theo những chiêm nghiệm của mình.

Bởi lẽ trước khi xuất gia, chính sư thầy cũng từng là một người trẻ, một chuyên viên tài chính thành đạt trên đất Mỹ. Mê mải làm việc kiếm tiền mua xe mua nhà, nhưng có được của cải vật chất đủ đầy vẫn thấy hoang vu trong tâm thức. Để đến một ngày, đặt chân đến Làng Mai, sự yên bình và tự tại trong tâm thức lần đầu được tìm thấy.

Hạnh phúc trực nhận được khi thực tập pháp môn Làng Mai cho người thanh niên ở tuổi 30 biết xuất gia chính là con đường mình sẽ đi để trả lời cho vấn đề mình băn khoăn lâu nay: Phải có con đường nào đó để người trẻ sống hạnh phúc mà không phải là "con đường vật chất".

Nhắn nhủ với nhiều người trẻ trong gần 400 người có mặt tại buổi ra mắt sách, thầy Pháp Nguyện nói cuộc đời rất quý giá và mầu nhiệm, mong những người trẻ thay vì vội vã như thác nước, hãy tập sống chậm lại để thưởng thức những điều tồn tại xung quanh.

Bởi vì khi "chạy", con người sẽ dễ dàng đánh mất sự sống và những gì đang có, không có mặt trọn vẹn với cả những người thương yêu đang bên cạnh mình.

Tác giả cũng chia sẻ người trẻ cần tập sống quân bình cuộc sống của mình. Tuổi trẻ nhiều năng lượng và ý tưởng. Một ý tưởng lành mạnh có thể giúp được rất nhiều cho bản thân và mọi người. Năng lượng cũng thế, và nếu không biết cách gìn giữ và chuyển hóa, những năng lượng thừa sẽ trở thành những năng lượng tiêu cực.

Tác giả cũng bày tỏ niềm mong mỏi người trẻ biết sống trong tỉnh thức, thực tập sống chánh niệm - biết mình đang làm gì ở mỗi giây phút - để có được an lạc trong cuộc sống.

Tác giả Thích Chân Pháp Nguyện có thế danh là Trịnh Ngọc Hảo, pháp danh Tâm Trúc Hảo, sinh năm 1975 tại Bạc Liêu. Năm 1999, sư thầy tốt nghiệp Đại học Washington (Mỹ), bắt đầu con đường tu đạo tại Đạo Tràng Mai Thôn (Pháp) vào năm 2008.

Sư thầy là đệ tử thứ 483 của Làng Mai. Từ 2008 - 2014, là thị giả của thiền sư Thích Nhất Hạnh. Hiện sư thầy đang tu học và giảng dạy tại Tu viện Vườn Ươm, Làng Mai Thái Lan.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã 'hướng dẫn nhân loại tìm đến con đường đúng đắn về đời sống hạnh phúc'

TTO - Hòa thượng Thích Thiện Nhơn - chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam - đã viết như vậy trong cuốn sổ tang lưu niệm khi đến viếng thiền sư Thích Nhất Hạnh (1926- 2022).

TRẦN MẶC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên