02/10/2021 14:15 GMT+7

Thể thao Việt Nam 'tấn công' đấu trường Olympic, Asiad thay vì tập trung cho SEA Games

KHƯƠNG XUÂN
KHƯƠNG XUÂN

TTO - Thể thao Việt Nam sẽ không tập trung nguồn lực mạnh nhất cho SEA Games mà 'tấn công' vào đấu trường Olympic và Asiad trong 10 năm tới. Đây là quan điểm đột phá trong Chiến lược phát triển thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050.

Thể thao Việt Nam tấn công đấu trường Olympic, Asiad thay vì tập trung cho SEA Games - Ảnh 1.

Thể thao Việt Nam sẽ thay đổi mục tiêu, thay vì tập trung cho SEA Games thì sẽ ưu tiên tấn công đấu trường Olympic và Asiad - Ảnh: TTO

Dự thảo Chiến lược phát triển thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đang được Tổng cục TDTT xây dựng, Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch sẽ trình Chính phủ trong năm 2021.

Mục tiêu đặt ra cao

Trước đó, ngày 11-11-2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch phát triển thể dục thể thao đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Đây là "xương sống" để phát triển thể thao Việt Nam trong gần 10 năm qua. 

Mục tiêu của quy hoạch là phát triển mạnh mẽ thể thao quần chúng, nâng cao thể lực, tầm vóc người Việt Nam. Trên cơ sở đó chọn ra được những hạt giống để phát triển thể thao thành tích cao, nâng cao thành tích trên đấu trường quốc tế.

Quy hoạch phát triển thể thao Việt Nam đến năm 2020 đưa ra mục tiêu cụ thể với thể thao thành tích cao. Trong đó, đấu trường SEA Games được coi là trọng tâm khi Chính phủ đặt chỉ tiêu thể thao Việt Nam luôn phải đứng trong top 3 quốc gia tham dự đại hội.

Với đấu trường Asiad, mục tiêu của Chính phủ là: Asiad 2014 đạt từ 2-3 HCV và xếp hạng 15-20 toàn đoàn; Asiad  2018 phải đạt 10-15 HCV, xếp hạng 10-15 toàn đoàn; giai đoạn 2020-2030 phải đứng trong top 10 nước dẫn đầu châu Á.

Ở đấu trường Olympic, Chính phủ đặt mục tiêu: Olympic 2016 thể thao Việt Nam phải có 30-40 VĐV tham dự và giành được 1-2 huy chương; trong giai đoạn 2020-2030 có 30-50 VĐV tham dự Olympic và đạt trên 2 huy chương, phấn đấu có huy chương vàng.

Thể thao Việt Nam tấn công đấu trường Olympic, Asiad thay vì tập trung cho SEA Games - Ảnh 2.

Thành tích của đội tuyển bóng đá nam Việt Nam được coi là đột phá so với mục tiêu Quy hoạch phát triển thể thao Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 của Chính phủ - Ảnh: TTO

Có đột phá nhưng vẫn chưa hoàn thành nhiệm vụ

Những năm qua, thể thao Việt Nam đã đạt những thành tích ấn tượng như: giành HCV Olympic 2016; bóng đá nam giành HCV SEA Games, HCV Đông Nam Á và vào đến vòng loại thứ 3 World Cup… Tuy nhiên, so với mục tiêu mà Quy hoạch phát triển thể thao đến năm 2020, tầm nhìn 2030 Chính phủ đặt ra thì ngành thể thao vẫn chưa hoàn thành nhiệm vụ.

Cụ thể, thể thao Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ top 3 SEA Games nhưng thành tích ở Asiad và Olympic thì quá thấp, thiếu bền vững. 

Tại Asiad 2014, thể thao Việt Nam chỉ giành được 1 HCV, xếp thứ 21/45 quốc gia tham dự. Asiad 2018 thể thao Việt Nam giành 4 HCV, xếp thứ 16/45 quốc gia tham dự.

Ở Olympic 2012, thể thao Việt Nam có 18 VĐV tham dự nhưng không giành được huy chương nào. Olympic 2016 thể thao Việt Nam giành được 1 HCV, 1 HCB của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh và giúp chúng ta xếp 48/206 quốc gia tham dự. Vậy nhưng đến Olympic Tokyo 2020, thể thao Việt Nam lại trắng tay, trong khi số VĐV tham dự cũng chỉ có 18 người.

Ngày 1-10, ông Trần Đức Phấn - phó tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT - cho biết Tổng cục TDTT đang hoàn thiện dự thảo Chiến lược phát triển thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Dự thảo sẽ trình Chính phủ trong năm 2021 và là "xương sống" để định hướng, phát triển thể thao Việt Nam.

Ông Phấn nói: "Trong quy hoạch cũ, thể thao Việt Nam luôn phải đứng top 3 SEA Games. Trong Chiến lược đến năm 2030 tầm nhìn 2050, chúng tôi đã điều chỉnh mục tiêu thay vì tập trung cho SEA Games thì thể thao Việt Nam sẽ tấn công vào đấu trường Olympic và Asiad. 

Ưu tiên số 1 của thể thao Việt Nam là Olympic, số 2 là Asiad và SEA Games là thứ 3. Đây là thay đổi cốt lõi của chiến lược và phù hợp với thực tế phát triển của thể thao Việt Nam. Nếu không điều chỉnh mục tiêu, thể thao Việt Nam sẽ không thể tiếp cận được với thành tích của thể thao châu lục và thế giới trong khi nguồn lực có hạn".

Thể thao Việt Nam tấn công đấu trường Olympic, Asiad thay vì tập trung cho SEA Games - Ảnh 3.

Huy Hoàng - niềm hy vọng giành HCV cho thể thao Việt Nam tại Asiad Hàng Châu 2022 tới - Ảnh: TTO

Thể thao Việt Nam bị Thái Lan, Indonesia, Philippines… bỏ xa

Do mải mê thực hiện mục tiêu top 3 SEA Games trong khi nguồn lực có hạn khiến thể thao Việt Nam bị các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á bỏ xa trên đấu trường Asiad và Olympic nhiều năm qua.

Cụ thể, tại Olympic Tokyo 2020, trong khi thể thao Việt Nam trắng tay thì Philippines đã giành được 1 HCV, 2 HCB, 1 HCĐ. Indonesia giành được 1 HCV, 1 HCB, 3 HCĐ. Thái Lan giành được 1 HCV, 1 HCĐ.

Trong lịch sử các kỳ tham dự Olympic: Thái Lan đã giành đến 10 HCV; Indonesia giành 8 HCV; trong khi đó Philippines cũng có 1 HCV, 5 HCB, 8 HCĐ. Còn thể thao Việt Nam mới giành được tổng cộng 5 huy chương Olympic, trong đó có 1 HCV, 3 HCB, 1 HCĐ.

Chưa được phân bổ kinh phí tổ chức SEA Games 31 tại Việt Nam Chưa được phân bổ kinh phí tổ chức SEA Games 31 tại Việt Nam

TTO - Chiều 1-10, Tổng cục TDTT cho biết do kinh phí tổ chức SEA Games 31 chưa được phân bổ nên nhiều công việc chuẩn bị cho đại hội gặp rất nhiều khó khăn, chưa thể triển khai. SEA Games 31 dự kiến được tổ chức vào tháng 5-2022.

KHƯƠNG XUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên