24/11/2020 08:55 GMT+7

Thay áo mới cho thương hiệu cũ

NGỌC AN
NGỌC AN

Việc đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển để "thay áo mới" cho những sản phẩm đã có mặt trên thị trường vài chục năm là yêu cầu đặt ra cho doanh nghiệp trên sân chơi toàn cầu.

Thay áo mới cho thương hiệu cũ - Ảnh 1.

Habeco nghiên cứu phát triển sản phẩm mới gìn giữ thương hiệu hàng trăm năm - Ảnh: N.K.

Các sản phẩm mới sẽ có đột phá, ứng dụng thông minh, kết nối và điều khiển qua smartphone. Có những sản phẩm quạt sử dụng động cơ giúp giảm đến 50% lượng điện tiêu thụ. Nhờ áp dụng công nghệ mới, công suất tiêu thụ điện sẽ giảm nhưng hiệu năng không giảm, chất lượng vẫn bền và chạy êm.

Ông Vũ Đình Đông (tổng giám đốc Công ty cổ phần Điện cơ Thống Nhất)

Hào hứng khoe những mẫu thiết kế sản phẩm mới của thương hiệu quạt Vinawind dự kiến ra mắt trên thị trường vào đầu năm sau, ông Vũ Đình Đông - tổng giám đốc Công ty cổ phần Điện cơ Thống Nhất - kỳ vọng sẽ tạo "đột phá" trên thị trường quạt. Đặc biệt khi đây là lần đầu sản phẩm quạt điện Vinawind đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam.

Liên tục cải tiến mẫu mã, sản phẩm mới

Mặc dù có tuổi đời phát triển tới 55 năm và đã chiếm tới 26% thị phần quạt các loại, song ông Đông hiểu sự đổ bộ của thương hiệu ngoại với giá rất cạnh tranh đặt ra thách thức lớn cho doanh nghiệp để giữ vững vị thế trên thị trường. Bởi vậy đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển sản phẩm mới là yêu cầu thúc ép từ thị trường đặt ra.

Công ty cổ phần Điện cơ Thống Nhất đã thực hiện riêng một đề án xây dựng các mẫu thiết kế cho quạt, gắn yếu tố tâm linh để tạo nên bước đột phá về kiểu dáng, hoa văn, mang dáng dấp, hơi hướng của văn hóa dân tộc Việt. Nhưng sự thay đổi về mẫu mã, thiết kế vẫn chưa đủ, người dùng ngày càng đòi hỏi và yêu cầu khắt khe hơn về những sản phẩm cải tiến công nghệ, tiết kiệm điện. Do đó bên cạnh đặc tính vốn có của Vinawind lâu nay là bền thì công nghệ mới liên tục được áp dụng để cải tiến động cơ, giảm lượng điện tiêu thụ.

Có tuổi đời 130 năm, song hành cùng lịch sử thủ đô, dòng chảy của bia Hà Nội không chỉ là thức uống giải khát mà còn là nét văn hóa với những cái tên "huyền thoại" như Bia Hà Nội, Bia hơi Hà Nội. Bởi vậy yêu cầu đổi mới nhưng vẫn phải giữ được "chất" thương hiệu là vấn đề mà lãnh đạo Tổng công ty cổ phần Bia - rượu - nước giải khát Hà Nội (Habeco) luôn trăn trở - đặc biệt với một thương hiệu có 5 năm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam.

Trước biến đổi mạnh mẽ của thị trường, sự thâm nhập của nhiều dòng bia ngoại, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và các yêu cầu quản lý khắt khe với sản phẩm đồ uống có cồn, Habeco đã phải nhanh chóng thích nghi và điều chỉnh chiến lược, phương án kinh doanh linh hoạt.

Ông Trần Đình Thanh - chủ tịch hội đồng quản trị Habeco - cho hay không chỉ dừng lại ở những sản phẩm quen thuộc như Bia hơi Hà Nội, Bia Hà Nội - Hanoi Beer Premium, Trúc Bạch, Habeco đã liên tục nghiên cứu, cải tiến nâng cấp, cho ra mắt nhiều sản phẩm mới, từng bước chiếm lĩnh và chinh phục thị trường.

Tuy vậy, để đáp ứng được chất lượng và đổi mới liên tục về sản phẩm, Habeco đầu tư viện nghiên cứu riêng với trang bị cơ sở vật chất hiện đại. Nhờ vào nguồn vốn dồi dào, Habeco mua công nghệ, kết hợp với chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực bia và đào tạo thêm chuyên gia để thực hiện chuyển giao công nghệ. Theo đó, một năm Habeco nghiên cứu vài chục loại sản phẩm, qua hội đồng đánh giá kỹ lưỡng để lựa chọn những sản phẩm chất lượng nhất, tạo thành gu riêng, phù hợp thị hiếu tiêu dùng.

Bài toán giữ gìn thương hiệu

Mặc dù có nhiều ưu thế trên thị trường nhưng những doanh nghiệp như Điện cơ Thống Nhất hay Habeco luôn phải chú trọng xây dựng hệ thống phân phối, giữ gìn thương hiệu. Lãnh đạo của Điện cơ Thống Nhất cho hay ngoài việc cải tiến không ngừng thì yêu cầu đưa sản phẩm ra thị trường với giá cạnh tranh là chiến lược trọng tâm, gắn với xây dựng hệ thống phân phối qua các kênh đại lý rộng khắp để đảm bảo tiếp nhận bảo hành, bảo dưỡng cho người dùng.

Đặc biệt, để bảo vệ thương hiệu trước nạn hàng giả và hàng nhái, công ty có chiến lược rõ ràng trong việc đăng ký sở hữu trí tuệ và kiểu dáng công nghiệp, xây dựng nhận diện thương hiệu với người tiêu dùng. Thường xuyên quảng bá thương hiệu, kiểm tra sản phẩm để đảm bảo ở các đại lý phân phối, các điểm bán chính hãng không có hàng nhái, hàng giả. Đối với việc dán tem chống hàng giả thì liên tục thay đổi thân mẫu tem và kiểu dáng để ngăn chặn hàng giả, hàng nhái trên thị trường.

Tương tự, Habeco cũng đã công bố bộ nhận diện mới với một định vị khác biệt nhằm định hướng phát triển cho các dòng sản phẩm và chiến dịch truyền thông marketing, tái cấu trúc hình ảnh của Habeco và các đơn vị thành viên. Gắn với đó, đơn vị này tiếp tục triển khai quản trị công tác bán hàng, đảm bảo hiệu quả từ khâu xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện và đánh giá kết quả; đẩy mạnh công tác truyền thông, gắn với vận hành hệ thống quản trị doanh nghiệp ERP với mục tiêu ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả quản trị, quản trị doanh nghiệp tiên tiến.

124 doanh nghiệp đạt Thương hiệu Quốc gia năm 2020 124 doanh nghiệp đạt Thương hiệu Quốc gia năm 2020

TTO - Số lượng doanh nghiệp đạt danh hiệu Thương hiệu Quốc gia Việt Nam năm 2020 lên tới 124 doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề, tăng hơn rất nhiều so với năm 20218, theo Bộ Công thương.

NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên