16/08/2020 09:18 GMT+7

Thế nào là nâng mức cảnh báo dịch tại cộng đồng?

LAN ANH
LAN ANH

TTO - Lo ngại có tình trạng bỏ lọt bệnh nhân, cùng với việc có nhiều ca mắc mới mất dấu, Bộ Y tế cho rằng việc nâng mức cảnh báo dịch tại cộng đồng là cấp thiết hiện nay. Như thế nào là nâng mức cảnh báo dịch?

Thế nào là nâng mức cảnh báo dịch tại cộng đồng? - Ảnh 1.

Phong tỏa khu phố Trần Văn Giáp, phường Thanh Bình, thành phố Hải Dương, nơi có nhà bệnh nhân 950 - Ảnh: TTXVN

3 ngày trước, tỉnh Hải Dương ghi nhận bệnh nhân 867 (63 tuổi), nguồn lây ban đầu không rõ nhưng hiện xác định lây tại Hải Dương. Điều đáng nói là bệnh nhân đã đi 2 bệnh viện trước khi được xác định dương tính, lo ngại có tình trạng bỏ lọt bệnh nhân.

Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều tối qua 15-8, cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế Đặng Quang Tấn cho rằng tình hình kể trên, bên cạnh việc có ca mắc mới mất dấu tại Hà Nội cho thấy nâng mức cảnh báo dịch tại cộng đồng là cấp thiết hiện nay.

Nhiều ca mất dấu

Theo ông Tấn, không phải hiện nay mức cảnh báo A và nâng lên mức B, mà các dấu hiệu hiện nay cho thấy có mầm bệnh tại cộng đồng. Ca bệnh đầu tiên trong giai đoạn này (bệnh nhân 416) cũng là ca bệnh mất dấu, trong thời gian từ 25-7 đến nay cũng có nhiều bệnh nhân mất dấu, điều đó cho thấy nâng mức cảnh báo là cần thiết.

Cụ thể, nâng mức cảnh báo là nâng mức cảnh giác, nhất là những người từ Đà Nẵng trở về, các bệnh viện chú ý phân luồng, phát hiện sớm người có ho, sốt, nghi ngờ mắc viêm đường hô hấp cấp, không để lọt bệnh nhân. 

Sau khi ghi nhận bệnh nhân 867, Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế đã có văn bản cảnh báo bệnh viện không để lọt bệnh nhân như đã xảy ra vừa qua.

Trong đợt dịch này, điều đáng chú ý là dịch lây lan mạnh trong khu vực bệnh viện, bệnh nhân có sẵn bệnh nền, tỉ lệ tử vong đã ở mức 2,1% (23 ca tử vong cho đến nay), cho thấy nếu không cảnh báo và phân luồng từ sớm, tình trạng tương tự tái diễn và nguy cơ dịch lặp đi lặp lại nhiều đợt khó khống chế là hoàn toàn xảy ra. 

Gần đây đã có một nữ bác sĩ ở Hà Nội đi Nhật Bản và xét nghiệm nhanh phát hiện dương tính (xét nghiệm lần 2 cho kết quả âm tính), cho thấy mầm bệnh có ở nhiều nơi và có thể lây lan nếu không cảnh giác.

Có thể khống chế dịch trong tháng 8?

Theo nhận xét của ông Đặng Quang Tấn, số mắc mới đã có dấu hiệu giảm trong tuần này, mặc dù mỗi ngày vẫn có chừng 20 bệnh nhân mới, nhưng so với tuần trước thì dấu hiệu giảm đã rõ hơn.

Các chuyên gia của Bộ Y tế cho rằng Đà Nẵng không phải là nỗi lo ngại lớn nhất hiện nay, mặc dù dịch chủ yếu vẫn gia tăng tại khu vực Đà Nẵng và Quảng Nam, mà các thành phố lớn đều là khu vực đáng lo ngại, trong đó Hà Nội đáng lo nhất do chưa hoàn tất xét nghiệm nhóm đi từ Đà Nẵng về. Bên cạnh đó, Hải Dương cũng đã có chùm ca bệnh mất dấu, dẫn đến phải giãn cách xã hội từ 14-8.

Trước tình hình này, ông Tấn khuyến cáo các địa phương cần đẩy mạnh xét nghiệm nhóm nguy cơ, phân luồng bệnh nhân tại bệnh viện, tránh lây lan. 

Tại các khu vực đông dân cư, người dân chú ý đeo khẩu trang, rửa tay, đảm bảo khoảng cách 2m để phòng tránh lây lan. Nếu thực hiện đúng các khuyến cáo, cơ hội khống chế dịch trong tháng 8 là hoàn toàn có thể.

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Hải Dương nâng cấp độ cách ly xã hội Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Hải Dương nâng cấp độ cách ly xã hội

TTO - Tối 15-8, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 của TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương tiếp tục họp khẩn để đưa ra các biện pháp nhằm nâng cao "cấp độ" cách ly xã hội, do diễn biến mới của dịch COVID-19 tại đây đang rất phức tạp.

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên