Trong năm 2015, thế giới đã chứng kiến hàng loạt sự kiện gây chấn động, từ sự trỗi dậy của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), Nga can thiệp quân sự vào Syria cho đến việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo trái phép trên biển Đông.
Theo tiến sĩ Đỗ Sơn Hải và giáo sư Thayer, còn nhiều vướng mắc và khủng hoảng của năm 2015 sẽ tiếp tục kéo dài suốt năm 2016.
Năm 2015 Trung Quốc ồ ạt bồi lấn, xây đảo nhân tạo trái phép trên biển Đông - Ảnh: CSIS |
* Trong năm 2015, Trung Quốc liên tục tăng cường xây đảo nhân tạo trái phép trên biển Đông. Liệu Trung Quốc sẽ còn tiếp tục những gì năm 2016?
- Tiến sĩ Đỗ Sơn Hải: Dự báo được hành động tiếp theo của Trung Quốc trên Biển Đông là việc làm hết sức khó khăn đối với mọi nhà nghiên cứu, giống như người đứng ở nơi sáng mà phải nói về những điều trong bóng tối vậy.
Về tổng thể, Trung Quốc sẽ không ngại thực hiện bất cứ một giải pháp nào, như thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông. Đáng lo ngại nhất là việc Trung Quốc có thể tiến hành các biện pháp tuần tra, kiểm soát trên Biển Đông như thể đó là ao nhà của họ.
Có hai việc mà chắc Trung Quốc chưa muốn làm trong thời gian tới. Một là va chạm với Mỹ hay ở một mức độ nào đó là với Nhật và Ấn Độ. Hai là sử dụng công cụ pháp lý (tương tự như Philippines), bởi có Trung Quốc chưa tích lũy đủ bằng chứng để khẳng định chủ quyền.
Phản ứng của ASEAN trước các hành động của Trung Quốc chắc chắn sẽ vẫn ở mức ngoại giao là chính. Phản ứng của Mỹ có lẽ cũng chỉ dừng lại ở mức răn đe như đã từng làm trong năm 2015, như đưa hạm tàu USS Lassen hay máy bay B52 vào Biển Đông.
Năm 2016 là năm bầu cử nên Nhà Trắng cũng không dám đánh cược uy tín chính trị của đảng Dân chủ vào sự kiện này. Đụng độ bất ngờ trên Biển Đông phụ thuộc rất nhiều vào khả năng kiềm chế của chính Trung Quốc.
- Giáo sư Carl Thayer: Trung Quốc sẽ tiếp tục xây dựng các hạ tầng trên bảy đảo nhân tạo trái phép. Ba đường băng dài 3.000 m sẽ đi vào hoạt động. Tàu cảnh sát biển và hải quân Trung Quốc sẽ thường xuyên tới các đảo nhân tạo này.
Bắc Kinh sẽ tiếp tục quân sự hóa chúng bằng chiến dịch triển khai các thiết bị điện tử và kỹ thuật để hỗ trợ lực lượng hàng hải của nước này.
Chắc chắn quân đội Mỹ sẽ tiếp tục các cuộc tuần tra bảo vệ tự do hàng hải trên biển Đông. Các tàu chiến Trung Quốc sẽ tìm cách chặn những cuộc tuần tra trên biển và trên không của lực lượng Mỹ. Nhưng Bắc Kinh sẽ không dám gây hấn dẫn tới đụng độ vũ trang trên biển Đông.
Binh sĩ Pháp tuần tra ở Paris sau vụ tấn công khủng bố đêm 13-11-2015 - Ảnh: Reuters |
* Trong năm 2015, tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) đã đánh mất một số vùng lãnh thổ ở Iraq và Syria, nhưng tổ chức các cuộc tấn công khủng bố ở ba châu lục. Cuộc chiến chống IS sẽ tiếp diễn thế nào?
- Tiến sĩ Đỗ Sơn Hải: Cứ nhìn việc các nước phải thắt chặt an ninh trong đêm giao thừa 2016 cũng đủ khẳng định nguy cơ khủng bố có thể hiện hữu ở bất cứ đâu.
Hơn nữa, cách tốt nhất để IS tồn tại trước các chiến dịch không kích của các cường quốc tại Syria, hoặc sự thay đổi chiến thuật của liên quân Mỹ - Iraq (qua việc đánh chiếm lại thành phố Ramadi), chính là việc tiến hành các vụ khủng bố ngay tại châu Âu và Mỹ.
Mọi giải pháp mà các nước đã và đang tiến hành chưa thể tiêu diệt được IS, đặc biệt nếu IS bắt đầu phân tán lực lượng ra ngoài thánh địa tại Syria và Iraq.
Giờ đây, cộng đồng quốc tế đang trông chờ vào một Mặt trận thống nhất chống IS có thể được thành lập sau khi Hội đồng Bảo an LHQ thông qua được nghị quyết về vấn đề này. Đây có thể là một vũ khí mới giúp cuộc chiến chống khủng bố thu được hiệu quả hơn.
- Giáo sư Carl Thayer: IS và các mạng lưới của chúng ở nước ngoài có khả năng tiếp tục thực hiện những cuộc giết chóc quy mô lớn tại phương Tây. Có thể trong năm 2016 những cuộc thảm sát như vụ Paris sẽ lặp lại. IS cần “tiếng vang” để tiếp tục chiêu mộ cực đoan và cũng có ý đồ tấn công báo thù các nước đã tham gia chiến dịch không kích ở Syria.
Năm 2016, IS có thể sẽ tiếp tục suy yếu, nhưng điều đó không làm mối đe dọa khủng bố của IS giảm đi. IS sẽ tăng cường mở rộng hoạt động ở nhiều quốc gia Trung Đông và châu Phi, trong đó có Libya ở rất gần châu Âu.
Người tị nạn vượt biển đến Hi Lạp - Ảnh: Reuters |
* Trong năm 2015, châu Âu rơi vào cuộc khủng hoảng di cư và tị nạn nghiêm trọng nhất kể từ Thế chiến II. Liệu cuộc khủng hoảng này có thể phá hủy hệ thống Schengen?
- Tiến sĩ Đỗ Sơn Hải: Khi Hungaria dựng lên hàng rào thép gai dọc biên giới, sau đó là Đức, Áo bắt đầu kiểm soát biên giới gắt gao thì hệ thống Schengen có lẽ chỉ còn trên giấy mà thôi.
Đây cũng là điều khiến các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đang lo ngại, vì sau Schengen sẽ kéo theo những nền tảng pháp lý, những giá trị cơ bản khác của EU.
EU đang rơi vào tình trạng lưỡng nan - muốn duy trì hệ thống Schengen nhưng khả năng đang không đủ, đặc biệt là sự chia rẽ trong nội bộ khối.
- Giáo sư Carl Thayer: Châu Âu sẽ không từ bỏ cơ chế đi lại tự do Schengen cho những ai đi vào khu vực một cách hợp pháp. Nhưng các nước sẽ siết chặt kiểm soát biên giới.
Mỗi quốc gia châu Âu sẽ áp dụng chính sách riêng để xử lý vấn đề di cư và tị nạn. Châu Âu nhận ra rằng dòng người di cư và tị nạn hiện tại vượt quá khả năng giải quyết của khu vực.
Một nguy cơ tiềm ẩn là những kẻ cực đoan giả dạng làm người tị nạn thực hiện tấn công khủng bố đẫm máu như vụ tấn công Paris đêm 13-11-2015.
Khi đó dư luận châu Âu sẽ phản đối dữ dội các kế hoạch tiếp nhận người di cư và tị nạn. Làn sóng cực hữu, bài ngoại, phản đối người tị nạn sẽ tiếp tục bùng lên ở châu Âu.
* Năm 2015, Mỹ và 11 quốc gia đã hoàn tất đàm phán TPP. Tuy nhiên vướng mắc còn tồn tại ở Quốc hội Mỹ. Liệu Tổng thống Barack Obama có thể thuyết phục quốc hội phê chuẩn TPP?
- Tiến sĩ Đỗ Sơn Hải: Tôi nghĩ hoàn toàn có thể. Sự chống đối TPP của phe Cộng hòa chỉ là phản ứng theo thói quen đối lập chính trị với Dân chủ, chứ thực chất họ có cùng mục tiêu kinh tế trong TPP với Nhà Trắng.
- Giáo sư Carl Thayer: Đây là câu hỏi rất khó trả lời trong năm bầu cử tổng thống Mỹ. Đảng Dân chủ quyết tái đắc cử và lực lượng ủng hộ họ phản đối TPP. Hãy nhớ rằng cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton từng vận động cho TPP nhưng rồi lại lên tiếng phản đối hiệp định này.
Ở Mỹ có nhiều người cho rằng Tổng thống Obama sẽ không thể thuyết phục Quốc hội phê chuẩn TPP trong những tháng tới, đặc biệt khi các cuộc bầu cử sơ bộ bắt đầu diễn ra, mở đường cho cuộc bầu cử tổng thống. TPP sẽ là vấn đề của Quốc hội Mỹ vào năm 2017.
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton là ứng cử viên lớn của vị trí tổng thống Mỹ - Ảnh: Reuters |
* Ông dự báo như thế nào về cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016? Có khả năng tỷ phú Donald Trump gây bất ngờ và giành chiến thắng hay không, hay cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton sẽ trở lại Nhà Trắng như dự báo?
- Tiến sĩ Đỗ Sơn Hải: Trong vài chục năm gần đây, bầu cử tổng thống Mỹ luôn đem đến những bất ngờ ngoài sức tưởng tượng, như gần nhất là chiến thắng của tổng thống Barack Obama.
Căn cứ vào số liệu thống kê thì đã đến lúc đảng Cộng hòa giành chiến thắng. Căn cứ vào chương trình tranh cử thì cả Donald Trump lẫn bà Hillary Clinton chưa cho thấy họ đưa ra điều gì mới có thể thu hút sự ủng hộ vượt trội của cử tri.
Giáo sư Carl Thayer: Bà Hillary Clinton nhiều khả năng sẽ giành vé của Đảng Dân chủ. Hãy còn quá sớm để dự đoán về Donald Trump bởi ông ta phải đối mặt với nhiều đối thủ khác của Đảng Cộng hòa.
Chưa thể dự đoán ai sẽ giành vé của Đảng Cộng hòa cho đến khi các cuộc bầu cử sơ bộ diễn ra. Và thậm chí các cuộc bầu cử sơ bộ cũng chưa chắc đã xác định được ứng cử viên cụ thể và đại hội của Đảng Cộng hòa sẽ chứng kiến một cuộc chiến căng thẳng.
Nếu điều đó xảy ra, Đảng Cộng hòa sẽ bị chia rẽ trầm trọng khi bước vào cuộc bầu cử tổng thống tháng 11-2016. Và khi đó, bà Clinton sẽ hưởng lợi lớn.
Kinh tế Trung Quốc "hạ cánh cứng"? * Năm 2015, đã có nhiều tin xấu về nền kinh tế Trung Quốc như thị trường chứng khoán khủng hoảng, Bắc Kinh phá giá đồng nhân dân tệ, GDP giảm... Khả năng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới “hạ cánh cứng” có lớn không và ảnh hưởng của nó? - Tiến sĩ Đỗ Sơn Hải: Tôi không nghĩ điều tồi tệ này sẽ xảy ra, bởi nó sẽ bất lợi cho tất cả chứ không riêng gì Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc cũng đang có những nỗ lực nhằm tránh tình trạng này. Xét cho cùng, với mô hình quản lý vĩ mô thuộc về nhà nước như hiện nay, chính phủ Trung Quốc vẫn đủ khả năng huy động trí lực của quốc gia để thực hiện các chính sách. - Giáo sư Carl Thayer: Khả năng nền kinh tế Trung Quốc “hạ cánh cứng” là có thể nhưng không lớn. Trong năm 2016, Trung Quốc sẽ tiếp tục tái cơ cấu nền kinh tế từ phụ thuộc vào xuất khẩu sang phụ thuộc vào tiêu dùng nội địa. Hiện nay, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc giảm tốc đã ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu. Các nền kinh tế mới nổi sẽ chịu cú sốc lớn nhất. Trên thực tế các quốc gia cung cấp tài nguyên cho Trung Quốc đã bắt đầu cảm nhận được ảnh hưởng xấu từ việc nhu cầu của Trung Quốc sụt giảm. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận