02/10/2014 05:19 GMT+7

​Thi công gây ngập: phải bồi thường!

Q.KHẢI ghi
Q.KHẢI ghi

TT - Nhiều người dân ủng hộ đề xuất công trình gây ngập thì đơn vị thi công phải bồi thường.

Người dân ở trong hẻm đường Nguyễn Văn Luông (Q.6, TP.HCM) vất vả vì nhà thường xuyên bị ngập nước - Ảnh: Q.K.

Ý kiến đề xuất công trình gây ngập thì đơn vị thi công phải bồi thường tại buổi giám sát tình hình ngập nước trên địa bàn Q.6, TP.HCM của HĐND TP ngày 30-9 nhận được sự đồng tình của nhiều người dân. 

Tuổi Trẻ ghi nhận thêm ý kiến về vấn đề này.

* Ông Nguyễn Ngọc Công (giám đốc Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP)

Công trình gây ngập là phổ biến

Thực tế có rất nhiều công trình trong quá trình thi công gây ảnh hưởng đến nhà cửa, hệ thống thoát nước, ngập nước các khu dân cư. Là đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý hệ thống thoát nước nhưng chúng tôi không đủ thẩm quyền xử phạt các trường hợp này.

Thế nên khi phát hiện, chúng tôi chỉ báo cho các cơ quan có thẩm quyền như Sở Giao thông vận tải xử lý. Tuy nhiên, có nhiều vụ việc bị lờ đi, không xử lý nên tình trạng công trình gây ngập cũng phổ biến.

Trường hợp nâng đường gây ngập hẻm thì cần tính toán lại việc có cần thiết phải nâng đường chính cao độ chuẩn 2m, bởi vì nhiều hộ dân trong hẻm đã xây dựng nhà ở mức 1,3-1,5m.

Nếu vẫn cứ nâng đường theo cao độ trên thì nhà dân thấp hơn mặt đường từ 0,5-0,7m, chắc chắn nước ngập sẽ tràn vào hẻm, gây ngập nhà dân.

Vì vậy, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ trước khi nâng đường nên khảo sát toàn bộ các tuyến hẻm để hỗ trợ người dân trong việc nâng hẻm, nâng nhà theo phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm.

* Ông Võ Thành Bửu (người dân hẻm 316 Nguyễn Văn Luông, P.12, Q.6):

Bồi thường là đúng

Hẻm 316 Nguyễn Văn Luông, P.12, Q.6 trước đây cũng bị ngập nhẹ sau những trận mưa lớn nhưng nước thoát nhanh. Hai năm trở lại đây, đường Nguyễn Văn Luông nâng lên thì hễ cứ mưa là trong hẻm ngập ngụa nước.

Nhà tôi cao hơn mặt hẻm gần 1m nhưng sau nhiều lần hẻm được nâng cấp lại cao hơn nền nhà tới 30cm.

Mỗi lần mưa, nước cống và bùn tràn vào ngập nhà kéo dài cả ngày mới hết. Một bộ bàn ghế, một bộ salon, một tủ quần áo... không kịp kê dọn bị nước ngập ngấm vào hư hỏng cũng gây thiệt hại hàng triệu đồng.

Mỗi lần nước rút, nền nhà bám lớp bùn cống dày, ngấm vào tường, gạch gây hư hỏng, dù tốn công sức giội rửa nhưng không hết được mùi hôi, ẩm ướt.

Cuộc sống cứ luẩn quẩn với chuyện nước ngập, bùn cống làm chúng tôi bị stress liên tục.

Tôi cho rằng những công trình gây ngập thì đơn vị có trách nhiệm phải bồi thường các thiệt hại này là thỏa đáng.

Lâu nay, rất nhiều công trình gây ngập nhưng người dân chỉ biết kêu gào, kêu không thấu thì đành chịu đựng. Vì đa số các đơn vị thi công, chủ đầu tư cứ than khó và đổ lỗi rằng vì mục tiêu chung... nên kêu người dân chia sẻ.

* Một cán bộ Sở Tài chính TP:

Quy định bồi thường để “siết” công tác thi công

Thời gian qua có nhiều công trình trong quá trình thi công gây hư hại lún nứt, ngập nước nhà dân. Đối với những trường hợp gây lún nứt, mặc dù có cơ sở để tính chuyện bồi thường nhưng phải trầy trật, qua năm lần bảy lượt họp hành, thậm chí khiếu kiện thì người dân mới được bồi thường.

Còn đối với trường hợp các công trình gây ngập, làm hư hại đồ đạc, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân cũng khá phổ biến nhưng việc xem xét để hỗ trợ, bồi thường là chưa có tiền lệ. Đặc biệt là với những công trình nâng đường gây ngập các ngõ hẻm rất phổ biến trên địa bàn TP.

Vì vậy, tôi thấy rằng các cơ quan chức năng TP cần khảo sát đánh giá lại một cách tổng thể những công trình gây thiệt hại cho người dân.

Trên cơ sở đó có giải pháp hỗ trợ, bồi thường hợp lý. Việc hỗ trợ, bồi thường phải do đơn vị gây ra chịu trách nhiệm.

Đây cũng là dịp để các cấp có thẩm quyền đề xuất cơ chế, quy định để siết chặt công tác thi công cho đảm bảo an toàn, giảm thiệt hại đến mức thấp nhất đối với người dân.

Các cấp khi phê duyệt một dự án cần phải chú ý đến việc tác động của công trình đối với hạ tầng xung quanh để có giải pháp tương đối hài hòa.

Ví dụ như trước khi quyết định nâng một tuyến đường nào đó với cao trình cụ thể thì phải xem xét tới yếu tố ảnh hưởng đến việc thoát nước các con hẻm. Từ đó, phải đưa luôn chi phí nâng hẻm, thậm chí hỗ trợ nâng nền nhà cho người dân.

Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn luật sư TP.HCM):

Không bồi thường, có quyền khiếu kiện

Khi quyền lợi của người dân, đặc biệt trong đời sống sinh hoạt bị xâm phạm thì người dân có quyền khiếu nại.

Cụ thể ở đây, người dân có quyền khiếu nại đến đơn vị thi công gây ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của họ.

Trước khi khiếu nại, người dân cần phải chứng minh thiệt hại vật chất cụ thể của mình do lỗi của đơn vị thi công gây ra, chứ không thể nói thiệt hại chung chung: đường, nhà bị ngập ảnh hưởng đi lại.

Nếu đơn vị thi công không giải quyết, lúc này người dân mới sử dụng quyền khiếu kiện yêu cầu tòa án là cơ quan giải quyết cuối cùng của mình. Tòa án mà người dân gửi đơn khiếu kiện là nơi đơn vị thi công thường trú.

Việc giám định thiệt hại cụ thể của người dân sẽ do tòa án thực hiện. Đối với trường hợp đơn vị thi công gây thiệt hại cho nhiều hộ dân thì người dân có thể tập hợp và ủy quyền cho một người đứng ra khởi kiện. Việc ủy quyền này phải được thực hiện bằng văn bản.

 

Q.KHẢI ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên