07/04/2010 06:04 GMT+7

Làm sao để không căng thẳng?

PHÚC ĐIỀN - VĨNH HÀ ghi
PHÚC ĐIỀN - VĨNH HÀ ghi

TT - Thời gian chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT không còn nhiều khiến các trường phải "chạy nước rút" tổ chức ôn tập cho học sinh. Tuy nhiên, nếu tổ chức tốt vẫn có những cách ôn thi không gây căng thẳng cho cả giáo viên lẫn học sinh.

LSYvaLuU.jpgPhóng to
Với môn địa lý, học sinh biết khai thác tốt Atlat sẽ là một lợi thế lớn. Trong ảnh: cô Đỗ Thị Kim Định hướng dẫn ôn thi môn địa lý cho học sinh lớp 12A3 Trường THPT Lương Văn Can, Q.8, TP.HCM - Ảnh: Như Hùng

* Thầy Trần Ngọc Minh (hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, Q.4, TP.HCM):

Không yêu cầu đạt điểm thật cao

Qua tìm hiểu cách học của học sinh (HS), tôi nhận thấy tình trạng “học hoài không thuộc” phần lớn do các em chưa có phương pháp.

Muốn học tốt, thứ nhất, mỗi HS nên có thời gian biểu cụ thể hằng ngày, hằng tuần: giờ nào làm gì, giờ nào ăn, ngủ, nghỉ, giải trí, hôm nào học môn gì... Không nên học đến 1-2g sáng. Nếu áp dụng đúng thời gian biểu, các em sẽ an lòng, không phải lo cuống lên vì nhiều môn học.

Theo thời gian biểu, phụ huynh dễ chăm sóc sức khỏe và theo dõi lịch học của con em mình.

Thứ hai, học thuộc lòng kiểu học vẹt là kiểu học mau quên nhất. Đối với các môn xã hội, nên học theo bản đồ tư duy. Kiến thức cần được hệ thống theo nhánh, theo sườn, học kiểu nắm ý, hình dung sơ đồ, triển khai ý của mình. Đây là cách học mau thuộc và nhớ lâu hơn.

Ở thời điểm này, hầu hết các lớp 12 đã hoàn thành chương trình học kỳ 2, chuẩn bị thi học kỳ. Ôn luyện tốt kỳ thi học kỳ trước mắt tức là đã ôn một nửa chương trình thi tốt nghiệp. Không nên quá lo về kỳ thi tốt nghiệp.

Quan điểm nhà trường không yêu cầu HS đạt điểm thật cao. Mình có khả năng môn nào hãy cố gắng đạt 6-7 điểm môn đó để bù vào những môn yếu (có thể 3-4 điểm). Nói chung, đừng để rơi vào trạng thái lo lắng quá mức. HS trung bình cần được động viên, khuyến khích để các em tự tin vào bản thân.

Quan điểm nhà trường khuyến khích HS tự học. Mỗi tuần học ở trường năm buổi sáng và một buổi chiều, HS có năm buổi chiều tự học, tự hoàn thành bài vở. Chỉ số ít HS không có điều kiện, hoàn cảnh gia đình không học tốt được mới cần thầy cô hướng dẫn tại trường.

* Thầy Lê Minh Hùng (phó hiệu trưởng Trường THPT Củ Chi, TP.HCM):

Không tăng tiết ở trường

Lúc bộ chưa công bố môn thi, hằng tuần HS học sáu buổi sáng và ba buổi chiều.

Từ tuần tới, HS bốn lớp giỏi chỉ học ở trường sáu buổi sáng, buổi chiều có thể tự học hoặc ôn nâng cao chuẩn bị thi ĐH. Những lớp yếu hơn cũng chỉ học chín buổi/tuần. Tất nhiên, có tăng số tiết ôn các môn xã hội nhưng thời lượng học ở trường vẫn như trước, thành ra không khí học hành cũng không căng thẳng.

Đề thi các môn văn, sử, địa gần đây ra theo dạng vận dụng suy nghĩ, liên hệ. Quan trọng là học hiểu chứ không phải học thuộc lòng tất cả. Thầy cô bộ môn đều chuẩn bị hệ thống kiến thức theo hướng học - hiểu.

Để làm tốt bài thi các môn sử, địa, các em cần thuộc những nội dung cốt lõi, biết liên hệ nội dung phần này và phần kia trong chương trình.

* Cô Nguyễn Thị Thúy Anh (hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa, Hà Nội):

Không phải cứ dạy nhiều trên lớp là tốt

Trường tôi không chủ trương cắt giảm cũng như tăng tiết những môn sẽ thi tốt nghiệp.

Từ đầu học kỳ II, trường đã yêu cầu giáo viên phụ trách tám môn học phải cho HS làm đề cương ôn tập. Sau mỗi chương của môn học đều làm đề cương, kiểm tra. Cuối kỳ, nếu phải thi tốt nghiệp, các em chỉ cần rà soát lại theo các phần đề cương trên. Vì thế, đa số HS không quá căng thẳng với việc ôn tập.

Không phải cứ tập trung HS trên lớp dạy nhiều là tốt, ngược lại có khi kết quả lại thấp.

* Thầy Vũ Quang Hiển (khoa lịch sử Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐHQG Hà Nội):

Ôn theo chủ đề

Yêu cầu của đề thi không bắt buộc HS trình bày máy móc kiến thức lịch sử, đúng từng câu từng chữ mà chỉ cần HS hiểu nội dung, trình bày lại một cách mạch lạc theo sự hiểu biết của mình. Vì thế khi tổ chức ôn tập cho HS, giáo viên nên ôn tập theo chủ đề (vừa rèn khả năng ghi nhớ kiến thức, vừa rèn khả năng vận dụng, phân tích, tổng hợp).

Mỗi phần kiến thức nên trả lời được các câu hỏi “Tại sao?”, “Như thế nào?”. Có nghĩa HS phải biết cách trình bày, giải thích, chứng minh, so sánh, đánh giá.

Điều quan trọng là giáo viên cần hướng dẫn cách tự học cho HS, thay vào việc ôn thi tập trung trên lớp giảng lại những kiến thức đã học. HS cần lập đề cương cơ bản nhất (phần khung) rồi tiếp tục phát triển (trả lời câu hỏi vấn đáp, viết, làm bài tập).

Nếu tổ chức học ôn quá nhiều nhưng không có phương pháp sẽ phản tác dụng, nhất là với những môn như lịch sử.

* Thầy Vũ Quốc Lịch (giáo viên địa lý Trường Hà Nội - Amsterdam):

Lập đề cương, hệ thống câu hỏi

Tôi nghĩ tăng tiết nhiều quá để ôn tập một cách tràn lan trong thời điểm này không có hiệu quả. Thời gian không còn nhiều, thầy cô cần hướng dẫn HS tự ôn tập những kiến thức cơ bản nhất trên cơ sở lập đề cương, hệ thống câu hỏi.

Cụ thể về lý thuyết nên ôn tập theo bốn dạng đề: trình bày (kiểm tra sự ghi nhớ kiến thức); phân tích, chứng minh (vận dụng hiểu biết về kiến thức địa lý để chứng minh, phân tích một nhận định nào đó); so sánh (cần biết tổng hợp kiến thức để so sánh) và giải thích.

Về kỹ năng, phải hướng dẫn HS tập vẽ lược đồ bản đồ VN, vẽ biểu đồ (các dạng biểu đồ, cách đọc biểu đồ), phân tích bảng biểu, số liệu, nhận xét sự liên hệ giữa các số liệu...

Ngoài ra, cần hướng dẫn HS khai thác thật tốt Atlat địa lý VN. Việc HS được mang Atlat địa lý VN vào phòng thi (kỳ thi tốt nghiệp THPT) là một lợi thế lớn, vì Atlat cô đọng những kiến thức địa lý các em học trong chương trình. HS có thể trả lời câu hỏi theo Atlat hoặc theo sách giáo khoa (nếu Atlat cập nhật những số liệu mới hơn).

Hướng dẫn HS đúng cách sẽ giảm áp lực cho các em.

PHÚC ĐIỀN - VĨNH HÀ ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên