19/05/2020 12:28 GMT+7

Thay đổi kiểm tra, đánh giá: 'Giúp học sinh thoát kiểm tra truyền thống'

THÁI HOÀNG
THÁI HOÀNG

TTO - Sáng 19-5, cầm tờ báo Tuổi Trẻ đọc bài báo 'Sẽ thay đổi cách đánh giá, xếp loại học sinh' tôi rất vui trước dự thảo này của Bộ GD-ĐT.

Thay đổi kiểm tra, đánh giá: Giúp học sinh thoát kiểm tra truyền thống - Ảnh 1.

Một tiết học môn văn của học sinh lớp 12A3 Trường THPT Hùng Vương Q.5, TP.HCM Ảnh: NHƯ HÙNG

Dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế đánh giá, xếp loại học sinh bậc THCS và THPT là điều cần sớm được áp dụng bởi những mặt tích cực. Đó là đa dạng hình thức kiểm tra, giúp học sinh tích cực, hứng thú trong quá trình học tập - kiểm tra, giúp học sinh năng động hơn...

Thực tế trong những năm gần đây, có một số trường, một số thầy cô mạnh dạn thực hiện điều này trong nhiều môn học. Các môn xã hội càng gây hứng thú cho học sinh trong quá trình học cũng từ sự đổi mới này.  

Cô Nguyễn Thị Hằng - giáo viên bộ môn lịch sử một trường ở TP.HCM - cho hay cách dạy của cô không theo kiểu truyền thống "tái hiện kiến thức" trong sách giáo khoa. Cô luôn đổi mới để học sinh vừa nắm vững kiến thức cơ bản, vừa yêu môn học vốn khô khan này.

Cô chia sẻ trong quá trình làm bài kiểm tra trên lớp cô thường cho học sinh làm đề mở. Cô có cách ra đề để học sinh vừa "tiếp nhận kiến thức" vừa thể hiện được suy nghĩ, nhận thức của mình về lịch sử, thoát khỏi khuôn khổ kiểm tra truyền thống khi cho học sinh tự tìm tòi, trao đổi, đánh giá, thảo luận lấy điểm.  

Với bộ môn văn, có những bài kiểm tra tôi để học sinh trình bày suy nghĩ của mình từ những gì liên quan đến thực tế mỗi ngày, mang tính thời sự, những câu chuyện mang ý nghĩa giáo dục gần gũi. Có những bài lấy điểm trong quá trình thầy trò thảo luận trên lớp, giao bài tập về nhà bằng những việc tìm tòi kiến thức cuộc sống xung quanh (không phải chép từ Internet).

Một trong những "bài kiểm tra" để thu hút học sinh trong quá trình tương tác trong việc xây dựng bài; điều này giúp học sinh hứng thú hơn trong quá trình học tập. Có những bài kiểm tra văn bằng "họa". Tôi ra đề kiểm tra bằng việc vẽ bức tranh (liên quan đến những tác phẩm, đoạn trích đã học) để học sinh tự do sáng tạo. Nét vẽ đẹp hay chưa đẹp không quan trọng, quan trọng là cái "hồn" trong bức tranh ấy khi học sinh "thuyết trình" về sản phẩm của mình.

Kết hợp giữa hình thức đánh giá nhận xét và điểm số, đánh giá thường xuyên với những hình thức phong phú, không giới hạn số bài kiểm tra và lấy những điểm tốt nhất... sẽ khích lệ sự tiến bộ của học sinh, không khí lớp học sẽ sinh động, hấp dẫn.

Thay đổi kiểm tra, đánh giá: Giúp học sinh thoát kiểm tra truyền thống - Ảnh 2.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Đánh giá, xếp loại học sinh kết hợp giữa nhận xét và điểm số Đánh giá, xếp loại học sinh kết hợp giữa nhận xét và điểm số

TTO - Dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế đánh giá, xếp loại học sinh THCS và THPT vừa được Bộ GD-ĐT công bố với nhiều thay đổi.

THÁI HOÀNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên