Học sinh một trường ở TP.HCM tranh thủ ôn bài trước khi đến trường thi học kỳ - Ảnh: NHƯ HÙNG
Thời điểm này, học sinh các trường tiểu học, THCS và THPT ở TP.HCM, Hà Nội đang trong giai đoạn kiểm tra học kỳ 1 năm học 2019-2020.
“Chương trình học quá nặng khiến con tôi phải học bài đến 12h khuya vẫn chưa xong vì lượng bài học, bài tập quá nhiều. Tôi đã phải thuê gia sư đến nhà giúp con học mỗi ngày.
Chị L. (một phụ huynh có con học lớp 8 ở TP.HCM)
"Choáng" với đề cương
"Tôi rất choáng khi nhìn thấy đề cương ôn tập của con gái. Môn nào các thầy cô cũng soạn đề cương cho học sinh. Này nhé: môn tiếng Anh đề cương gồm 24 trang giấy A4, môn toán có 15 đề thi khác nhau mà học sinh phải giải hết; môn văn có 16 trang A4... Thậm chí, đến môn GDCD, công nghệ cũng có đề cương" - chị L. (phụ huynh học sinh lớp 8 Trường THCS Lê Văn Tám, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) than.
Tương tự, chị T. (phụ huynh học sinh lớp 9 Trường THCS Đồng Khởi, Q.1, TP.HCM) kể: "Mấy tuần nay con tôi như "bơi" trong đống đề cương ôn tập. Tôi không hiểu một đợt kiểm tra cuối học kỳ thôi mà tại sao lại phải có đề cương, gây nặng nề thêm cho học sinh như vậy? Bởi trong suốt một học kỳ, các học sinh đã phải làm rất nhiều những bài kiểm tra 15 phút, 1 tiết rồi mà".
Ở Hà Nội, tình trạng cũng tương tự, hầu hết các trường phổ thông ở Hà Nội đều áp dụng hình thức kiểm tra học kỳ không hề nhẹ nhàng. Đặc biệt là các lớp cuối cấp tiểu học, các lớp thuộc bậc THCS, THPT. Một số trường tiểu học áp dụng đề thi do ban giám hiệu trường duyệt, nhưng cũng tổ chức "coi thi, chấm thi chéo". Có nghĩa các giáo viên chủ nhiệm không được coi thi, chấm thi học sinh lớp mình để tránh tình trạng thiên vị.
Trong nhiều năm qua Bộ GD-ĐT đổi mới kiểm tra đánh giá học sinh tiểu học theo hướng "tăng nhận xét, không cho điểm quá trình", thay vào đó chỉ có điểm cuối kỳ, cuối năm. Mục đích đổi mới này để giảm áp lực cho trẻ, giảm tình trạng dạy thêm ngoài nhà trường.
Tuy nhiên, điểm số cuối kỳ, cuối năm với cách thức kiểm tra khá cứng nhắc đã tạo nên áp lực dồn dập. Nhiều phụ huynh tăng cường cho con học thêm nhà thầy cô, thậm chí dành thời gian để kèm con hoàn thành các "đề cương ôn tập" đến khuya.
"Càng nhẹ nhàng ở quá trình học thì càng nặng nề ở đợt kiểm tra" - một phụ huynh nhận xét.
Học sinh Trường THCS Kim Đồng, Q.5, TP.HCM thi học kỳ 1 năm học 2019-2020 - Ảnh: NHƯ HÙNG
Nghỉ phép để đi kiểm tra cùng con
Ở TP.HCM, hầu hết các trường THCS, THPT đều tổ chức đợt kiểm tra cuối học kỳ như thi THPT quốc gia: mỗi học sinh có số báo danh, phòng thi được sắp xếp theo thứ tự a, b, c (tức là trộn học sinh của cả khối lại), học sinh cũng không đi học bán trú mà đến giờ kiểm tra mới vào trường, sau khi làm bài kiểm tra xong là ra về...
Do đó, phụ huynh cũng lao đao với nhiệm vụ đưa đón con đi làm bài kiểm tra. "Tôi có hai con, một cháu học lớp 9, một cháu học lớp 6. Tôi không hiểu ngành GD-ĐT nâng tầm quan trọng của đợt kiểm tra cuối kỳ lên làm gì khiến phụ huynh chúng tôi lao đao quá.
Hằng ngày cả hai cháu đều học bán trú nhưng đến đợt kiểm tra cuối học kỳ như năm nay thì buổi sáng con lớn làm bài kiểm tra, buổi chiều tới lượt con nhỏ.
ôm trước kiểm tra thì hôm sau được nghỉ cả ngày rồi hôm sau nữa lại tiếp tục đi kiểm tra, do vậy đợt kiểm tra cuối học kỳ này kéo dài gần 2 tuần" - chị P., phụ huynh ở Q.1, TP.HCM, phản ảnh.
Chị P. kể: "Ngày nào con thi hai môn còn đỡ, tôi có thể tranh thủ đi làm vì hết buổi sáng hoặc hết buổi chiều thì đến đón con. Chứ có những ngày con chỉ thi một môn, buổi sáng đến 9h45 đã phải đón, còn buổi chiều 15h đón thì làm sao mà đi làm. Tôi đành xin nghỉ phép ở nhà đưa đón con đi thi, đồng thời dò đề cương cho con trước khi đi thi theo lời dặn của giáo viên chủ nhiệm".
Theo giải thích của một lãnh đạo trường THCS ở Q.1, TP.HCM, lịch kiểm tra cuối học kỳ là nhà trường thực hiện theo lịch kiểm tra chung của phòng GD-ĐT vì học sinh làm bài kiểm tra theo đề chung của phòng GD-ĐT. Đây là quy định của Sở GD-ĐT TP.HCM nên toàn TP thực hiện như vậy chứ không chỉ riêng Q.1.
Trong khi đó, mặc dù đã được Sở GD-ĐT TP.HCM phân cấp cho tự ra đề kiểm tra cuối học kỳ, đa số các trường THPT vẫn tổ chức như một kỳ thi như đã phản ánh ở trên.
"Tôi rất ngạc nhiên với cách làm như thế này. Cùng ở TP.HCM, tại sao các trường tiểu học tổ chức đợt kiểm tra cuối học kỳ khá nhẹ nhàng: học sinh vẫn học bán trú như bình thường, đến môn kiểm tra thì làm bài kiểm tra ngay tại lớp, còn lại các em vẫn học các môn khác bình thường. Trong khi đó, các trường THPT lại khiến cho cả xã hội phải đi kiểm tra theo học sinh" - chị S., phụ huynh Trường THPT Thanh Đa, Q.Bình Thạnh, bức xúc.
Tương tự, ở Hà Nội, các đợt kiểm tra học kỳ ở bậc trung học càng nhiều áp lực. Theo lãnh đạo các trường THCS thì đề thi các môn chính đều do quận ra và ra theo cấu trúc đề thi chuyển cấp của TP. Tương tự, các trường THPT cũng ra đề kiểm tra theo đề chung.
"Các con ôn tập rất khổ vì tất cả các môn học đều có đề cương. Các con phải hoàn thành đề cương để kiểm tra. Trong đó các môn như toán có hàng chục bài phải hoàn thành" - một phụ huynh có con học lớp 9 tại Cầu Giấy, Hà Nội cho biết. Theo chị phụ huynh này, nhiều cha mẹ vì thương con nên đã chia nhau làm đề cương giúp để con học thuộc lòng.
Chỉ đạo linh hoạt, nhưng thực hiện cứng nhắc
Theo văn bản 4612 do Bộ GD-ĐT ban hành tháng 10-2017, việc đổi mới kiểm tra đánh giá nhằm tiệm cận với chương trình giáo dục phổ thông mới.
Theo đó, Bộ GD-ĐT cho phép các nhà trường linh hoạt thực hiện đánh giá thường xuyên với học sinh bằng nhiều hình thức khác nhau như đánh giá qua quan sát việc học trên lớp, đánh giá qua hồ sơ học tập, vở hoặc sản phẩm học tập, qua báo cáo kết quả thực hiện một dự án học tập, nghiên cứu khoa học kỹ thuật, thực hành thí nghiệm, đánh giá qua bài thuyết trình về việc thực hiện nhiệm vụ học tập.
"Giáo viên có thể sử dụng các hình thức này thay cho các bài kiểm tra hiện hành ở cấp THCS và THPT. Việc linh hoạt thực hiện này là yếu tố khuyến khích học sinh tham gia các dự án học tập, góp phần đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng chủ động, tích cực, sáng tạo" - PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT, khẳng định.
Cũng tiếp thu tinh thần của văn bản 4612 của Bộ GD-ĐT nhưng ông Văn Đức Phương - hiệu trưởng Trường THCS Quang Trung, huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng - đã nghiên cứu chỉ đạo của Bộ GD-ĐT để xây dựng một quy định cụ thể với trường mình.
Ví dụ việc đánh giá thường xuyên dựa vào hoạt động học tập của học sinh, giáo viên tổ chức cho các nhóm tương tác, trao đổi, chấm điểm. Giáo viên chốt điểm từng nhóm, tùy theo đóng góp của thành viên trong nhóm học sinh. Ví dụ điểm của nhóm là 10, thành viên đóng góp ít nhất phải đạt điểm 7, còn lại tùy theo đóng góp mà chấm từ 7-10 điểm.
Cách thức kiểm tra thường xuyên, cuối kỳ được chi tiết hóa sau khi đã thảo luận, lấy ý kiến trong hội đồng sư phạm. Một giáo viên là tổ trưởng bộ môn ở Trường THCS Quang Trung cho biết với quy định được cụ thể hóa như thế, giáo viên thấy dễ làm, dễ áp dụng.
Việc linh hoạt này giúp học sinh đỡ áp lực với các bài kiểm tra theo cách truyền thống, khích lệ học sinh tham gia các dự án học tập đa dạng.
45,8% học sinh thường xuyên căng thẳng trong học tập
Theo nghiên cứu "Áp lực gây căng thẳng tâm lý của học sinh THCS" của Lê Minh Nguyệt (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) và nhóm cộng sự công bố cuối năm 2018, hơn 1.000 học sinh trường THCS tại Hà Nội, Hải Phòng và Thanh Hóa được hỏi cho biết mức độ căng thẳng tâm lý trong học tập là cao nhất trong các lĩnh vực được khảo sát. Số học sinh thường xuyên và rất thường xuyên căng thẳng trong học tập chiếm tỉ lệ cao nhất, tới 45,8%.
Không chấp nhận việc soạn đề cương cho học sinh ôn thi
Đề cương chính là sản phẩm của cách kiểm tra yêu cầu học sinh tái hiện kiến thức, vốn đã tồn tại từ rất lâu trong ngành GD-ĐT. Trường THPT quốc tế Việt - Úc giảng dạy chương trình của Úc nên phương pháp kiểm tra, đánh giá cũng theo như cách của họ.
Mỗi học kỳ học sinh sẽ có thang điểm tối đa là 100, trong đó đợt kiểm tra cuối kỳ chỉ chiếm 25% (trong khi ở ta, điểm kiểm tra cuối kỳ có hệ số cao nhất trong tất cả các kỳ kiểm tra nên được học sinh, phụ huynh và cả giáo viên xem trọng nhất); đợt kiểm tra giữa kỳ chiếm 25%.
Còn cột điểm chiếm 50% chính là khả năng tự học, tự nghiên cứu của học sinh. Cả ba kỳ kiểm tra trên đều do giáo viên bộ môn ra đề và chấm điểm.
Ông Cao Huy Thảo (nguyên hiệu trưởng Trường THPT quốc tế Việt - Úc, TP.HCM)
Kiểm tra cuối học kỳ là một kỳ kiểm tra quan trọng trong năm học, điểm số được tính hệ số 3 - hệ số cao nhất trong các bài kiểm tra của suốt một học kỳ. Mục đích của đợt kiểm tra cuối học kỳ là để đánh giá học sinh sau một quá trình học tập, nó cũng là kênh tham khảo để các đơn vị giáo dục điều chỉnh về chuyên môn.
Tuy nhiên, Sở GD-ĐT TP đã chỉ đạo các trường không dùng điểm số của học sinh để đánh giá giáo viên trong thi đua.
TP cũng đang đẩy mạnh việc đổi mới phương pháp dạy và học, đi liền với đó là việc đổi mới phương pháp kiểm tra - đánh giá học sinh theo hướng phát triển năng lực của học sinh. Nội dung đề kiểm tra cuối học kỳ nhằm kiểm tra khả năng vận dụng kiến thức đã học của học sinh vào thực tế chứ không kiểm tra việc học sinh tái hiện kiến thức đã học.
Do đó, không thể chấp nhận việc giáo viên soạn đề cương cho học sinh học thuộc lòng để làm bài kiểm tra.
Ông Nguyễn Văn Hiếu (phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM)
H.HG. ghi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận