18/04/2015 14:21 GMT+7

​Thật đáng thương cho giáo dục nghề nghiệp

HỒNG HÀ
HỒNG HÀ

TT - Thật đáng thương cho giáo dục nghề nghiệp - đó là suy nghĩ của tôi sau khi đọc ý kiến của ông Dương Đức Lân, tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, trên báo Tuổi Trẻ ngày 16-4-2015.

Sinh viên hệ cao đẳng nghề khoa điện - điện tử Trường cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng TP.HCM trong giờ thực hành - Ảnh: Như Hùng

Xin cho tôi, một người có chút gắn bó với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, được có mấy ý về vấn đề này.

Ông tổng cục trưởng (Bộ LĐ-TB&XH), đã nói rất nhiều về việc Bộ LĐ-TB&XH được Chính phủ, Thủ tướng giao soạn thảo nhiều văn bản quan trọng về quản lý giáo dục nghề nghiệp. Rồi các bộ đồng ý giao giáo dục nghề nghiệp về Bộ LĐ-TB&XH, chỉ trừ Bộ GD-ĐT, và khẳng định “ngành lao động đang mạnh về đào tạo nghề”...

Tiếc rằng ông chưa nói đến thực tế của những cơ sở đào tạo nghề: rất nhiều bạn trẻ không biết đến các trường nghề. Họ không biết đến trường trung cấp nghề, cao đẳng nghề đào tạo những gì, tuyển sinh ra sao... Không ít bạn trẻ ngại ngần, đắn đo khi biết bằng cấp sẽ do Tổng cục Dạy nghề cấp...

Trong sự chọn lựa của người học, các trường trung cấp nghề và cao đẳng nghề vẫn kém hấp dẫn nhất. Đây là lý do khiến trường nghề khó tuyển sinh, nhiều trường nghề mới xây vắng bóng người học...

Nếu xét lịch sử ngành dạy nghề trong 60 năm qua, Bộ LĐ-TB&XH đã có thời gian 39 năm được giao là cơ quan quản lý nhà nước về dạy nghề (từ 1955-1977 và từ 1998 đến nay).

Thế nhưng, từ năm 1998 đến nay chất lượng dạy nghề có thật sự mạnh hơn không? Thời kỳ “hoàng kim” của ngành dạy nghề, chúng ta đã đào tạo ra một thế hệ công nhân kỹ thuật lành nghề những năm 1980, khi ấy giáo dục nghề nghiệp không thuộc ngành LĐ-TB&XH quản lý.

Để có thể nhìn nhận vấn đề thấu đáo hơn, chúng tôi mong được biết những con số về mức vốn đầu tư cấp cho ngành dạy nghề từ năm 1998 đến nay, hiệu quả đầu tư thế nào.

Chúng tôi cũng muốn biết: hiện cả nước có bao nhiêu trường nghề đào tạo dài hạn, tổng chỉ tiêu tuyển sinh bao nhiêu, cách chiêu sinh như thế nào, tuyển được bao nhiêu, hiệu suất đào tạo ra sao... Những điều đơn giản này lâu nay có vẻ như “bí mật” quá!

Chúng tôi mong Quốc hội, Chính phủ và hai bộ lắng nghe ý kiến trung thực từ các trường và có giải pháp cho cả hệ thống quản lý giáo dục nghề nghiệp trước khi quyết định chuyển giao. Thà chậm để có giải pháp tốt, nhất định không vội vã.

HỒNG HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên