Chương trình tháng 5 được tổ chức với chủ đề “Đầu tư chuyển đổi số trong quản lý nhà nước phục vụ người dân và doanh nghiệp”.
Tham dự có Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ, Phó chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức cùng các lãnh đạo sở, ngành, địa phương và các cử tri.
Tăng cường kiểm tra
Trước tình trạng số điện thoại, tên, địa chỉ, căn cước công dân của người dân bị các đối tượng làm phiền và lừa gạt chiếm đoạt tài sản, ông Bùi Hữu Huy Hoàng, chủ tịch UBND phường 13, quận 3, đặt vấn đề về bảo mật thông tin hiện nay.
“Khi thực hiện chuyển đổi số, các cơ quan nhà nước đã đề ra biện pháp gì để đảm bảo an toàn thông tin của người dân?”, ông Hoàng nói.
Nêu nguyên nhân về việc lộ lọt thông tin cá nhân, giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông TP.HCM Lâm Đình Thắng cho biết có 2 nguyên nhân chính. Một số dịch vụ của Nhà nước, doanh nghiệp cung cấp tiện ích cho người dân không đảm bảo yêu cầu về an toàn, bảo mật thông tin. Cùng với đó, người dân cung cấp thông tin của mình cho các nền tảng trực tuyến, nhất là trên mạng xã hội.
Dù vậy, lãnh đạo sở này khẳng định hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của TP được kết nối với hệ thống xác thực, định danh điện tử quốc gia nên người dân có thể an tâm vì an toàn bảo mật cao.
Để chấn chỉnh tình trạng trên, ông Thắng cho rằng các cơ quan nhà nước phải tuân thủ quy định về bảo mật thông tin cá nhân, khi cung cấp cho bên thứ 3 phải đảm bảo quy định, mã hóa dữ liệu, thông tin vừa đủ.
Đồng thời, sở cũng sẽ tăng cường kiểm tra, thanh tra, chấn chỉnh các đơn vị sử dụng thông tin của người dân. “Hiện sở đang tổ chức 6 đoàn thanh tra 6 doanh nghiệp viễn thông về sim số, lưu trữ bảo vệ thông tin cá nhân", ông Thắng chia sẻ.
Đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt
Thanh toán không dùng tiền mặt cũng là vấn đề được nhiều cử tri nêu ra tại chương trình. Cử tri Hoàng Đức Long (ngụ phường 6, quận 5) phản ảnh việc nhiều trường học không chấp nhận thanh toán bằng tiền mặt mà bắt buộc thanh toán qua dịch vụ thẻ SSC gây nhiều bất tiện và cũng có tình trạng khi chuyển tiền qua các ngân hàng không tốn phí thì lại báo lỗi.
“Sắp tới Sở Giáo dục và Đào tạo có giải pháp gì để giải quyết tình trạng này hay không?”, ông Long thắc mắc.
Bà Trần Thị Ngọc Lan, trưởng ban điều hành khu phố 3, phường 8, quận 10, đặt vấn đề khi tuyến metro số 1 đi vào hoạt động, TP có giải pháp thanh toán điện tử dùng chung với các loại hình vận tải hành khách công cộng khác để đồng bộ và thuận tiện cho người dùng.
Về lĩnh vực giáo dục, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM Lê Hoài Nam cho biết sẽ làm việc với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM và các ngân hàng thương mại, doanh nghiệp trung gian giao dịch thanh toán điện tử để thống nhất phương thức, minh bạch chi phí phát sinh.
Mặt khác, ngành giáo dục cũng yêu cầu nhà trường phải chấp nhận thanh toán tiền mặt để tạo thuận lợi cho các trường hợp chưa có điều kiện thanh toán không tiền mặt.
Liên quan đến giải pháp thanh toán vé điện tử dùng chung cho giao thông công cộng, theo Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM Bùi Hòa An, việc thanh toán điện tử trong lĩnh vực giao thông công cộng là một trong những mục tiêu quan trọng của chương trình chuyển đổi số lĩnh vực giao thông.
Hiện nay sở này đã thí điểm thanh toán điện tử trên 23 tuyến xe buýt, qua quá trình triển khai đã nhận được sự hưởng ứng tích cực, nhất là sinh viên của các trường đại học với khoảng 14 triệu lượt sử dụng.
“Trên cơ sở thí điểm đó, sở đã trình UBND TP xem xét thông qua khung tiêu chuẩn kỹ thuật về thanh toán điện tử trong vận tải hành khách công cộng nhằm kết nối liên thông với phương thức vận tải hành khách công cộng khác, đảm bảo người dân chỉ sử dụng một thẻ”, ông An chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận