24/03/2015 08:48 GMT+7

Thành ủy Hà Nội yêu cầu làm rõ vụ thay thế 6.700 cây xanh

XUÂN LONG - T.CƯỜNG - LÂM HOÀI
XUÂN LONG - T.CƯỜNG - LÂM HOÀI

TT - Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị yêu cầu các cơ quan liên quan nghiêm túc kiểm điểm, nhìn nhận lại từng việc đã làm, chỉ rõ những thiếu sót, khuyết điểm.

Số gỗ từ việc chặt cây xanh vừa qua được tập kết tại Cầu Diễn (Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội) - Ảnh: Lâm Hoài
Thanh tra liên ngành phải làm rõ được thiếu sót ở đâu, do ai và biện pháp sửa chữa, khắc phục phải cụ thể. Việc kiểm điểm trách nhiệm phải làm từ giám đốc, phó giám đốc, cán bộ của các sở, ngành liên quan. Việc xử lý trách nhiệm này phải bảo đảm tính kỷ cương, tinh thần nghiêm túc, cầu thị, nhất định không được né tránh, bao biện hay xử lý kiểu “hòa cả làng”
Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị

Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã chủ trì phiên họp của thường trực Thành ủy chiều 23-3, nghe báo cáo và chỉ đạo xử lý những vấn đề liên quan đến việc thực hiện đề án cải tạo, thay thế cây xanh đang được dư luận quan tâm.

Cách làm không phù hợp, không lường trước hệ quả

Theo Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị, dư luận bức xúc trước việc thực hiện cải tạo, thay thế cây xanh thời gian qua là có lý do chính đáng.

Đó là vì những cơ quan thực hiện đã lựa chọn cách làm không phù hợp, không lường trước những hệ quả do việc làm của mình gây ra, trong đó có sự nôn nóng và giản đơn, cho dù chủ trương cải tạo, thay thế cây là đúng đắn.

Ông Nghị yêu cầu các cơ quan liên quan phải thể hiện tinh thần nghiêm túc kiểm điểm, nhìn nhận lại từng vấn đề, từng việc đã làm, chỉ rõ những thiếu sót, khuyết điểm, từ đó rút kinh nghiệm chung.

Trước mắt các ngành, đơn vị phải nghiêm túc thực hiện việc dừng cải tạo, thay thế cây để đánh giá, rà soát, hoàn thiện tất cả quy trình, thủ tục liên quan, làm rõ các tiêu chí đánh giá, phân loại để có căn cứ quyết định cây nào cần thay, cây nào không, với tinh thần hạn chế đến mức thấp nhất việc thay những cây đã trồng - bí thư Thành ủy Hà Nội chỉ đạo.

Đề cập vấn đề xử lý trách nhiệm các cá nhân, tập thể liên quan, Bí thư Phạm Quang Nghị yêu cầu Ban cán sự Đảng UBND TP chỉ đạo khẩn trương việc thanh tra.

“Ngay khi có kết quả thanh tra, xử lý trách nhiệm liên quan phải cung cấp thông tin đầy đủ cho cơ quan báo chí để công khai cho nhân dân được biết” - ông Nghị nhấn mạnh.

Cũng tại cuộc họp, ông Nghị đã yêu cầu Ban cán sự Đảng UBND TP chỉ đạo Sở Xây dựng trả lời 21 câu hỏi được nêu ra trong cuộc họp báo vừa qua, gửi tới từng cơ quan báo chí. Nội dung trả lời phải đầy đủ, rõ ràng, chính xác, thuyết phục, không được bao biện, quanh co.

Bí thư Thành ủy cũng tự đánh giá vừa qua lãnh đạo TP đã kịp thời nhận ra những hạn chế, thiếu sót trong thực hiện cải tạo, thay thế cây xanh của các cơ quan, đơn vị thực hiện, cũng như đã lắng nghe ý kiến dư luận.

Ông Nghị cũng lưu ý các cấp, các ngành TP đây là bài học quý báu trong quá trình thực thi nhiệm vụ cần hết sức lắng nghe ý kiến nhân dân, dư luận báo chí để kịp thời điều chỉnh việc làm của mình, hạn chế thấp nhất những thiếu sót, khuyết điểm.

“Nhân dân rất nghiêm khắc, nhưng đồng thời cũng rất công bằng nếu chúng ta thực lòng tiếp thu, sửa chữa” - ông Nghị nói.

Kết thúc phiên họp, Bí thư Thành ủy cũng bày tỏ mong muốn trong thời gian tới tiếp tục nhận được sự quan tâm đóng góp ý kiến của các nhà khoa học và người dân yêu mến Hà Nội về vấn đề chăm sóc, quản lý cây xanh nói riêng và sự nghiệp xây dựng, phát triển thủ đô nói chung.

Một cây gỗ có đường kính rất lớn bị đốn hạ được chuyển về bãi tập kết của Công ty Công viên cây xanh Hà Nội - Ảnh: N.Quang

Chặt sạch cây to, bứng chuyển cây nhỏ

Từ đề nghị của đại diện một số cơ quan báo chí, chiều 23-3 Công ty Công viên cây xanh Hà Nội đã phải mở cửa khu vực vườn ươm nơi chứa những cây xanh đã bị chặt hạ. 

Khu tập kết này nằm tại xí nghiệp sản xuất cây hoa, cây cảnh, cây xanh thuộc công ty này tại Cầu Diễn (Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội). Đây là những thông tin, hình ảnh mà Công ty Công viên cây xanh Hà Nội không công khai trong thời gian dài, từ khoảng giữa năm 2014 đến nay.

Lãnh đạo Công ty Công viên cây xanh Hà Nội cho biết có 520 cây trên các tuyến phố đã bị chặt hạ với lượng gỗ gần 220m³.

Trong số này cây xà cừ (chủ yếu là cổ thụ) chiếm nhiều nhất, lên tới 186m³ bị chặt hạ, lượng gỗ các loại cây khác là 31m³. Điều đáng nói, lượng cây xếp vào củi (giá trị sử dụng thấp) chỉ có 23m³.

Trong các tuyến phố có cây bị chặt hạ, đường Nguyễn Trãi (Q.Thanh Xuân) chiếm nhiều nhất với 294 cây, Phố Huế - Hàng Bài với 115 cây, Nguyễn Chí Thanh 111 cây.

Trực tiếp có mặt trong khu tập kết rộng hàng chục hecta ở khu vực Cầu Diễn, chúng tôi ghi nhận một lượng gỗ khổng lồ được tập kết tại đây. Gốc, rễ, thân cây, các mảng gỗ đã được xẻ chất cao 1-3m, nằm la liệt chạy dài trong khu vườn ươm tới gần 500m.

Trong số này có nhiều gốc, thân cây đường kính từ hàng chục centimet đến gần 2m. Số gỗ này hoàn toàn lộ thiên, không hề được che chắn, tuy nhiên xung quanh khu vực tập kết là cây cối um tùm, được quây tôn cao kín mít, bảo vệ nghiêm ngặt.

Trong khi đó, đối diện khu tập kết gỗ là khu vườn ươm cây. Tại đây hàng trăm cây loại nhỏ được cắt tỉa gọn và chôn xuống đất, quây lưới tấm lót chuyên dụng bảo vệ.

Theo ông Nguyễn Xuân Hanh - giám đốc xí nghiệp sản xuất cây hoa, cây xanh, cây cảnh, số lượng cây trên gồm 128 cây được đào bứng chuyển từ đường Nguyễn Chí Thanh về.

Như vậy, toàn bộ cây trên đường Nguyễn Trãi, Trần Phú đã bị chặt hạ hoàn toàn, không hề có cây nào được bứng chuyển về trồng tại vườn ươm nói trên.

Một điều mâu thuẫn chưa được làm rõ nữa là trong khi ông Đỗ Ngọc Hoàng, giám đốc Công ty Công viên cây xanh Hà Nội, khẳng định có 117 cây tại Phố Huế - Hàng Bài được đào bứng chuyển về thì tại vườn ươm của công ty chỉ thấy xuất hiện 128 cây từ đường Nguyễn Chí Thanh.

117 cây nói trên hiện được trồng ở đâu không rõ.

Trả lời Tuổi Trẻ về việc tiêu chí cây thế nào thì điều chuyển, thế nào bị chặt làm gỗ, ông Hanh nói: “Cây nào quá to không có khả năng đánh chuyển thì chặt làm gỗ. Cây đánh chuyển chỉ là cây nhỏ đường kính dưới 35cm mà thôi”.

Về khả năng sống sót của các cây này, ông Hanh cho hay chỉ từ 70-80%. Cùng chung thông tin, ông Nguyễn Anh Tuấn - cán bộ giám sát thuộc ban duy tu, hạ tầng Sở Xây dựng - cho hay chỉ trồng lại cây nhỏ đủ tiêu chuẩn, cây sâu mục, cây to thì chặt bỏ.

“Như trên đường Nguyễn Trãi cây to đều chặt vì không đào được đưa về ươm, đào sẽ ảnh hưởng tới giao thông” - ông Tuấn cho hay.

Vẫn còn nhiều kho gỗ bí ẩn khác

Theo ông Đỗ Ngọc Hoàng, toàn bộ cây xà cừ cổ thụ được chặt hạ trên đường Nguyễn Trãi (Q.Thanh Xuân) và đường Trần Phú (Q.Hà Đông) không chỉ có riêng Công ty Công viên cây xanh Hà Nội tham gia chặt mà còn nhiều đơn vị khác.

Ngoài ra, số lượng cây trên phố Nguyễn Thái Học cũng do đơn vị khác phụ trách chặt hạ.

“Tổng số các đơn vị tham gia chặt cây là 6-7 đơn vị” - ông Hoàng thông tin. Như vậy, ngoài số lượng gỗ khổng lồ tới 220m³ thu được từ 520 cây do Công ty Công viên cây xanh Hà Nội chặt hạ, còn một lượng gỗ khác đang được tập kết ở các kho bí ẩn của các công ty còn lại.

Liên quan tới việc thanh lý số lượng gỗ đã bị chặt hạ, đại diện Công ty Công viên cây xanh cho biết theo quy định ba tháng tiến hành một lần. Riêng số lượng gỗ và củi thu được từ đường Nguyễn Trãi, Trần Phú, Hàng Bài - Phố Huế, Nguyễn Chí Thanh hiện vẫn đang được lưu giữ trong kho.

Về số lượng gỗ, giá bán lượng gỗ đã được thanh lý gần đây, đại diện Công ty Công viên cây xanh cho biết tạm thời chưa cung cấp được vì phải chờ tổng hợp số liệu.

Về tổng chi phí để chi cho việc chặt hạ cây xanh, đại diện này cũng cho hay tùy theo dự toán ban đầu dược duyệt.

“Con số chính xác thì sau khi hoàn thành có quyết toán mới cho ra cụ thể” - đại diện này nói.

XUÂN LONG - T.CƯỜNG - LÂM HOÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên