02/03/2015 10:32 GMT+7

Thị trường chứng khoán ảnh hưởng bởi siết cho vay chứng khoán

ÁNH HỒNG
ÁNH HỒNG

TT - Gần một tháng sau khi thông tư 36 có hiệu lực, nhiều ngân hàng (NH) đã ngưng giải ngân các khoản cho vay đầu tư chứng khoán mới và thu nợ cũ...

Ảnh minh họa
Bà Nguyễn Thị Hồng - phó chủ tịch UBND TP.HCM - đánh cồng khai trương phiên giao dịch chứng khoán đầu năm 2015 tại Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM ngày 5-1 - Ảnh: Tiến Long

Ngân hàng ngưng giải ngân, các công ty chứng khoán phải xoay xở bằng nhiều cách.

Các chuyên gia cho rằng trước mắt thị trường chứng khoán sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều từ quy định siết cho vay chứng khoán, nhưng về lâu dài là cần thiết để làm lành mạnh hóa thị trường.

Ngưng cho vay mới

Từ 20% còn 5%

Thông tư 36 do nh Nhà nước ban hành quy định tổng dư nợ cấp tín dụng đầu tư, kinh doanh cổ phiếu không được vượt quá 5% vốn điều lệ trong khi trước đó tỉ lệ này lên tới 20% vốn điều lệ. Những NH có tỉ lệ nợ xấu trên 3% cũng không được cho vay đầu tư chứng khoán.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, hầu hết NH cổ phần đều vượt tỉ lệ cho vay chứng khoán theo quy định mới. Đại diện Eximbank cho biết tỉ lệ cho vay chứng khoán của NH đang cao hơn mức 5%.

Tuy nhiên, do NH Nhà nước không hồi tố với các khoản cho vay trước đây nên tỉ lệ vượt NH sẽ thu dần nợ khi đến hạn.

“NH Nhà nước chỉ yêu cầu các NH có phương án thu nợ vay chứ không yêu cầu phải thu gấp nên NH cũng không bị áp lực” - vị đại diện này cho biết.

Tương tự, theo ông Phan Huy Khang - tổng giám đốc Sacombank, tỉ lệ cho vay chứng khoán tại NH này hơn 5% một chút và hiện một số công ty đang trả cho NH. Trong khi đó ACB lại nằm trong số ít NH không bị vượt tỉ lệ này.

Ông Từ Tiến Phát, phó tổng giám đốc ACB, cho biết hạn mức cho vay chứng khoán của NH theo quy định mới khoảng 470 tỉ đồng và hiện NH chưa sử dụng hết hạn mức này. “NH xác định đây không phải là mảng chính và không khuyến khích cho vay do hoạt động đầu tư này rủi ro cao” - ông Phát khẳng định.

Trong khi đó, chủ tịch HĐQT một NH nói thông tư 36 không quá ảnh hưởng đến NH nhưng sẽ có ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán vì nguồn tiền cung cấp cho nhà đầu tư bị hạn hẹp. 

Số liệu của cơ quan thanh tra, giám sát của NH Nhà nước đến hết tháng 11-2014, tổng dư nợ cho vay để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu của các tổ chức tín dụng đạt hơn 20.130 tỉ đồng. Nếu áp dụng tỉ lệ 5% theo quy định của NH Nhà nước, hạn mức cho vay tối đa của các NH khoảng 22.665 tỉ đồng.

Tuy nhiên có thực tế là thời gian qua nhiều NH có vốn điều lệ lớn hạn chế cho vay đầu tư cổ phiếu, có NH lớn tỉ lệ dư nợ cho vay lĩnh vực này chỉ chiếm hơn 1% vốn điều lệ, cho vay ký quỹ dồn vào các NH cổ phần. Nhiều NH có tỉ lệ cho vay lĩnh vực chứng khoán trên 10% nên buộc phải thu dần nợ khi đến hạn và ngưng cho vay mới.

Công ty chứng khoán xoay xở

Về phía các công ty chứng khoán bị NH ngừng giải ngân các khoản vay mới sau khi thông tư 36 có hiệu lực đã xoay xở tìm hướng đi mới. Trong đó, một trong những đích nhắm đến là phát hành trái phiếu để bổ sung nguồn vốn phục vụ giao dịch ký quỹ.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhiều công ty chứng khoán thừa nhận đó cũng là một giải pháp khi nguồn vốn cho vay từ NH bị siết chặt. Tuy nhiên không dễ phát hành trái phiếu, trừ các công ty chứng khoán có NH đứng sau lưng vì NH cũng phải xem công ty này có khả năng trả vốn khi đến hạn hay không mới dám mua trái phiếu.

Do vậy, một giải pháp khác được đưa ra là liên kết với một tổ chức khác có tiền nhàn rỗi để sử dụng nguồn tiền này trong ngắn hạn. Giải pháp này thời gian qua nhiều công ty đã thực hiện sau khi nhiều NH mà họ liên kết hết hạn mức cho vay chứng khoán.

Ông Huỳnh Anh Tuấn, tổng giám đốc Công ty chứng khoán SJCS, nói quy định về siết tỉ lệ cho vay đầu tư chứng khoán chắc chắn có ảnh hưởng đến thị trường vì hạn mức cho vay chứng khoán tối đa của các NH giờ chỉ bằng 25% so với trước đây.

Ngoài giới hạn về tỉ lệ cho vay, NH Nhà nước còn quy định NH có nợ xấu từ mức 3% không được cho vay chứng khoán khiến cửa cho vay chứng khoán ngày càng hẹp hơn, hơn nửa số NH vừa và nhỏ trước đây cho vay chứng khoán hiện đã ngưng vì hết room hoặc vướng nợ xấu.

Các công ty chứng khoán lớn dù không lo khi NH siết tín dụng nhưng lại có nỗi lo khác. Ông Nguyễn Duy Hưng, tổng giám đốc Công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI), nói các công ty chứng khoán lớn dù có khả năng xoay xở nguồn tài chính khác để bù đắp khi NH siết cho vay chứng khoán nhưng cũng bị tác động từ thông tư này.

“SSI không giảm tỉ lệ cho vay ký quỹ vì vừa có thêm 2.000 tỉ đồng từ phát hành trái phiếu và một số nguồn khác nhưng một mình SSI thì không làm nên chợ. Khi nhà đầu tư và các công ty chứng khoán khác bị siết nguồn tiền thì thanh khoản của thị trường sẽ giảm” - ông Hưng nói.

Theo TS Lê Xuân Nghĩa, thanh khoản thị trường sẽ sụt giảm chút ít nhưng ông dự đoán thị trường sẽ đi vào ổn định và bền vững hơn chứ không phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn vốn từ NH.

“Trước đây bốn NH quốc doanh cho vay chứng khoán không đáng kể, có NH gần như không cho vay. Tuy nhiên tới đây rất có thể các NH này sẽ cho vay nếu xu hướng thị trường chứng khoán tốt. Đây cũng là hướng để tăng thêm tín dụng trong bối cảnh cho vay các lĩnh vực khác gặp khó và việc mua trái phiếu chính phủ không còn được ưa chuộng như trước vì thời gian quá dài, lên đến 5-10 năm nên các NH hạn chế mua vì rủi ro về thanh khoản” - ông Nghĩa nói.

ÁNH HỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên