29/05/2019 11:05 GMT+7

Tháo gỡ nút thắt đầu tư công

NGỌC AN
NGỌC AN

TTO - Các đại biểu Quốc hội muốn việc phê duyệt danh mục dự án phải được chính Quốc hội thông qua để đảm bảo tính công khai, kiểm soát tốt việc sử dụng ngân sách. Trong khi đó Chính phủ tỏ ý băn khoăn.

Tháo gỡ nút thắt đầu tư công - Ảnh 1.

Rất nhiều công trình lớn đang “đói” vốn do vướng quy định. Trong ảnh: điểm cuối của tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đang xây tại Q.9, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tại phiên thảo luận của Quốc hội sáng 28-5 về Luật đầu tư công (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định việc sửa Luật đầu tư công lần này không phải do vướng mắc của luật, mà chủ yếu nằm ở khâu tổ chức thực hiện.

Ông chỉ ra tình trạng hiện nay là hầu hết các dự án đều do các bộ, ngành, địa phương chuẩn bị và "có rất nhiều vấn đề". Đó là sự yếu kém về chất lượng, tùy tiện trong việc điều chỉnh, tùy tiện trong việc quyết định hay thậm chí có cả vấn đề lợi ích nhóm chi phối, tư duy nhiệm kỳ.

Tháo gỡ nút thắt đầu tư công - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Chí Dũng (bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư)

Quốc hội một năm có 2 kỳ, mỗi kỳ một tháng mà có biết bao nội dung, biết bao công việc mà nếu chúng ta chỉ sa đà vào thực hiện một việc thế này thì tôi nghĩ rất là khó và tính khả thi yếu đi

Ông Nguyễn Chí Dũng (bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư)

Không khả thi nếu Quốc hội "can thiệp" sâu?

"Luật đầu tư công vẫn đang là nút thắt khó gỡ đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam, nên cần đảm bảo quan điểm khi xây dựng dự án Luật đầu tư công (sửa đổi) là phân cấp, phân quyền mạnh, gắn với quy định rõ trách nhiệm" - đại biểu Tôn Ngọc Hạnh (Bình Phước) đã nêu quan điểm như vậy khi cho rằng nếu để Quốc hội quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn có thể phát sinh những khó khăn.

Bởi với số lượng khoảng 9.000 dự án sử dụng vốn ngân sách, có hàng nghìn trang tài liệu, việc Quốc hội phê duyệt điều chỉnh danh mục mức vốn cho từng dự án là không thực tế và không có tính khả thi, không đủ thời gian, nguồn lực để thẩm định.

Từ thực tiễn triển khai Luật đầu tư công hiện hành, đại biểu Tôn Ngọc Hạnh chỉ ra những bất cập như triển khai đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 vừa qua. 

Theo quy định, cuối năm 2015 Chính phủ phải có kế hoạch để giao kế hoạch đầu tư, nhưng nguồn vốn chưa xác định nên đến ngày 20-4-2017 Thủ tướng mới có quyết định. 

Dẫn tới thời gian chậm một năm rưỡi khiến địa phương mất tính chủ động trong xây dựng kế hoạch, khiến một số dự án chậm như dự án sân bay Long Thành và đường cao tốc Bắc - Nam.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) cho rằng việc xử lý những điểm nghẽn của Luật đầu tư công, gắn với phân cấp, phân quyền là cần thiết. Vì vậy, nếu để Quốc hội quyết định toàn bộ danh mục thì không những khối lượng quyết định quá lớn mà còn khó sâu sát và kém linh hoạt. 

Theo đó, Quốc hội nên tập trung những nội dung trọng yếu, tổng vốn đầu tư công trung hạn; nguyên tắc, tiêu chí, thứ tự ưu tiên, danh mục, mức vốn, dự án quan trọng của quốc gia, đồng thời phân công để thực hiện hậu kiểm, giám sát.

Quốc hội quyết định danh mục để giám sát

Không đồng tình với quan điểm trên, ông Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng quyết định danh mục dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn được giao cho Quốc hội là phù hợp với Hiến pháp, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội.

Cũng theo ông Vân, nhiệm vụ của Quốc hội là hoạch định chiến lược và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trong đó kế hoạch đầu tư công trung hạn là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Quốc hội. 

Danh mục dự án cũng là một bộ phận trung tâm hạt nhân, có tính chất quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn, nên nếu tách rời thì Quốc hội sẽ không còn vai trò, vị trí trong quyết định những vấn đề quan trọng.

Trong khi đó, dẫn chứng giai đoạn 2016 - 2020 tổng chi ngân sách nhà nước là 8 triệu tỉ đồng, nhưng đầu tư phát triển là 2 triệu tỉ, theo đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội), đây là khoản tiền thuế của nhân dân, là một khoản vốn rất lớn, nên Quốc hội không thể không xem xét nội dung này với vai trò là người đại diện nhân dân. 

Việc Quốc hội xem xét phê duyệt danh mục dự án cũng để đảm bảo tính công khai, minh bạch trong phân bổ ngân sách nhằm khắc phục được cơ chế xin cho, giảm được gánh nặng cho các địa phương trong đề xuất dự án.

Cũng theo đại biểu Mai, nguyên nhân việc giải ngân chậm, một số dự án chậm tiến độ cũng chủ yếu là do tổ chức thực hiện, giải phóng mặt bằng chậm và do năng lực nhà thầu còn hạn chế.

Dự án quan trọng quốc gia giữ nguyên mức 10.000 tỉ

Liên quan tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia, nhiều đại biểu cũng không đồng tình với đề xuất điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư từ 10.000 tỉ lên 20.000 tỉ đồng. 

Theo đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ), việc lý giải mức vốn 10.000 tỉ đồng hiện nay là bất cập sau đó tính đến trượt giá, tăng trưởng, dự báo cho tương lai để tăng lên 20.000 tỉ là không thuyết phục. 

Chưa kể, mức 10.000 tỉ cũng là cao so với quy mô chi đầu tư hằng năm của ngân sách trung ương, không tính bổ sung cho địa phương chỉ hơn 80.000 tỉ đồng, trong khi 10 năm qua chỉ có hai dự án đạt tiêu chí quan trọng quốc gia.

"Một quốc gia đang phát triển mà một năm có hai dự án là quá ít, điều chỉnh tăng lên 20.000 tỉ có thể sẽ không còn dự án nào trình Quốc hội. Quốc hội quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước mà điều chỉnh để Quốc hội không điều chỉnh dự án nào là bất hợp lý" - ông Hàm nói.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cũng cho rằng Quốc hội phải kiểm soát dự án đầu tư quan trọng quốc gia ở mức 10.000 tỉ đồng, vì vấn đề kiểm soát nợ công và thâm hụt ngân sách càng ngày càng quan trọng.

Đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) bình luận với dự án quan trọng quốc gia, vấn đề quan trọng không phải ở tiền là bao nhiêu mà là cơ chế giám sát ra sao, hiệu quả của dự án như thế nào. 

Ông dẫn chứng từ kinh nghiệm của 2 nhiệm kỳ vừa qua, Quốc hội chỉ phê chuẩn 2 dự án nhưng thực tế có rất nhiều dự án không hiệu quả, như 12 dự án ngành công thương, gây thất thoát, lãng phí rất lớn. Hoặc Kiểm toán Nhà nước hằng năm đều nhắc nhở việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương tài chính.

* Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang):

Lập, phê duyệt dự án còn nhiều thiếu sót

Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang)

Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang)

Hiện nay tình trạng khảo sát, lập và phê duyệt dự án còn nhiều thiếu sót dẫn tới phải điều chỉnh quy mô, tổng mức đầu tư với giá trị lớn. Điều này tạo nên khe hở gây nên bất ổn về quản lý vốn đầu tư công, nên cần có quy định chặt chẽ.

Điển hình như kết quả kiểm toán nhà nước đối với tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi điều chỉnh 3 lần, tăng 147,9 tỉ đồng, dự án ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh điều chỉnh 6 lần, tăng 3.956 tỉ đồng.

Tuy nhiên, dự thảo luật quy định các nguyên nhân bất khả kháng sẽ là thiếu chặt chẽ, tạo ra khe hở lách luật và chưa làm rõ nguyên nhân bất khả kháng là nguyên nhân nào.

* Đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình):

Không phải cứ vướng là sửa luật

Đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình)

Đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình)

Tôi nghĩ không nên băn khoăn đại biểu Quốc hội không có thời gian, không có điều kiện xem hàng nghìn trang tài liệu. Nếu cần thiết, chúng tôi thuê chuyên gia để đánh giá lại chuẩn bị của Chính phủ sau đó chúng tôi biểu quyết, như vậy thẩm quyền của đại biểu Quốc hội và Quốc hội vẫn giữ được.

Quan trọng nhất khi không thực hiện được thì phải xem vướng ở đâu, giải quyết rõ chỗ đó. Không phải do không thực hiện được mà phải quay về sửa luật, lâu nay động đến cái gì là chúng ta quay về sửa luật.

NGỌC AN ghi

Thận trọng khi quy định đối tượng tạm hoãn xuất cảnh

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm

Hai nội dung được đại biểu quan tâm khi thảo luận chiều 28-5 về dự thảo Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam là quy định về hộ chiếu có gắn chip điện tử và quy định về tạm hoãn xuất cảnh.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng cần thận trọng và quy định cụ thể, chặt chẽ hơn đối với những đối tượng có thể bị tạm hoãn xuất cảnh nêu trong dự thảo luật. Ví dụ dự luật quy định tạm hoãn với người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố cần quy định chặt chẽ để tránh trường hợp lạm dụng, lợi dụng luật tạo khó cho người có nhu cầu xuất cảnh.

Hay quy định tạm hoãn xuất cảnh với người có nghĩa vụ chấp hành bản án hình sự, dân sự, kinh tế; người có nghĩa vụ trong vụ án hình sự, dân sự, kinh tế; người có nghĩa vụ chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nghĩa vụ nộp thuế cũng rất rộng, dễ bị lạm dụng. Đại biểu TP.HCM đề xuất chỉ nên quy định tạm hoãn đối với người đang vi phạm những nghĩa vụ trên.

Dự thảo Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam đề xuất sẽ có hai loại hộ chiếu: hộ chiếu có gắn chip điện tử và hộ chiếu không gắn chip điện tử để người dân có quyền lựa chọn. Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết sử dụng hộ chiếu điện tử nhằm tạo thuận lợi, nhanh chóng cho người dân khi làm thủ tục xuất nhập cảnh, cũng như tạo thuận lợi khi xét cấp thị thực, nhập cảnh các nước. Cơ quan nhà nước cũng sẽ tận dụng thông tin dữ liệu để kiểm tra khi cấp hộ chiếu, kiểm soát xuất cảnh, nhập cảnh tại cửa khẩu và bảo mật thông tin về nhân thân người được cấp hộ chiếu, chống làm giả.

TIẾN LONG - T.B.DŨNG

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: 'Quốc hội duyệt hết được 9.000 dự án đầu tư công không?'

TTO - Danh mục, mức vốn cho từng dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn vẫn nên để cho Quốc hội quyết định thay vì Chính phủ, theo kiến nghị của đa số đại biểu Quốc hội.

NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên