23/02/2023 09:00 GMT+7

Thấy gì qua thông điệp của ông Putin?

Thông điệp liên bang được Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu ngày 21-2 có thể xem là một văn bản định hướng chiến lược chứa đựng cả những thách thức trong quá khứ, quá trình phục hồi ở hiện tại và con đường phát triển tương lai của Nga.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đọc Thông điệp liên bang ở Matxcơva ngày 21-2 - Ảnh: TASS

Tổng thống Nga Vladimir Putin đọc Thông điệp liên bang ở Matxcơva ngày 21-2 - Ảnh: TASS

Khác với nhiều quan điểm cho rằng phía Nga chỉ tập trung leo thang căng thẳng với Mỹ và phương Tây, sự tồn tại của tư duy hiện thực phòng thủ vẫn được ông Putin thể hiện thông qua ba định hướng cụ thể: đáp trả, tái thiết và đối thoại, đan cài tương ứng với ba chiều kích của thời gian.

Thứ nhất, chỉ đáp trả trong giới hạn phòng thủ đối với các thách thức trong quá khứ. Cụ thể, để đối phó với phong trào "bài Nga (Russo-phobia)" - nền tảng tạo nên chuỗi động thái "ủy nhiệm", phong tỏa, trừng phạt mà các nước phương Tây đã và đang triển khai, bài phát biểu chỉ khẳng định "trừng phạt Nga và tự trừng phạt mình". 

Ông Putin không chỉ nhấn mạnh nước Nga sẵn sàng đáp trả mọi cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga mà còn chủ động mở ra các khuôn khổ hợp tác thương mại - năng lượng - tài chính không sử dụng đồng đô la (de-dollarization) và phân tách hoàn toàn với các khuôn khổ tài chính của phương Tây nhằm tự vệ hiệu quả trước các lệnh trừng phạt mà Mỹ và châu Âu đang áp đặt.

Thứ hai, tập trung vào tái thiết đất nước trong giai đoạn hiện tại chứ không leo thang chiến sự. Các hạng mục và định hướng tái thiết cơ sở hạ tầng, xây dựng lại nền kinh tế Nga và các khu vực bị ảnh hưởng chiến tranh được trình bày xuyên suốt, chiếm hơn 3/4 nội dung của thông điệp lần này. 

Trong đó, hệ thống các tuyến vận tải chiến lược của Nga giúp liên kết nước này với các nhánh vận tải ở Kazakhstan, Trung Quốc, Mông Cổ, Bắc cực và Viễn Đông. Không chỉ vậy, khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ, Pakistan (Nam Á), Iran (Tây Á) cũng là những trọng tâm kết nối hướng biển của Nga khi nước này phát triển thêm các cảng ở biển Đen và biển Azov.

Thứ ba, duy trì đối thoại với các quốc gia không thân thiện, hướng đến một tương lai trật tự thế giới đa cực. Trong thông điệp liên bang, mặc dù nhiều lần phê phán lập trường "nước đôi" của Mỹ và các nước đồng minh nhưng ông Putin vẫn kiềm chế sự chỉ trích này ở mức độ một sự thật phải chấp nhận, và đã diễn ra "từ thập niên 1930 của thế kỷ trước". 

Do đó, với các đặc trưng địa kinh tế giáp với châu Âu và nhiều nước đồng minh của Mỹ, phía Nga luôn tuyên bố "sẵn sàng đối thoại" với các bên. Động thái phía Nga thông báo trước cho Mỹ về cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa SARMAT thông qua các kênh liên lạc giảm xung đột khi Tổng thống Mỹ Biden bất ngờ thăm Ukraine vừa qua là một chỉ dấu cho thấy các bên vẫn đang hạn chế tối đa các tính toán sai lầm.

Với lập trường tập trung tái thiết để phòng thủ của Nga, xu hướng duy trì ổn định chiến lược từ phía Mỹ, cùng với các hứa hẹn tiếp tục viện trợ vũ khí cho Ukraine nhưng trì hoãn thời gian từ khối NATO và tổn thất kinh tế ngày càng lớn của tất cả các bên, có thể thấy khả năng leo thang chiến tranh ở Ukraine đang ngày càng thiếu dần các cơ sở tài chính - hạ tầng quan trọng như thời điểm một năm trước. 

Thêm vào đó, Hội nghị thượng đỉnh G7 - Ukraine trực tuyến sắp tới do Nhật Bản chủ trì có xu hướng thúc đẩy Ukraine vào giai đoạn tái thiết với các khoản viện trợ nhân đạo và phục hồi kinh tế nhiều hơn là tiếp tục chiến tranh tiêu hao. Xu hướng giảm thang chiến sự ở Ukraine vì vậy càng có nhiều cơ sở để trở thành hiện thực.

Tin tức thế giới 23-2: Ông Biden "không nghĩ ông Putin dùng vũ khí hạt nhân"Tin tức thế giới 23-2: Ông Biden 'không nghĩ ông Putin dùng vũ khí hạt nhân'

Ông Biden không nghĩ ông Putin đang cân nhắc sử dụng vũ khí hạt nhân; Thị trưởng Ukraine bị phạt vì dùng tiếng Nga... là một số tin tức thế giới sáng 23-2.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên