16/09/2018 11:11 GMT+7

Thành tựu văcxin 'made in Việt Nam'

LAN ANH - THÙY DƯƠNG - PHAN SÔNG NGÂN
LAN ANH - THÙY DƯƠNG - PHAN SÔNG NGÂN

TTO - Trong 33 năm thực hiện tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam, hiện Việt Nam đã sản xuất được 12/13 văcxin tham gia chương trình. Đằng sau kết quả này là sự nỗ lực to lớn của rất nhiều nhà khoa học đã âm thầm nghiên cứu trong nhiều năm dài.

Thành tựu văcxin made in Việt Nam - Ảnh 1.

Nghiên cứu, phát triển văcxin tại Viện Văcxin và các sinh phẩm y tế ở TP Nha Trang - Ảnh: PHAN SÔNG NGÂN

Ở tuổi 78, GS Huỳnh Phương Liên và các cộng sự đang gần "cán đích" ở đề tài nghiên cứu cấp nhà nước: nghiên cứu, sản xuất văcxin viêm não Nhật Bản trên tế bào vero, một loại văcxin có công nghệ sản xuất rất mới. Hơn 20 năm trước, GS Huỳnh Phương Liên cũng là tác giả của văcxin viêm não Nhật Bản đầu tiên ở Việt Nam. 

"Nếu sản xuất được văcxin viêm não Nhật Bản trên tế bào vero thì Việt Nam là quốc gia thứ 4 trên thế giới, sau Áo, Nhật và Trung Quốc, nghiên cứu phát triển thành công văcxin này" - GS Liên nói với Tuổi Trẻ.

Hành trình 56 năm

Ít ai biết rằng trong điều kiện rất khó khăn nhưng Việt Nam đã nghiên cứu sản xuất thành công một loại văcxin quan trọng từ năm 1962. 

PGS.TS Dương Thị Hồng, phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, cho hay những năm 1959-1960 bùng phát dịch bại liệt lớn ở các tỉnh phía Bắc, làm 17.000 người mắc bệnh và 500 người tử vong, mỗi năm hàng ngàn trẻ em bị di chứng bại liệt suốt đời, tỉ lệ mắc lên đến trên 126/100.000 dân.

"Nhờ văcxin Liên Xô hỗ trợ, năm 1961 tỉ lệ mắc bại liệt đã giảm xuống 3,09/100.000 dân. Nhưng để chủ động phòng chống bại liệt, Bộ trưởng Bộ Y tế khi đó là bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đã yêu cầu phải sản xuất được văcxin phòng bại liệt. 

Ngay năm 1962, văcxin sabin phòng bại liệt do Việt Nam nghiên cứu sản xuất đã ra đời, nhờ đó tỉ lệ mắc 3/100.000 dân duy trì suốt những năm 1960-1970 và giảm rõ rệt khi Việt Nam thực hiện tiêm chủng mở rộng vào năm 1985. 

Từ năm 1990 tỉ lệ trẻ dưới 1 tuổi được uống đủ ba liều văcxin phòng bại liệt được duy trì trên 90% và đây là tiền đề để Việt Nam thanh toán bệnh bại liệt năm 2000" - bà Hồng chia sẻ.

Văcxin tả uống cũng là một văcxin được Việt Nam phát triển từ rất sớm. Ông Đỗ Tuấn Đạt, giám đốc Công ty Văcxin và sinh phẩm số 1 (Bộ Y tế), cho hay thời kỳ đầu của ngành công nghiệp sản xuất văcxin, GS Hoàng Thủy Nguyên chuyên về văcxin ngừa bệnh do virút, GS Đặng Đức Trạch chuyên văcxin ngừa bệnh do vi khuẩn. 

Văcxin tả uống của Việt Nam phát triển từ công nghệ được Thụy Điển chuyển giao và Việt Nam cũng là quốc gia nghiên cứu, sản xuất được văcxin này từ sớm. 

Năm 2000-2001,Việt Nam tiếp tục chuyển giao miễn phí công nghệ này cho Viện văcxin Hàn Quốc và từ đó một công ty của Ấn Độ đã có bản quyền sản xuất văcxin tả uống xuất khẩu khắp thế giới.

70 triệu liều văcxin viêm não Nhật Bản

Trong 33 năm thực hiện tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam (từ năm 1985), hiện Việt Nam đã sản xuất được 12/13 văcxin tham gia chương trình. Trong số này có một loại văcxin có số lượng sử dụng nhiều và rất có ý nghĩa với y tế công cộng, đó là văcxin ngừa viêm não Nhật Bản.

Đã hơn 20 năm kể từ khi Việt Nam sản xuất được văcxin viêm não Nhật Bản B, đến nay đã có trên 70 triệu liều văcxin này được xuất xưởng với giá thành rất Việt Nam: trước đây chỉ trên 7.000 đồng/2 liều cho trẻ em, hiện nay là 10.500 đồng/2 liều trẻ em. 

Việt Nam cũng đã xuất khẩu trên 5,3 triệu liều văcxin viêm não Nhật Bản đi Ấn Độ.

Và 12 năm trước, khi ở tuổi 66, GS Liên và các cộng sự lại bắt tay vào một nghiên cứu mới: nghiên cứu sản xuất văcxin viêm não Nhật Bản trên tế bào vero, cũng ngừa bệnh viêm não Nhật Bản nhưng công nghệ mới hơn. 

Và 12 năm sau ngày đầu tiên ấy, nghiên cứu này đang đi những bước cuối để chuẩn bị được nghiệm thu vào cuối năm và văcxin thương phẩm sẽ ra thị trường hi vọng từ cuối năm 2019. 

Nhờ văcxin viêm não Nhật Bản, trước đây 70-75% số ca viêm não virút ở Việt Nam là do viêm não Nhật Bản, hiện tỉ lệ ấy chỉ còn 10-14%. Hiện mới có 4 quốc gia sản xuất văcxin viêm não Nhật Bản trên tế bào vero, Việt Nam hoàn toàn có cơ hội xuất khẩu rộng rãi văcxin này.

Thành tựu văcxin made in Việt Nam - Ảnh 2.

Phòng thí nghiệm văcxin Ảnh do Viện Vệ sinh dịch tễ cung cấp

Niềm hi vọng văcxin Việt

Tháng 5 vừa qua, đề tài nghiên cứu sản xuất văcxin ngừa cúm thế hệ hai dạng mảnh, giá thành thương mại rẻ chỉ bằng 1/2-2/3 so với văcxin ngoại nhập đã được hội đồng của Bộ Y tế nghiệm thu đạt kết quả xuất sắc. 

Hiện hồ sơ đăng ký lưu hành văcxin đang được Cục Quản lý dược xem xét và hi vọng văcxin sớm ra thị trường.

PGS.TS Lê Văn Bé, viện trưởng Viện Văcxin và sinh phẩm y tế (IVAC, Nha Trang), đơn vị sản xuất văcxin cúm, cho hay văcxin cúm do IVAC sản xuất ngừa được các chủng cúm H1, H3 và cúm B, là văcxin dạng bất hoạt và sử dụng được cho cả phụ nữ có thai.

Ông Bé cũng chia sẻ cơ hội xuất khẩu văcxin ngừa cúm rất lớn. "Chúng tôi đã nhận được hai thư mời tham gia trung tâm điều hành văcxin của Tổ chức Y tế thế giới và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ, trong trường hợp xảy ra đại dịch cúm thì dành 10% sản lượng văcxin cúm xuất khẩu cho các quốc gia chưa sản xuất được văcxin" - ông Bé cho hay. 

Ngoài ra, các văcxin sởi, sởi - rubella sản xuất trên dây chuyền công nghệ Nhật Bản, văcxin viêm não Nhật Bản trên tế bào vero cũng hoàn toàn có cơ hội xuất khẩu.

Năm 2015, Việt Nam được Tổ chức Y tế thế giới công nhận đạt tiêu chuẩn NRA (Cơ quan Quản lý về văcxin của Việt Nam) về hệ thống giám sát và quản lý văcxin quốc gia, đây là một trong những tiêu chí quan trọng để đủ điều kiện xuất khẩu văcxin. 

Thời điểm đó, Việt Nam được đánh giá là 1 trong 45 quốc gia có ngành công nghiệp văcxin và là 1 trong 39 quốc gia đạt NRA.

Theo ông Đỗ Tuấn Đạt, thời điểm sản xuất được văcxin ngừa bại liệt, Việt Nam là quốc gia châu Á sớm sản xuất được văcxin, gần đây Ấn Độ và Hàn Quốc nổi lên như các cường quốc mạnh về nhóm sản phẩm này. 

Hi vọng vẫn còn vì Việt Nam có nhân lực rất lành nghề, có nhiều văcxin chất lượng tốt và đang tiếp tục nghiên cứu phát triển các văcxin mới như Hib cộng hợp, văcxin ngừa ho gà vô bào, văcxin 5 trong 1 có thành phần ho gà vô bào...

Bộ Y tế đang đặt mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam sản xuất được 14 loại văcxin cung cấp cho tiêm chủng mở rộng.

Đã có tình yêu, chớ để lụi tàn

Để nghiên cứu, sản xuất được một loại văcxin, các nhà nghiên cứu có thể phải dành ra hàng chục năm, có khi nghiên cứu thành công nhưng văcxin vẫn không thể ra được thị trường. Đó là câu chuyện của văcxin ngừa cúm A/H5N1.

13 năm trước, gần một năm sau khi chủng cúm gia cầm H5N1 xuất hiện lần đầu tiên, các nghiên cứu viên của Việt Nam đã bắt tay vào nghiên cứu văcxin ngừa chủng cúm nguy hiểm, tỉ lệ tử vong rất cao này.

Và 13 năm sau, văcxin đã hoàn thành đủ các bước thử nghiệm nhưng không thể ra thị trường, vì quy mô thị trường văcxin này nhỏ, không thể thiết kế cả một dây chuyền hoàn chỉnh riêng và rất khó khăn để thương mại hóa sản phẩm.

"So với các ngành nghề khác, điều cần ở người làm nghiên cứu sản xuất văcxin là sự đam mê, một cái tâm với nghề vì muốn ra được sản phẩm cần lâu lắm.

Có những tiền bối của chúng tôi có khi đang ngủ nghĩ ra điều gì hay lại ngồi bật dậy ghi chép để mai thực hiện. Nếu đã có tình yêu với nghề, chớ để nó lụi tàn" - ông Đỗ Tuấn Đạt, giám đốc Công ty Văcxin và sinh phẩm số 1 (Bộ Y tế), nói.

Góp sức cùng WHO giúp toàn cầu

lê văn bé

PGS.TS Lê Văn Bé - viện trưởng Viện Văcxin và sinh phẩm y tế (IVAC) - cho biết ngoài dự án nghiên cứu phát triển văcxin cúm mùa đã được các cơ quan trung ương nghiệm thu, IVAC còn được giao thực hiện hai dự án nghiên cứu, sản xuất sản phẩm cấp quốc gia.

Đó là dự án "sản xuất văcxin ho gà vô bào" và "sản xuất văcxin 5 trong 1 toàn tế bào".

Đến nay IVAC được thành lập đã gần tròn 40 năm, kể từ ngày 23-11-1978. Ngoài các văcxin mới được nghiên cứu, sản xuất thành công, kể từ ngày khánh thành dây chuyền công nghệ sinh học hiện đại đầu tiên của Việt Nam vào năm 1986 (hợp tác với UNICEF), để sản xuất các loại văcxin DPT (phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván), VAT (phòng bệnh uốn ván) cho Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, trong mấy chục năm qua IVAC còn sản xuất được rất nhiều loại huyết thanh kháng độc tố nhiều loại bệnh.

Đến nay, có 13 dòng sản phẩm văcxin, huyết thanh đã được nghiên cứu, sản xuất từ IVAC. Trong đó, theo ông Bé, có ba loại huyết thanh của IVAC cung ứng thừa sức cho nhu cầu trong nước và có thể xuất khẩu.

Cùng với văcxin cúm mùa đang sẵn sàng cung ứng cho thị trường, IVAC cũng đã thầm lặng cống hiến bằng nhiều sản phẩm văcxin, huyết thanh bảo vệ sức khỏe cho người Việt Nam và đang vươn tầm góp sức đồng hành cùng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để bảo vệ cho con người ở nhiều nơi khác trên thế giới theo các chương trình nhân đạo.

Không phải nhập ngoại

vacxin

Văcxin được bảo quản trong kho lạnh tại Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương - Ảnh: V.DŨNG

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh - trưởng khoa nhiễm - thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM), Việt Nam tự sản xuất được càng nhiều loại văcxin thì Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia càng chủ động được trong công tác tiêm chủng.

Khi trong nước sản xuất được văcxin thì không cần nhập văcxin và sẽ duy trì được độ phủ về văcxin. Giá thành văcxin tự sản xuất trong nước rẻ hơn so với văcxin nhập.

Nhập văcxin về phải qua nhiều khâu kiểm định, còn khi văcxin sản xuất trong nước, khâu kiểm định văcxin cũng thuận tiện hơn.

Trước thông tin hiện nay có không ít bậc phụ huynh vẫn thích được chích văcxin nhập từ nước ngoài về cho con em họ, bác sĩ Trương Hữu Khanh cho rằng đó là ý thích của một số người nhưng thực tế đã chứng minh nhiều năm nay Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia đã sử dụng nhiều loại văcxin do Việt Nam sản xuất và tỉ lệ bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, sốt bại liệt, viêm gan siêu vi B, viêm não Nhật Bản giảm xuống rất nhiều. Điều này chứng tỏ văcxin do Việt Nam sản xuất có hiệu quả.

Ông Nguyễn Ngô Quang (phó cục trưởng Cục Khoa học, công nghệ và đào tạo - Bộ Y tế):

Chúng ta có thể tự hào

Chúng ta đã có thể sản xuất được 13 văcxin và có 12 văcxin đã được sử dụng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Mới đây nhất dự án nghiên cứu sản xuất văcxin cúm mùa đã được nghiệm thu đạt xuất sắc và dự kiến văcxin này sẽ được cấp phép lưu hành thời gian tới.

Ngoài ra còn một số văcxin đang trong quá trình nghiên cứu, phát triển và thử nghiệm lâm sàng.

Việt Nam có thể tự hào là một trong số ít quốc gia sản xuất được văcxin. Tất cả văcxin của Việt Nam hiện nay đều được sản xuất trên dây chuyền công nghệ đạt tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt (GMP) của WHO.

Cơ quan quản lý về văcxin của Việt Nam (NRA) đã được WHO đánh giá và công nhận đạt yêu cầu của WHO vào năm 2015. Ngành công nghiệp sản xuất văcxin tại Việt Nam là một trong những ngành có lịch sử phát triển lâu dài, có uy tín trên thế giới và khu vực.

Việc cơ quan NRA của Việt Nam được WHO công nhận đạt tiêu chuẩn là bước quan trọng giúp văcxin Việt Nam có thể xuất khẩu ra thị trường quốc tế.

Việt Nam đã làm chủ công nghệ sản xuất văcxin cúm đại dịch (văcxin cúm A/H5N1 bất hoạt) và là 1 trong 14 quốc gia được WHO lựa chọn cung cấp văcxin toàn cầu trong tình huống xảy ra đại dịch cúm.

Hiện nay Trung tâm Nghiên cứu sản xuất văcxin và sinh phẩm y tế (POLYVAC) đang xúc tiến xin tiền thẩm định của WHO cho văcxin sởi và tiến tới là các văcxin khác mở ra một tương lai khả quan về cơ hội xuất khẩu văcxin Việt Nam.

Ngành công nghiệp sản xuất văcxin là thế mạnh và điểm sáng thành tựu trong nền y học dự phòng của Việt Nam, những văcxin thế mạnh của Việt Nam hiện nay như sởi, văcxin phối hợp sởi - rubella, rota, cúm mùa, viêm não Nhật Bản... là những văcxin không những đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước mà còn có tiềm năng xuất khẩu lớn.

Tiêm bổ sung vắcxin cho trẻ em tại 6 tỉnh nhiều nguy cơ mắc sởi Tiêm bổ sung vắcxin cho trẻ em tại 6 tỉnh nhiều nguy cơ mắc sởi

Vừa qua Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) đã nhận được công văn của Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương về việc tiêm vắcxin sởi-rubella cho những vùng có nguy cơ cao.

LAN ANH - THÙY DƯƠNG - PHAN SÔNG NGÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên