Chánh điện tố đình Từ Hiếu đang được tiến hành hạ giải - Ảnh: AN NHIÊN
Trước đó vào đầu tháng 3, tại ngôi cổ tự nằm trên ngọn đồi Dương Xuân (thuộc phường Thủy Xuân, TP Huế) nhà chùa đã đặt đá khởi công đại trùng tu chánh điện trước sự chứng minh, tham dự của đông đảo chư tôn trưởng lão hòa thượng, thượng tọa, đại đức tăng và ni, cùng đông đảo Phật tử.
Tuy nhiên, việc hạ giải đến thời điểm này mới được nhà chùa cùng đơn vị thi công tiến hành. Theo ghi nhận Tuổi Trẻ Online ngày 28-3, cơ bản phần ngói đã được hạ giải hoàn toàn, các phần rui gỗ đang được tháo dỡ dần để tận dụng lại. Sau đó sẽ đến phần triệt hạ toàn bộ phần vách móng.
Các sư thầy của chùa đang tiến hành hạ giải phần ngói của chánh điện ngôi chùa - Ảnh: Chùa Từ Hiếu
Tổ đình Từ Hiếu từ lâu đã trở thành một biểu tượng của lòng hiếu thảo trong lòng người dân Việt với tên gọi nguyên sơ Am An Dưỡng do hòa thượng Tánh Thiên - Nhất Định lập nên vào năm 1843.
Đến năm 1848 chùa được hòa thượng Hải Thượng - Cương Kỷ xây dựng quy mô hơn dưới sự hỗ trợ của triều đình, quan thái giám và Phật tử.
Cũng chính năm này vua Dực Tông phong hiệu chùa là Từ Hiếu với ý nghĩa "Từ là đức lớn của Phật, nếu không Từ thì lấy gì tiếp độ tứ sanh cứu giúp vạn loại. Hiếu là hạnh đầu của Phật, nếu không Hiếu thì lấy gì để đạt thông cõi nhiệm bao phủ đất trời".
Từ đó đến nay trải qua ba lần trùng tu vào các năm 1885, 1894 và 1962, trải qua biến thiên thời gian, ngôi chánh điện nhà chùa xuống cấp nghiêm trọng, phần bê tông, ngói gạch rơi rớt, phần gỗ cũng hư hỏng nặng…
Trước thực trạng đó nhà chùa đã họp và đi đến thống nhất đại trùng tu chánh điện để thuận lợi cho việc tôn trí các tôn tượng được an toàn, nghiêm trang hơn.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh bên trong ngôi chánh điện - nơi mà ngài đã xuất gia tu học, ra đi và quay trở về để an dưỡng - Ảnh: AN NHIÊN
Ngoài yếu tố lịch sử, giá trị kiến trúc độc đáo, chùa Từ Hiếu còn nổi tiếng bởi nơi đây có lưu giữ phần mộ các quan thái giám triều Nguyễn.
Bên cạnh việc thờ tự, sinh hoạt tôn giáo, chùa từng đón những văn nhân chí sĩ như cụ Nguyễn Đăng Giai, Tôn Thất Hân, Nguyễn Thượng Hiền… đến đây luận đạo, đàm kinh, tham vấn lý thiền.
Ngôi chùa trở thành một điểm tham quan gần như không thể bỏ qua đối với nhiều du khách mỗi khi đến Huế. Đặc biệt hơn, từ cuối năm 2018, khi thiền sư Thích Nhất Hạnh trở về đây, đã có rất đông du khách thập phương về hành lễ và chờ để gặp mặt ngài.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh là tổ đời thứ 8 của môn phái Từ Hiếu, thuộc dòng Liễu Quán, đời thứ 42 của thiền phái Lâm Tế. Theo truyền thừa của Tổ đình Từ Hiếu thì thiền sư Thích Nhất Hạnh hiện là trú trì của ngôi chùa này.
Những hình ảnh chánh điện tổ đình Từ Hiếu trước và sau khi được hạ giải:
Bản vẽ mặt đứng ngôi chánh điện chùa Từ Hiếu - Ảnh: M. TỰ
Chánh điện chùa Từ Hiếu trước khi hạ giải được xem có giá trị lịch sử và kiến trúc cổ kính - Ảnh: AN NHIÊN
Những họa tiết trang trí ở ngôi cổ tự này được xem là rất điêu luyện - Ảnh: AN NHIÊN
Bên trong ngôi chánh điện trong một lần các sư thầy thực hiện nghi lễ - Ảnh: AN NHIÊN
Khung cảnh trang nghiêm của ngôi chánh điện chùa Từ Hiếu nhìn từ ngoài sân vào - Ảnh: Chùa Từ Hiếu
Theo nhà chùa, trải qua biến thiên thời gian chùa đã xuống cấp nghiêm trọng nên việc đại trùng tu là bắt buộc - Ảnh: Chùa Từ Hiếu
Phần ngói của chánh điện đã được hạ giải hoàn toàn, tiếp đến sẽ hạ giải phần gỗ và vách tường - Ảnh: AN NHIÊN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận