24/03/2019 16:55 GMT+7

Thầy giáo già và nhà thờ một liệt sĩ

SA TRUNG KIM
SA TRUNG KIM

TTO - Gọi là nhà thờ nhưng chưa đầy 20m2, là nơi thờ liệt sĩ Nguyễn Văn Cương, học trò cũ cấp II của thầy giáo chủ nhiệm Nguyễn Ái Lý (84 tuổi, ngụ tại xóm 10, xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc, Nghệ An).

Thầy giáo già và nhà thờ một liệt sĩ - Ảnh 1.

Thầy Nguyễn Ái Lý (phải) trước nhà thờ liệt sĩ Nguyễn Văn Cương - Ảnh: S.T.K.

Thầy Lý kể: "Ngày 27-7-2017 tôi và bốn học sinh cũ hồi học cấp II (niên khóa 1964-1967) đến xóm 8, làng Ngọc Sừ, xã Nghi Trung thắp hương cho em Cương. 

Cả năm thầy trò thẫn thờ trước gia cảnh bà Nguyễn Thị Hương (em gái Cương) bởi ngôi nhà vách đất dột nát tứ phía. Bàn thờ Cương đặt sát nơi chiếc giường em gái, bị dột nhiều nhất".

Thắp hương xong, năm thầy trò bàn với nhau tìm cách lợp lại gian nhà để có nơi thờ tự Cương cho đúng nghĩa một liệt sĩ. Họ nhất trí thành lập ban vận động xây nhà thờ do thầy Lý làm trưởng ban. 

Không ngờ, chỉ sau 15 ngày gọi điện thoại đến các trò cũ, trong đó có ông Lê Doãn Hợp (nguyên bộ trưởng Bộ Thông tin - truyền thông), PGS.TS Nguyễn Thị Quy (giảng viên Trường ĐH Ngoại thương)..., họ đều hoan nghênh nghĩa cử tri ân này và đồng ý góp tiền. 

Không chỉ đồng môn cấp II của liệt sĩ Nguyễn Văn Cương mà học sinh cấp III Trường Nghi Lộc 1 hồi đó (nay là Trường THPT Nguyễn Duy Trinh, huyện Nghi Lộc) cũng chung tay quyên góp. Một tháng sau, ban vận động nhận được 30 triệu đồng.

Có tiền, năm thầy trò thành lập ban xây dựng rồi làm văn bản báo cáo lên Đảng ủy, UBND xã xin phép xây dựng nhà thờ trong vườn nhà bà Hương. "Từ khi vận động đến hoàn thành mất 5 tháng. Chúng tôi vừa xây vừa nhận tiền quyên góp tiếp tục gửi về. 

Xây xong thì nhận thêm gần 50 triệu đồng từ bạn học cũ của Cương và Hội giúp đỡ gia đình liệt sĩ tỉnh Nghệ An. Số tiền này được dùng để xây mái che trước nhà thờ và sắm bàn thờ, hoành phi. 28 triệu đồng còn dư lại, chúng tôi bàn giao cho gia đình Cương trong buổi lễ khánh thành" - thầy Lý nói.

Dẫn chúng tôi đến ngôi nhà thờ còn tươi rói màu sơn dưới hai mái ngói đỏ au, thầy Lý giải thích vì lâu nay Cương được thờ chung cùng cha mẹ nên nhà thờ mới cũng là nơi thờ chung. Cửa vào nhà thờ có hàng chữ "Nhà tri ân liệt sĩ Nguyễn Văn Cương và thân nhân".

Năm 1970 khi chuẩn bị nhập ngũ, Nguyễn Văn Cương đến chào thầy Lý, gửi cho thầy tấm ảnh chân dung 3x4 rồi nói: “Không biết em đi chiến đấu có về lại được không nên em xin tặng thầy tấm ảnh.

Nếu em không về được, xin thầy cứ xem em luôn ở bên cạnh thầy”. Thầy Lý cho biết nhờ tấm ảnh này mà giờ Cương có ảnh để thờ. Theo thầy, Cương là học sinh giỏi từ cấp II đến cấp III.

Mặc dù là con trai độc nhất trong gia đình nhưng Cương vẫn tình nguyện đi bộ đội. Vào chiến trường được ba năm thì Cương hi sinh tại núi Hòn Tàu, xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, thuộc đặc khu ủy Quảng Đà, nay thuộc tỉnh Quảng Nam.

Thầy giáo hiến đất xây làng, trồng cây làm kinh tế Thầy giáo hiến đất xây làng, trồng cây làm kinh tế

TTO - Cộng đồng người Cơ Tu sống cheo leo giữa núi rừng Trường Sơn hùng vĩ dọc hai bên biên giới Việt - Lào. Người dân nơi bốn mùa lạnh giá này gọi thầy Pơloong Đíp (36 tuổi) là người mang đến mùa xuân.

SA TRUNG KIM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên