Trần Văn Dương đang học việc tại một xưởng cơ khí ở TP.Đà Nẵng - Ảnh: B.D
Khi biết mình đậu vào ĐH Sư phạm Kỹ thuật Đà Nẵng, Trần Văn Dương (xã Trà Don, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) cầm giấy báo về với làng nhưng lại tính chuyện lấy vợ, bỏ ngang giấc mơ đại học. Dương buồn rười rượi: "Nhà em quá nghèo, lấy đâu tiền để đi học?".
"Nếu không có thầy giáo cũ, em đã ở quê lấy vợ rồi"
Cha Dương một mình cuốc rẫy để nuôi hai người con và người vợ đau yếu. Hoàn cảnh quá khó khăn nên năm lên lớp 10, Dương được gửi vào Làng SOS Đà Nẵng với hi vọng sẽ không để một học sinh nghèo phải dang dở đường học hành.
Tới tháng 12-2016, khi vừa nhập học ở Làng SOS được 4 tháng thì mẹ Dương mất. Dương về làng chịu tang rồi trở lại trường, mong có một tấm bằng THPT để tương lai không quá thiệt thòi.
Em Trần Văn Dương - Ảnh: B.D
Kỳ thi vừa qua, Dương đăng ký nguyện vọng vào ngành công nghệ kỹ thuật cơ khí Trường ĐH SP Kỹ thuật Đà Nẵng và được xét học hệ cao đẳng. Dương bảo lúc thi chỉ đăng ký trường đại học cho đỡ tò mò chứ không nghĩ đến chuyện học.
Biết Dương đã ôm giấy báo trở về làng, tạm gác việc học hành để lấy vợ, đi làm thuê thì thầy giáo cũ của Dương đã "ép" cậu phải trở lại trường.
Nếu không có thầy giáo cũ động viên theo học thì em đã ở quê lấy vợ, đi làm thuê rồi
Trần Văn Dương
Bà Trần Thị Lan - phó giám đốc Công ty TNHH Đức Trân (410 Núi Thành, TP.Đà Nẵng) - một "mạnh thường quân" cũng là bạn thầy giáo cũ của Dương, đã nhận lời đón Dương tại TP Đà Nẵng để bố trí chỗ ăn ở trong nhà mình, tiếp tục theo học. Chàng học trò nghèo bắt đầu vào giảng đường mà không có một đồng tiền nào, tất cả dựa vào đôi tay và những bước chân khờ dại ban đầu ở thành phố.
Sẽ đi học, nhưng không biết bằng cách nào
Cùng được nuôi 3 năm tại Làng SOS như Dương còn có Võ Văn Đức - vừa trúng tuyển vào ngành quản lý công nghiệp ĐH Bách khoa Đà Nẵng. Đức mồ côi mẹ từ lúc 2 tuổi, chưa đầy 1 năm sau đó chị gái đầu của Đức cũng thắt cổ tự vẫn tại một quán cà phê vì bế tắc.
Nhà Đức chơ vơ tại thôn Tân Quý, xã Tam Vinh (huyện Phú Ninh, TP.Tam Kỳ, Quảng Nam), tài sản quý giá duy nhất chỉ có một con bò đực để hàng ngày kéo cày nuôi cả gia đình. Khi người anh trai Đức vào đại học, ba của Đức đứt ruột bán bò đi để lấy 20 triệu đồng nộp tiền học cho con. Mấy năm nay, cả nhà chỉ trông chờ vào những đồng tiền công thợ đụng của ba.
Võ Văn Đức phụ việc tại một quán cà phê để dành dụm tiền trước giờ vào nhập học tại ở Đà Nẵng - Ảnh: B.D
Đức bảo giờ anh trai đã ra trường, đi làm; chị gái của Đức còn theo học đại học năm thứ 4, nhưng tất cả đều phải tự lập bởi ba của Đức đã quá già yếu, nhà lại trống trơn. Khi biết tin mình trúng tuyển vào ĐH Bách khoa Đà Nẵng, Đức đã xác định rằng không ai có thể giúp mình mà bản thân phải tự bươn chải, tự kiếm tiền để làm lộ phí cho hành trang sắp đến.
Mấy hôm nay, Đức tất tưởi chạy phụ việc ở các nhà hàng, các quán bida, quán cà phê để chắt chiu tiền vào trường.
Em xác định chắc chắn rằng mình sẽ tiếp tục theo học rồi sau này mới có việc làm thay đổi cuộc sống. Nhưng tới giờ cũng chưa biết bắt đầu từ đâu...
Võ Văn Đức
Tân sinh viên khó khăn, hãy gọi Tuổi Trẻ
"Không để nghèo khó chặn đứng ước mơ của những tân sinh viên khó khăn nhưng có khát khao vươn lên" - đây là thông điệp nhiều năm qua của báo Tuổi Trẻ. Năm học 2019-2020, báo Tuổi Trẻ vẫn đồng hành và cam kết sẽ là điểm tựa vững chắc cho những tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, có khát vọng vươn lên.
Dự kiến trong năm 2019-2020 chương trình sẽ dành khoảng 1.000 suất học bổng cho tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trúng tuyển đại học, cao đẳng với số tiền 10 triệu đồng/suất và 15 triệu đồng cho suất đặc biệt.
Ban biên tập báo Tuổi Trẻ rất mong bạn đọc giới thiệu những tân sinh viên học giỏi, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, có nguy cơ bỏ học nếu không được tiếp sức kịp thời qua email: congtacxahoi@tuoitre.com.vn hoặc điện thoại: 028.3997.3838.
Đồng thời, bạn đọc có thể đồng hành cùng báo Tuổi Trẻ ủng hộ kinh phí học bổng, chỗ ở, phương tiện học tập... cho tân sinh viên, giúp các bạn vững tin trong học tập. Đây sẽ là sự hỗ trợ ban đầu và động lực tinh thần để các tân sinh viên tự tin viết tiếp ước mơ cuộc đời. Ngoài học bổng, chương trình rất mong được sự hỗ trợ thêm chỗ ở, việc làm hay phương tiện đi lại, dụng cụ học tập...
Kinh phí ủng hộ học bổng có thể đóng góp trực tiếp tại phòng tiếp bạn đọc báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) hoặc Văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ các khu vực. Hoặc chuyển khoản vào tài khoản báo Tuổi Trẻ số 113000006100, Ngân hàng Công thương chi nhánh 3 TP.HCM hoặc ví điện tử MoMo "Chung tay cùng Tuổi Trẻ". Nội dung chuyển tiền: "Ủng hộ học bổng Tiếp sức đến trường cho tân sinh viên".
Mời ứng viên muốn nhận học bổng Tiếp sức đến trường gửi hồ sơ TẠI ĐÂY.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận