Năm 2020 có 124 doanh nghiệp được trao danh hiệu Thương hiệu quốc gia Việt Nam - Ảnh: BTC
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông VŨ BÁ PHÚ, cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), cho hay mặc dù có rất nhiều chương trình vinh danh nhằm ghi nhận những thành tựu và các đóng góp của doanh nghiệp cho cộng đồng, song điểm khác biệt của chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam chính là chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn và duy nhất của Chính phủ.
* Như ông nói, đây là chương trình xúc tiến thương mại duy nhất của Chính phủ và đã tổ chức xét chọn lần thứ 7, vậy đâu là điểm khác biệt so với những chương trình khác?
- Đây là chương trình do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, giao Bộ Công thương là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm phối hợp với các bộ, ngành triển khai thực hiện. Do đó mức độ uy tín rất cao, các sản phẩm trải qua quá trình xét chọn nghiêm ngặt, chặt chẽ và minh bạch với hệ thống tiêu chí rõ ràng. Vì thế, những doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam sẽ là đại diện cho hình ảnh Việt Nam.
Chúng tôi khẳng định chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam không phải là giải thưởng. Những thương hiệu sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia chỉ là sự khởi đầu. Nhà nước không làm thay cho doanh nghiệp, nhưng sẽ đứng ra bảo trợ cho các thương hiệu sản phẩm có chất lượng và uy tín nhằm giúp doanh nghiệp Việt Nam tạo chỗ đứng vững vàng trên thị trường trong nước, đẩy mạnh phát triển thương hiệu của mình ra thế giới.
* Nhiều người nghĩ rằng đây là chương trình của Bộ Công thương, vậy quy trình xét chọn được thực hiện như thế nào?
- Tính khách quan, công bằng, công khai, minh bạch luôn là vấn đề được quan tâm hàng đầu của các kỳ xét chọn sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam. Đặc biệt, năm nay là kỳ xét chọn đầu tiên đánh giá, thẩm định theo thủ tục hành chính tại quyết định số 30/2019 của Thủ tướng về quy chế xây dựng, quản lý, thực hiện chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam và thông tư số 33/2019 của bộ trưởng Bộ Công thương quy định hệ thống tiêu chí của chương trình.
Theo đó, các hồ sơ đăng ký được đánh giá, thẩm định theo 3 tiêu chí: Chất lượng; Đổi mới, sáng tạo và Năng lực tiên phong. Thang điểm đánh giá là 1.000 điểm. Tổng điểm quy định để một sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam là từ 650 điểm trở lên và điểm mỗi tiêu chí quy định đạt từ 60% trở lên.
Sau quá trình sàng lọc, hồ sơ sẽ được chuyển tới các thành viên ban chuyên gia - là đại diện của các bộ, ngành, tổ chức liên quan và các chuyên gia độc lập, hàng đầu trong các lĩnh vực, ngành hàng - thẩm định theo bộ tiêu chí đã được các chuyên gia nghiên cứu, xây dựng dựa trên phương pháp định giá thương hiệu InterBrand và những tiêu chí tương tự của Giải thưởng chất lượng quốc gia Mỹ.
Tiếp đó, Bộ Công thương sẽ phối hợp với các bộ ngành liên quan kiểm tra tình hình chấp hành về mặt pháp luật, thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Tiến hành thẩm định thực tế để đảm bảo tính xác thực về thông tin, sản phẩm. Với vấn đề còn chưa rõ trong hồ sơ, chúng tôi sẽ yêu cầu doanh nghiệp giải trình cụ thể.
Sau đó, ban thư ký tổng hợp kết quả đánh giá, giải trình để báo cáo và xin ý kiến các ủy viên Hội đồng Thương hiệu quốc gia - gồm đại diện lãnh đạo các bộ, ngành trung ương.
Quy trình xét chọn được tiến hành rất chặt chẽ và minh bạch. Những đánh giá không chỉ dựa trên các cam kết của doanh nghiệp với người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm, dịch vụ, mà phải là điển hình về thực hiện trách nhiệm xã hội bài bản và nghiêm túc.
Ông VŨ BÁ PHÚ
* Vậy ông giải thích ra sao khi có những doanh nghiệp Việt Nam khá mạnh, có năng lực tiên phong, đổi mới - sáng tạo hiệu quả, từng nhiều năm liền đạt Thương hiệu quốc gia nhưng năm nay lại không có tên?
- Có những thương hiệu dù được đánh giá là mạnh và có tiếng trên thị trường nhưng do không đạt đủ điểm hồ sơ hoặc không đáp ứng theo các quy định và tiêu chí tại quyết định số 30 hoặc thông tư 33, hoặc không nhận được sự đồng ý từ đa số ủy viên Hội đồng Thương hiệu quốc gia. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp tự rút hoặc không nộp hồ sơ tham gia.
* Doanh nghiệp quan tâm khi tham gia chương trình và được công nhận thì sẽ được hỗ trợ những gì để nâng cao năng lực cạnh tranh, xứng tầm là doanh nghiệp đại diện cho Thương hiệu quốc gia Việt Nam?
- Các doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam sẽ được sử dụng biểu trưng Thương hiệu quốc gia và hệ thống nhận diện Thương hiệu quốc gia trong công tác quản trị kinh doanh và truyền thông thương hiệu theo đúng quy định.
Để thông tin rộng rãi hơn, Bộ Công thương đang phối hợp các bộ, ngành và địa phương nâng cao nhận thức của xã hội và cộng đồng doanh nghiệp về xây dựng, phát triển và quảng bá thương hiệu.
Trong đó Bộ Công thương phối hợp với các bộ, ngành và các tổ chức quốc tế tập trung cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp về công tác xây dựng và phát triển thương hiệu, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh như tổ chức hội thảo, hội nghị, diễn đàn, tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực nghiên cứu thị trường, bảo vệ thương hiệu trên thị trường quốc tế.
Không giới hạn số lượng đăng ký
Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam không giới hạn số lượng doanh nghiệp đăng ký tham gia xét chọn cũng như số lượng sản phẩm được công nhận. Bộ Công thương luôn luôn khuyến khích các doanh nghiệp đạt đủ tiêu chí của chương trình đăng ký tham gia xét chọn.
Đã có 124 doanh nghiệp được lựa chọn, thẩm định kỹ lưỡng từ hơn 1.000 doanh nghiệp đăng ký, năm nay là năm có số lượng tham gia đông đảo nhất sau hơn 17 năm phát triển.
Để đạt kết quả trên, Bộ Công thương đã tăng cường truyền thông nhằm nâng cao nhận thức về chương trình. Từ đầu năm 2020, hoạt động truyền thông khá đa dạng, linh hoạt và trên nhiều hình thức khác nhau như qua báo chí, truyền hình, tin nhắn điện thoại, cung cấp thông tin đến các địa phương, hiệp hội…
Nhờ vậy, kỳ xét chọn lần thứ 7 này có nhiều điểm mới. Đó là sự tham gia lần đầu của một số thương hiệu có tiếng như: VnPay, MobiFone, Cholimex, Dược Nam Hà, Richy, Pan… Chương trình cũng thu hút được một số tập đoàn và các công ty con cùng đăng ký tham gia xét chọn như Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát, Tổng công ty Thiết bị điện Việt Nam - GELEX, Tập đoàn BRG…
Chính thức công bố chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2020
Ngày 17-11, Bộ Công thương sẽ tổ chức họp để thông báo chính thức công bố chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2020, do lãnh đạo bộ và lãnh đạo Hội đồng thương hiệu quốc gia chủ trì.
Sau hơn 9 tháng phát động và triển khai hoạt động xét chọn theo quy định, Bộ Công thương sẽ chính thức công bố kết quả triển khai chương trình và giới thiệu nội dung chương trình lễ công bố sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2020 tại buổi họp báo với sự tham gia của các chuyên gia, doanh nghiệp tham gia chương trình.
Chi tiết liên hệ:
Ban thư ký chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương
Địa chỉ: 20 Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
ĐT: +84 24 39347628 (ext. 72, 76)
Fanpage: www.facebook.com/thqgvietnam
Email: thqg@vietrade.gov.vn
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận