22/03/2018 10:26 GMT+7

Thi nghiên cứu khoa học 'không nên gộp cấp 2 và cấp 3'

MINH GIẢNG
MINH GIẢNG

TTO - Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học 2018 đã bước sang năm thứ 6. Ngày càng nhiều học sinh quan tâm hơn đến hoạt động nghiên cứu khoa học từ cuộc thi này.

Thi nghiên cứu khoa học không nên gộp cấp 2 và cấp 3 - Ảnh 1.

Học sinh trình bày dự án của mình tại cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia cho học sinh năm 2018 tại Lâm Đồng - Ảnh: M. GIẢNG

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng cuộc thi vẫn còn một số hạn chế.

Cụ thể, hiệu trưởng một trường THCS cho biết cuộc thi gộp chung hai đối tượng THPT và THCS là chưa hợp lý. 

Theo ông, học sinh THCS hạn chế hơn học sinh THPT rất nhiều về sự trưởng thành, kiến thức giáo khoa nên việc tìm ý tưởng và vận dụng kiến thức giáo khoa vào thực tế sẽ khó khăn hơn. Do đó, cần tách bạch hai đối tượng này để việc đánh giá chính xác hơn theo lứa tuổi.

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm của các trường THPT mới chỉ ở mức cơ bản phục vụ việc dạy và học, chưa đáp ứng được yêu cầu nghiên cứu khoa học của học sinh. 

Ông Nguyễn Văn Dũng - hiệu trưởng Trường THPT Lê Hồng Phong (Di Linh, Lâm Đồng) - cho biết phòng thí nghiệm của trường, phương tiện và hóa chất chưa thể đáp ứng nhu cầu nghiên cứu của học sinh. 

"Các mẫu thí nghiệm chuyên sâu chúng tôi phải gửi về Trường ĐH Đà Lạt để phân tích. Trong khi kinh phí phục vụ nghiên cứu rất hạn chế. Ngoài ngân sách của trường, chúng tôi phải vận động thêm từ phụ huynh. Tuy nhiên không phải nơi nào cũng có điều kiện để xã hội hóa như vậy" - ông Dũng nói.

Còn phó giám đốc một sở GD-ĐT cho biết cuộc thi học sinh giỏi quốc gia có quy chế rõ ràng về tài chính, giáo viên bồi dưỡng được tính thừa giờ, học sinh cũng được hưởng chế độ. 

Trong khi đó cuộc thi khoa học kỹ thuật có một số quy định chưa rõ ràng, phần tài chính giao cho địa phương tự chủ nhưng không quy định chi tiết (về tính thừa giờ cho giáo viên và chế độ cho học sinh) nên địa phương không dám vận dụng.

Đáng lưu ý, cán bộ trưởng phòng của một sở GD-ĐT cũng nói: "Chương trình và phương pháp dạy hiện nay vẫn chú trọng kiến thức giáo khoa, nên giáo viên và học sinh chưa quen với việc nghiên cứu, phát triển tư duy sáng tạo, ứng dụng kiến thức vào thực tiễn. 

Nhiều nơi vì muốn có kết quả ngay nên giáo viên đã làm thay học sinh quá nhiều, từ ý tưởng đến thực hiện".

MINH GIẢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên