Phần chính điện của Chùa Từ Hiếu - một ngôi danh lam cổ tự nổi tiếng bậc nhất xứ Huế - vừa được tháo dỡ toàn bộ để xây dựng mới.

Công cuộc đại trùng tu này chỉ giữ lại 2 phù điêu trang trí và một số chân tảng đỡ cột, toàn bộ cấu kiện và phần trang trí còn lại đều được thay mới trong sự tiếc nuối ngẩn ngơ của nhiều người…

Sư thầy giám tự nhà chùa cho rằng chùa xuống cấp quá, không thể giữ lại nên phải làm mới gần như toàn bộ.

Thay mới chánh điện chùa cổ Từ Hiếu: Bỏ cổ thay mới? - Ảnh 1.

Tại hiện trường, toàn bộ cấu kiện cột, kèo, xuyên, trến, đòn tay… đã được dựng lên trên trên khu nền điện xưa. Thượng tọa Thích Từ Đạo, giám tự kiêm trưởng ban xây dựng cho hay hầu hết đều được "làm mới nhưng giữ lại nét cổ", tức mọi hình ảnh, kích thước đều như chánh điện xưa. 

Toàn bộ phần gỗ được làm bằng gỗ lim mới; mái ngói liệt cũng thay mới hoàn toàn. Các con giống trang trí trên bờ nóc, cuối mái cũng được làm lại bằng xi măng khảm gốm sứ. Công trình chỉ giữ lại hai mảng trang trí long mã khảm gốm sứ, thủy tinh và một số chân tảng bằng đá…

Thay mới chánh điện chùa cổ Từ Hiếu: Bỏ cổ thay mới? - Ảnh 2.

Chánh điện bằng gỗ mới - Ảnh: AN NHIÊN

Những cấu kiện chánh điện xuống cấp trước khi tháo dỡ - Ảnh: Facebook Chùa Từ Hiếu - Huế

Việc làm mới gần như hoàn toàn, theo người giám tự, là do chánh điện cũ bị mối mọt, xuống cấp, "ngó rứa mà mối ăn, trong bộng hết, phải làm thôi, không làm thì sập, nguy hiểm!".

Chùa Từ Hiếu hình thành năm 1843, bắt đầu xây dựng qui mô năm 1848; theo thượng tọa Từ Đạo, trong quá trình tồn tại trải qua nhiều đợt tu sửa. Nhất là trong đợt tu sửa đầu những năm 1960 "chỉ sửa chứ không phải đại tu" nên hiện nay "phần gỗ trong tổng thể bị mối ăn hết 50% rồi!".

Vị này cho biết thêm: "Xưa thì mình làm lại kiểu xưa thôi còn hư rồi thì mình làm lại mới toàn bộ, không tận dụng được (vì) tận dụng thành ra chắp nối, mà chắp nối là mất giá trị của chùa. Nghĩa là khi chắp nối thì thành ra chắp vá thôi. Một lần làm là lần khó cho nên (phải) làm mới toàn bộ thôi!". Vị thượng tọa cho biết phần gỗ xưa tạm để vậy, sẽ dùng vào làm việc khác…

Cách chánh điện đang xây chừng 50m về phía trái, toàn bộ số gỗ xưa được tháo dỡ từ chánh điện đang được sắp xếp ngay ngắn thành khối vuông cao hơn 2m. "Soi kỹ" từng cấu kiện, TS.KTS Lê Vĩnh An, viện trưởng Viện Công nghệ Việt Nhật (VJET) – ĐH Duy Tân Đà Nẵng, vô cùng tiếc rẻ.

Ông An xác định những cột, kèo, xuyên, trến, đòn tay và cả rui mè, có lẽ do môi trường khói trầm, hương nên trong tình trạng tốt. Ông nói: "nhìn vào hiện trạng cấu kiện, tỉ lệ gỗ còn dùng được khoảng 70-80%, cho nên hoàn toàn có thể trùng tu với giá rẻ hơn nhiều so với làm mới, và có thể giữ lại công trình xưa tồn tại với chúng ta ít nhất hơn nửa thế kỷ nữa!".

Thay mới chánh điện chùa cổ Từ Hiếu: Bỏ cổ thay mới? - Ảnh 4.
Thay mới chánh điện chùa cổ Từ Hiếu: Bỏ cổ thay mới? - Ảnh 5.

Chùa Từ Hiếu chưa được xếp hạng di tích, song cũng đã nằm trong danh mục 153 công trình, địa điểm đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ra quyết định bảo vệ (tại quyết định số 1046/QĐ-UBND ngày 8-10-1993). Công trình "đại trùng tu" lần này được Sở Xây dựng Thừa Thiên Huế cấp phép xây dựng ngày 1-3-2019.

Trước đó, ngày 14-2, Sở Văn hóa-thể thao tỉnh này đã có văn bản tham gia góp ý hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công, trong đó đề nghị công trình phải tuân thủ theo qui định của pháp luật về di sản văn hóa hiện hành.

Thay mới chánh điện chùa cổ Từ Hiếu: Bỏ cổ thay mới? - Ảnh 6.

Cảnh sắc thơ mộng của chùa Từ Hiếu - Ảnh: AN NHIÊN

Việc triệt giải kiến trúc xưa để dựng mới đã diễn ra trong sự nuối tiếc của nhiều người. TS.KTS Lê Vĩnh An cho rằng, mỗi một di sản kiến trúc cổ, như chánh điện chùa Từ Hiếu là sự kết tinh của ba nhóm giá trị: giá trị tình cảm, giá trị văn hóa và giá trị sử dụng.

Ông nhấn mạnh: "Cách đại trùng tu theo phương pháp triệt giải (chứ không phải hạ giải) như hiện nay là đồng nghĩa với xóa sổ văn hóa!".

Trong khi đó, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nguyên giám đốc Sở Văn hóa-thông tin Thừa Thiên Huế, nhận xét: 

"Rất tiếc là việc tháo dỡ toàn bộ ngôi chánh điện truyền thống để thay bằng một công trình kiến trúc mới, cho dù có ý thức mô phỏng lại kiến trúc gỗ đã từng có thì dẫu có làm tốt đến đâu, đây cũng chỉ là một phiên bản mới, vừa ra đời năm 2019, không còn một chút hơi thở và thiền vị xưa như phương thức tận dụng phần cấu kiện gỗ đã có!".

Thay mới chánh điện chùa cổ Từ Hiếu: Bỏ cổ thay mới? - Ảnh 7.
Thay mới chánh điện chùa cổ Từ Hiếu: Bỏ cổ thay mới? - Ảnh 8.

Cảnh đang tháo dỡ chánh điện chùa Từ Hiếu - Ảnh: Facebook Chùa Từ Hiếu - Huế

Thay mới chánh điện chùa cổ Từ Hiếu: Bỏ cổ thay mới? - Ảnh 9.

Những con giống trang trí mái chùa này sẽ được làm mới để thay thế - Ảnh: THÁI LỘC

Thay mới chánh điện chùa cổ Từ Hiếu: Bỏ cổ thay mới? - Ảnh 10.

Hai mảng long mã khảm nạm là phần hiếm hoi còn sử dụng lại - Ảnh: THÁI LỘC

Những phần trang trí đang được làm mới để thay thế cái cũ - Ảnh: THÁI LỘC

Nhiều người cho rằng sự việc diễn ra ở chùa Từ Hiếu chính là lời cảnh báo cho hàng loạt ngôi danh lam cổ tự, đình, đền lẫn các kiến trúc trong quần thể di tích-di sản quý giá của Huế hiện xuống cấp, đang "rục rịch" trùng tu.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa: "Hiện tượng "trùng tu", nhưng thực chất là làm phiên bản mới rất đáng báo động, không những trong việc trùng tu các ngôi cổ tự, nhà thờ, đền miếu… mà cả trong lĩnh vực tu bổ một số di tích cố đô Huế. 

Những người nặng lòng với di sản văn hóa đang không an tâm trước hiện tượng một số chùa Huế đang đánh mất thiền vị truyền thống, di tích cố đô cổ kính của Huế đang bị thay thế bởi những phiên bản kiến trúc cố đô thời công nghệ hiện đại!...".


Thay mới chánh điện chùa cổ Từ Hiếu: Bỏ cổ thay mới? - Ảnh 12.

THÁI LỘC
THÁI LỘC, FACEBOOK CHÙA TỪ HIẾU – HUẾ, AN NHIÊN
Kiều Nhi
Bảo SuZu
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0