Tài xế giao hàng ở Hàn Quốc thường rất liều lĩnh trên đường đi giao hàng - Ảnh: Shutterstock
Nhanh chóng và tiện lợi là những ưu điểm khiến nền tảng giao thức ăn nhanh trên ứng dụng điện thoại ngày càng phát triển ở Hàn Quốc. Theo SCMP, thị trường giao thức ăn ở Hàn Quốc hiện nay đã đứng thứ tư trên toàn thế giới, với tổng giá trị lên đến 16,7 tỉ USD.
Các ứng dụng giao hàng mọc lên như nấm cũng như sự tăng lên của các hộ gia đình một người khiến người dân Hàn Quốc ngày càng ưa chuộng việc đặt thức ăn về nhà. Chỉ trong tháng 8 vừa qua, ứng dụng giao hàng lớn nhất Hàn Quốc Baedal Minjok đã thực hiện 36 triệu lượt giao hàng, trung bình khoảng 1,2 triệu lượt mỗi ngày.
Những tay đua bất đắc dĩ
Nhưng ngành công nghiệp này cũng có mặt tối. Năm ngoái, cái chết của một tài xế giao hàng ở độ tuổi vị thành niên đã phản ánh những áp lực mà người tài xế phải đối mặt.
Công việc này phải đáp ứng được yêu cầu giao hàng nhanh nhất có thể, do đó tài xế thường liều lĩnh bỏ qua luật giao thông dù họ không có bảo hiểm tai nạn, để giao được thức ăn vẫn còn nóng đến tay khách hàng.
Ứng dụng Baedal Minjok ra mắt thị trường đặt đồ ăn vào năm 2011 và có liên kết với hơn 80.000 nhà hàng. Năm 2018, ứng dụng này thu được 227,3 triệu USD lợi nhuận cho công ty mẹ là Woowa Brothers.
Yogiyo là ứng dụng giao hàng lớn thứ hai cả nước và liên kết khoảng 60.000 nhà hàng. Công ty bắt đầu khởi nghiệp vào năm 2012 và đang nhắm tới con số 100.000 nhà hàng trực thuộc vào cuối năm 2019. Hai ứng dụng này đã giành được thị phần lớn đủ mạnh để xóa sổ đối thủ UberEats ra khỏi Hàn Quốc vào tháng 10 năm nay chỉ sau hai năm hoạt động.
Khi các công ty giao hàng này càng lớn mạnh, họ chú ý nhiều hơn đến những người tài xế giao hàng. Những tài xế này bắt đầu được trang bị xe máy mới mang màu sắc và tên công ty đại diện. Họ cũng được yêu cầu phải đội mũ bảo hiểm trên đường đi.
Tuy nhiên nhiều nhà hàng không hợp tác với các công ty này, vẫn sử dụng xe máy cũ không an toàn để giao thức ăn và cũng không có quy định nghiêm ngặt với tài xế. Các tài xế thường lái xe rất liều lĩnh vì hầu hết họ là các tài xế trẻ, nhiều người trong số đó còn là thanh thiếu niên.
Anh Choi Tae-il, một người đang tìm việc ở Paju, cho biết: "Tôi thấy những người tài xế đó không khác gì bọn lưu manh. Khi tôi thấy ai đó chạy xe máy quá tốc độ hoặc gây ra tiếng động lớn thì đều thường là tài xế trẻ tuổi".
Tài xế giao hàng đang bị người đi bộ, cảnh sát và các nhà lập pháp lên án gay gắt. Gần đây, các chủ nhà hàng được yêu cầu phải đảm bảo tài xế của họ có bảo hiểm đường bộ nhưng nhiều mối nguy hiểm vẫn còn tồn tại.
Các tài xế giao hàng thường lấn vào làn đường dành cho xe ôtô hoặc cho người đi bộ - Ảnh: David Lee
Áp lực của những shipper
Năm 2018, Kim Eun Bum qua đời khi anh đang đi giao hàng như thường lệ bằng xe máy ở đảo Jeju. Chàng thanh niên 17 tuổi này vẫn chưa có bằng lái xe nhưng ông chủ nhà hàng vẫn bắt anh ấy đi giao hàng.
Nhà hàng này sau đó bị phạt 300.000 won (249 USD) vì đã thuê trẻ vị thành niên không đủ điều kiện để chạy xe máy giao thức ăn, nhưng lại không bị buộc tội cho cái chết của anh Kim.
Theo Cơ quan Phúc lợi và bồi thường Hàn Quốc, từ năm 2010 đến nay đã có 86 thiếu niên thiệt mạng và 4.500 người bị thương khi đang trên đường đi giao hàng.
Khi còn học cấp III, anh Shin Sung Sub, 27 tuổi, từng làm việc cho nhiều nhà hàng địa phương vào mỗi buổi tối sau khi tan học và được trả 209 USD mỗi tuần. "Giao thức ăn được trả lương cao hơn và cũng vui hơn các công việc bán thời gian khác vào thời điểm đó", anh Shin chia sẻ.
Trong thời gian làm tài xế giao hàng, anh Shin từng có khoảng hai đến ba lần suýt chết trên đường và đã bị tai nạn ba lần, nhưng may mắn anh đều không bị thương nặng.
"Nhiều lần khi có hơn 10 đơn đặt hàng phải giao, tôi sẽ cố gắng giao ba đến bốn đơn hàng cùng một lúc. Điều đó khiến tôi bỏ qua các tín hiệu giao thông, lái xe giữa các xe và tăng tốc nhanh không cần thiết trong các ngõ hẹp", anh Shin cho biết
"Một số nhà hàng sẽ được trang bị những chiếc xe máy hoàn toàn mới và thực hiện kiểm tra định kỳ, nhưng nơi làm việc đầu tiên của tôi chỉ một chiếc xe máy bị hỏng phanh sau. Ông chủ của tôi chỉ dặn tôi nên cẩn thận trên đường đi", anh Shin nói.
Công ty Yogiyo đã chú ý đến an toàn đường bộ cho các tài xế của mình và cũng không còn tuyển dụng thanh thiếu niên, độ tuổi được ứng tuyển phải là 21 tuổi trở lên.
"Mọi nhân viên giao hàng đều được học một lớp về luật giao thông trước khi bắt đầu ra đường", ông Choi Hyun Jin, người đại diện của Yogiyo, cho biết.
"Chúng tôi cũng gửi các bản tin hằng tháng về an toàn giao thông và tổ chức các buổi hội thảo định kỳ với sự tham gia của Cơ quan Cảnh sát đô thị Seoul để nhấn mạnh về việc lái xe có ý thức trên đường", ông Choi nói.
Tuy nhiên, tai nạn giao thông vẫn diễn ra. Bộ Lao động Hàn Quốc báo cáo rằng đã có hơn 650 vụ tai nạn trong giai đoạn 2016-2019. Trong đó, Baedal Riders, một công ty chị em với Baedal Minjok, có 104 trường hợp và Yogiyo Plus, công ty con của Yogiyo, chiếm 56 vụ.
Vì các tài xế được trả khoảng 3.500 won (2,92 USD) cho mỗi lần giao hàng, họ bị ép phải làm việc nhanh nhất có thể. Nhiều người phải giao tới 11 đơn hàng trong một giờ. Do văn hóa "sống vội" ở Hàn, các tài xế thường bị khách hàng phàn nàn nếu giao đến thức ăn bị nguội.
Để giải quyết tình trạng này, khách hàng sử dụng ứng dụng Baedal Minjok hoặc Yogiyo nhận được thông báo rằng đơn hàng của họ sẽ mất 40 hoặc 50 phút để được giao.
Dù vậy, mỗi ngày ở Hàn Quốc, vẫn không hề khó để thấy những chiếc xe máy "chạy đua" trên làn đường của người đi bộ để giao kịp đồ ăn cho khách hàng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận