04/06/2020 11:11 GMT+7

Thi viết 'Tôi chọn nghề': Chọn học nghề để giúp buôn làng

TẠ NGỌC ĐIỆP (chuyên viên Trường CĐ nghề Gia Lai)
TẠ NGỌC ĐIỆP (chuyên viên Trường CĐ nghề Gia Lai)

TTO - Làng của H’Men nằm vắt vẻo trên đỉnh đồi bazan chờn vờn mây trắng chỉ có người dân tộc Ba Na sinh sống. Hàng trăm năm nay, thi đậu ĐH là điều quá xa lạ, đặc biệt với con gái. Thế nhưng H’Men đã làm được.

Thi viết Tôi chọn nghề: Chọn học nghề để giúp buôn làng - Ảnh 1.

H’Men trong buổi lễ tốt nghiệp - Ảnh: NGỌC ĐIỆP

H’Men trở thành người đầu tiên của xã Đê Ar - một xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn của huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai - đỗ ĐH. Vậy mà cô lại rẽ theo hướng khác...

Lượng sức mình

Tôi gặp H’Men khi về xã làm công tác tuyển sinh. Những làng xa ở Tây Nguyên giao thông còn cách trở, đến cái ăn, cái mặc người dân còn khó thì chuyện học càng xa lạ. Vậy mà H’Men đậu chuyên ngành luật Trường ĐH Khoa học Huế (ĐH Huế).

Tôi nói với H’Men: "Em là biểu tượng mới của tuổi trẻ người Ba Na. Một thế hệ sẽ kiến tạo nên những giá trị mới bên cạnh những phong tục tập quán đẹp đẽ của dân tộc này. Nếu trong quá trình học tập ở Huế có khó khăn gì hãy gọi cho tôi, tôi sẽ hỗ trợ".

Hai tuần sau, tôi nhận được điện thoại của H’Men. Em nói muốn học ở Trường CĐ nghề Gia Lai chuyên ngành công tác xã hội. "Em tìm hiểu trên mạng thấy trường có đào tạo nghề này, thấy nghề này hay, có thể giúp ích được cho cộng đồng người dân tộc thiểu số của em" - H’Men nói.

Học ở TP Pleiku thì gần nhà, chi phí học tập thấp, đỡ gánh nặng cho cha mẹ. H’Men tâm sự học ở đâu cũng là học, miễn là mình biết tự học, cân đối chi phí và cố gắng để không từ bỏ giữa chừng. "Mình là người dân tộc thiểu số, mình biết lượng sức mình để có được kết quả tốt nhất" - H’Men chia sẻ.

Lan tỏa

Với nền tảng tốt, H’Men trở thành một trong những cá nhân xuất sắc suốt thời gian theo học tại trường. Trong các hoạt động phong trào của Đoàn trường, của lớp, em cũng là một cá nhân tiêu biểu. Em vừa tốt nghiệp với tấm bằng xuất sắc và xin được việc làm tại UBND xã Đê Ar quê em.

H’Men tâm sự với tôi: "Những ngày học ở Trường CĐ nghề Gia Lai đã cho em những cách nhìn mới về quan niệm giáo dục. Từ lúc học phổ thông thầy cô thấy em học khá nên định hướng cho em thi ĐH, nhưng trong thời gian học ở đây em thấy học ở đâu không quan trọng bằng việc xác định đam mê, cân đối khả năng kinh tế của gia đình, khoảng cách, phong tục tập quán để có thể đi đến tận cùng của con đường. Học tập cũng không quá khó đối với người biết cố gắng và đi từng bước thật vững chắc, đặc biệt với những bạn là người dân tộc thiểu số, những bạn có hoàn cảnh gia đình khó khăn".

Tôi nghĩ rằng hơn ai hết, H’Men sẽ hiểu tường tận về vấn đề mà người dân của làng em, cộng đồng em đang gặp phải. Và trong quá trình làm việc, hỗ trợ họ theo những nguyên tắc nghề nghiệp mà nghề công tác xã hội định hướng, tôi tin rằng em sẽ thành công nếu có nhiệt huyết.

H’Men đã giới thiệu anh em của mình, bạn bè, người trong xã theo học ở các trường, góp phần ngăn dòng bỏ học. Ngoài ra, H’Men còn vận động thanh niên không tảo hôn, không uống rượu, không sinh con nhiều, các em có cái chữ để không nghe theo người xấu lôi kéo làm việc vi phạm pháp luật.

Thi viết Thi viết 'Tôi chọn nghề' - lần 2: Sau 'gap year', tôi tự tin học nghề

TTO - Kỳ thi THPT quốc gia trôi qua, tôi nhận được kết quả khó chấp nhận: đã trượt ngành y, trong khi bạn bè cùng trang lứa lại đỗ đạt. Tôi rất buồn, tự dằn vặt bản thân mình và quyết định 'gap year' (tạm dịch là một năm trì hoãn).

TẠ NGỌC ĐIỆP (chuyên viên Trường CĐ nghề Gia Lai)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên