Theo báo cáo kết quả trưng cầu ý kiến về thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, cơ bản các địa phương, chuyên gia có sự đồng thuận cao về mục tiêu kỳ thi, hình thức môn thi, sự phân cấp, trách nhiệm của cấp trung ương, địa phương và lộ trình triển khai…
Nhưng phương thức thi với số môn thi bắt buộc và lựa chọn đang có nhiều luồng ý kiến khác nhau.
Cụ thể trong số 130.672 cán bộ, giáo viên trên cả nước được hỏi ý kiến thì có 34.521 người chọn phương án 4+2 (chiếm 26,41%).
Theo phương án này, học sinh sẽ thi tốt nghiệp 6 môn, gồm 4 môn bắt buộc là toán, ngữ văn, ngoại ngữ, lịch sử và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12.
Thí sinh học hệ giáo dục thường xuyên sẽ thi 5 môn gồm 3 môn bắt buộc là toán, ngữ văn, lịch sử và 2 môn lựa chọn (không thi ngoại ngữ).
Có 96.151 người chọn phương án 3+2 (chiếm 73,59%). Theo phương án này, học sinh sẽ thi tốt nghiệp 5 môn với 3 môn bắt buộc gồm toán, ngữ văn, ngoại ngữ và 2 môn lựa chọn trong số các môn còn lại học ở lớp 12.
Thí sinh hệ giáo dục thường xuyên sẽ thi 4 môn với 2 môn bắt buộc là toán, ngữ văn và 2 môn lựa chọn.
Theo nhận định của cán bộ, giáo viên tham gia lấy ý kiến thì phương án 4+2 có ưu điểm là có nhiều môn học bắt buộc phải thi, nhưng ngược lại sẽ giảm vai trò nhóm môn học lựa chọn, không phù hợp với yêu cầu phân hóa, định hướng nghề nghiệp ở cấp THPT theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Phương án 3+2 có nhiều ưu điểm hơn như giảm áp lực, giảm tốn kém, giảm số buổi thi và không mất cân bằng giữa các tổ hợp môn học lựa chọn ở cấp THPT, nhưng có nhược điểm là có thể giảm vai trò của nhóm môn học lựa chọn, trong đó có môn lịch sử.
4 tỉnh thành đề xuất thi tốt nghiệp 2 môn bắt buộc, 2 môn tự chọn
Trong quá trình khảo sát, TP.HCM, Long An, Tây Ninh, Lạng Sơn có đề xuất thêm phương án 2+2. Theo đó, học sinh sẽ thi tốt nghiệp 2 môn bắt buộc là toán, ngữ văn và 2 môn lựa chọn (gồm cả ngoại ngữ, lịch sử). Trong số 17.981 người của các địa phương này được hỏi, có 40% chọn phương án 4+2, 59,8% chọn phương án 2+2 và 0,2% chọn phương án khác.
Phương án này cũng có ưu điểm như phương án 3+2, nhưng có nhiều ý kiến lo ngại về vị thế môn lịch sử, ngoại ngữ sẽ bị giảm.
Trước đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết sẽ trình dự thảo phương án thi tốt nghiệp từ năm 2025 lên Chính phủ vào quý 4-2023. Đồng thời tiến hành xây dựng đề thi tham khảo theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 để các nhà trường, giáo viên, học sinh có căn cứ định hướng dạy học và ôn tập.
Thăm dò ý kiến
Bộ Giáo dục và đào tạo đang lấy ý kiến các phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 trở đi. Theo bạn nên:
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận