26/09/2014 07:57 GMT+7

​Thêm một di tích lăng đá đang biến mất

PHAN CẨM THƯỢNG (họa sĩ, nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật)
PHAN CẨM THƯỢNG (họa sĩ, nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật)

TT - Như bài báo trước chúng tôi đã đưa, ở Lại Yên, Hoài Đức (Hà Nội) có ba lăng đá.

Lăng đá quan đề đốc (ảnh chụp năm 2013) - Ảnh: Quách Ngọc An
Lăng đá quan đề đốc (ảnh chụp năm 2013) - Ảnh: Quách Ngọc An

 

Trong đó lăng đá quận công Phạm Mẫn Trực (năm 1715) và lăng đá quận công Phạm Đôn Nghị (1734) là di tích quốc gia. Còn lăng đá quan đề đốc Phạm Nguyễn Công chưa là di tích quốc gia nhưng nằm trong quần thể di tích trên, đã được kiểm kê trong danh mục di tích của huyện Hoài Đức và bảo vệ theo Luật di sản văn hóa (trích đơn xin xếp hạng di tích quốc gia của đại diện họ Phạm Đình). Hiện lăng đá này cũng như lăng quận công Phạm Mẫn Trực đang sụp đổ.

Đề đốc Phạm Nguyễn Công (tên khác là Nguyễn Thân Lập) sinh năm 1685, là con nuôi quận công Phạm Mẫn Trực. Theo văn bia, ông là tổng thái giám, tham đốc lĩnh đề đốc, ký thọ hầu, chỉ huy các đội tượng binh, bảo vệ biên giới phía tây vùng Thanh Nghệ Tĩnh, tăng cường sức mạnh của nhà Lê Trịnh với biên giới Lào và chúa Nguyễn ở Đàng Trong.

Ông mất năm 1728, được chôn ở Mả Hương, lăng mộ được làm năm 1734.

Lăng đá quan đề đốc chìm trong nước và cây cỏ  (ảnh chụp tháng 9-2014) - Ảnh: Phan Cẩm Thượng
Lăng đá quan đề đốc chìm trong nước và cây cỏ (ảnh chụp tháng 9-2014) - Ảnh: Phan Cẩm Thượng

So với hai lăng mộ quận công trên thì lăng quan đề đốc có quy mô nhỏ hơn, chủ yếu khu mộ có tường bao bằng đá ong, có nghê đá, chó đá, hương án, cây hương và lư hương đá, bài vị đá đầu mộ và bia có mái.

Hiện khu lăng mộ này nằm trong đất của một doanh nghiệp, ngoài rìa làng, hoàn toàn không được chăm sóc. Khu đất cũng chưa được khởi công nên trở thành một vùng lầy lội, cây cỏ hoang mọc dày.

Toàn bộ khu lăng và các di vật đang tụt sâu xuống bùn nước và muốn vào đây phải lội xuống nước. Chúng tôi không rõ sau này nếu doanh nghiệp khởi dựng sẽ xử trí khu lăng thế nào, nhưng có lẽ nó sẽ tan biến hoàn toàn trong thời gian không xa.

Trong lịch sử khu lăng có nhà tiền tế và khu mộ nằm trên khu đất 6 sào ruộng, nay diện tích thu hẹp trong 13,5 x 11,4m.

Văn hóa truyền thống dù có được xếp hạng hay không cũng là di sản hàng trăm năm văn minh của người Việt để lại, những tác phẩm bi ký, tượng nghê, chó cho thấy phong cách điêu khắc đá thế kỷ 18, bổ sung cho sự nghiên cứu hai lăng mộ đã là di tích quốc gia nói trên.

Cần cấp thiết tu sửa lăng quận công Phạm Mẫn Trực

Ngay sau khi họa sĩ - nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật Phan Cẩm Thượng có bài viết phản ánh tình trạng xuống cấp nghiêm trọng ở lăng quận công Phạm Mẫn Trực (Tuổi Trẻ ngày 5-9), Sở VH-TT&DL Hà Nội đã cử đoàn đến kiểm tra hiện trạng di tích này.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trương Minh Tiến, phó giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội, thừa nhận nếu không kịp thời tu bổ, lăng quận công Phạm Mẫn Trực có thể sụp đổ trong vòng hai năm hoặc sớm hơn.

“Di tích này cần phải cấp thiết tu bổ để trước mắt đảm bảo di tích không xuống cấp nhanh. Sau đó về lâu dài, huyện Hoài Đức phải lập một dự án tu bổ tổng thể để trùng tu di tích này” - ông Trương Minh Tiến nói.

Ông cũng cho biết Sở VH-TT&DL đã có văn bản gửi UBND huyện Hoài Đức yêu cầu địa phương phải nhanh chóng lập phương án tu bổ cấp thiết di tích này. Đồng thời Sở VH-TT&DL Hà Nội đã báo cáo sự việc lên Cục Di sản văn hóa của Bộ VH-TT&DL.

Tuy nhiên, ông Tiến cũng nói rõ rằng hiện nay do sự phân cấp ngân sách nên địa phương quản lý trực tiếp di tích là huyện Hoài Đức sẽ phải tự lo nguồn kinh phí để trùng tu lăng quận công Phạm Mẫn Trực, vì thành phố Hà Nội không có nguồn ngân sách hỗ trợ. Sở VH-TT&DL Hà Nội sẽ chỉ đạo và kiểm tra về chuyên môn.

V.V.TUÂN

 

PHAN CẨM THƯỢNG (họa sĩ, nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên