Bộ Y tế Nhật Bản ngày 28-6 cho hay có thêm hàng chục trường hợp tử vong có khả năng liên quan đến thực phẩm bổ sung men gạo đỏ (beni koji) của hãng Kobayashi Pharmaceutical, ngoài 5 trường hợp đã được xác nhận trước đó.
Theo Japan Times, các cuộc điều tra đối với 3 trường hợp đã hoàn thành và không thể xác nhận có liên quan hay không đến men gạo đỏ, 76 trường hợp còn lại vẫn đang được điều tra.
Bộ Y tế trước đó đã yêu cầu Kobayashi công khai số trường hợp bị ảnh hưởng sức khỏe do dùng sản phẩm của hãng, song Kobayashi vẫn chưa cập nhật số người chết kể từ ngày 29-3, thời điểm số người chết được ghi nhận là 5 người.
Tại cuộc họp ngày 28-6, Chánh Văn phòng Nội các Yoshimasa Hayashi nói việc Kobayashi Pharmaceutical không báo cáo cập nhật kịp thời số người chết là "cực kỳ đáng tiếc", đồng thời khẳng định Bộ Y tế sẽ giám sát để Kobayashi điều tra rốt ráo các trường hợp tử vong.
Trong khi đó Kyodo News dẫn lời Bộ trưởng Y tế, Lao động và Phúc lợi Keizo Takemi nói công ty đã không báo cáo chính xác với các cơ quan chức năng về tình hình thực tế, và bộ này sẽ trực tiếp điều hành cuộc điều tra.
Kobayashi bị Bộ Y tế điều tra vào đầu năm nay sau khi có thông tin nhiều người gặp các vấn đề sức khỏe liên quan đến thận sau khi dùng beni kōji, với 289 người nhập viện và hơn 1.600 người đến khám tại các cơ sở y tế (con số tính đến ngày 26-6).
Các báo cáo trước đó cho thấy axit puberulic, hay nấm mốc xanh, cùng hai hợp chất ngoài ý muốn khác, rất có thể là nguyên nhân ảnh hưởng sức khỏe của người dùng. Các chất này xuất hiện trong một lô nguyên liệu gạo men đỏ thô được sản xuất từ tháng 6 đến tháng 8 năm ngoái trong quá trình sản xuất.
Nạn nhân ở Đài Loan đâm đơn kiện công ty con của Kobayashi
Tại Việt Nam, ngày 25-3, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cảnh báo về các sản phẩm bảo vệ sức khỏe của Công ty Dược phẩm Kobayashi, Nhật Bản có nguy cơ làm tổn thương thận, gồm "Beni-koji choleste-help"; "Naishi-help plus cholesterol"; "Natto-kinase sarasara-tsubu gold" và Kobayashi Naishi Help 30.
"Để an toàn sức khỏe cho người sử dụng, người tiêu dùng không mua, không sử dụng sản phẩm có các thông tin như nêu trên. Trường hợp phát hiện các sản phẩm này lưu hành trên thị trường đề nghị thông báo cho cơ quan chức năng để xử lý theo quy định của pháp luật", Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo.
Trong khi đó tại Đài Loan, Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng Đài Loan hôm 27-6 thông tin hơn 30 nạn nhân đã đệ đơn kiện công ty con của Kobayashi ở Đài Loan, theo Kyodo News.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận